Người trẻ với hành trình khát vọng non sông - Bài 3: Giọt nước mắt tự hào

'Ông ơi, cháu tới được đây rồi' - tiếng nấc nghẹn ngào của chị Lê Thị Hài, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Siêu (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), trong nỗi khắc khoải 70 năm cả gia đình đi tìm hài cốt của người ông kể từ ngày giấy báo tử được gửi về ngay sau đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khắc khoải chờ mong

Tuổi thơ của chị Lê Thị Hài lớn lên thiếu vắng tình thương của ông nội. Và câu hỏi: “Tại sao các bạn có ông, còn con thì không có?” của chị đã khiến bố không ít lần ngậm ngùi. “Lên lớp 2, tôi được bố đưa xuống nghĩa trang liệt sĩ của xã để thắp hương trong những ngày lễ lớn. Từ đó, tôi mới dần hiểu, liệt sĩ là gì và hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ đã dần lớn lên trong tôi qua những trang sách”, chị Hài nhớ lại.

Chị Lê Thị Hài (hàng trên, thứ 3 từ phải qua) - tác giả chính của tác phẩm đoạt giải A Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tùng

Lớn hơn, chị mới bắt đầu được bố và những người thân trong gia đình kể lại những ký ức về ông nội. Ông chị là cụ L.V. Đ (quê ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), lên đường nhập ngũ năm 1946, khi tròn 25 tuổi. Ông là một trong những chiến sĩ đầu tiên của xã Đông Ninh ngày ấy lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.

“Bố mình kể, lần bị thương cuối cùng của ông là khi tham gia thu các chiến lợi phẩm của thực dân Pháp ở trên chiến trường Điện Biên. Ông đã tham gia vào đợt 1 của chiến dịch. Ngày kết thúc đợt 1 của chiến dịch (17/3/1954), giấy báo tử được gửi về, ông đã hy sinh”, chị Hài nghẹn ngào nói.

Di vật cuối cùng mà ông để lại cho gia đình trước khi lên đường chỉ có một chiếc áo. Theo chị Hài, cái áo đó giống như một kỷ vật của cả gia đình. Nhưng giai đoạn năm 1969 - 1971, ở Khoái Châu chịu ảnh hưởng bởi 2 trận lụt rất lớn, cả gia đình chỉ kịp chạy thoát thân. “Kỷ vật duy nhất của ông còn sót lại bị nước cuốn trôi”, chị Hài kể.

Đến nay, hài cốt của ông vẫn chưa được tìm thấy. Theo chị Hài, sau chừng ấy năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cũng là chừng ấy năm cả gia đình luôn trong nỗi khắc khoải chờ mong tìm được ông. Nhiều năm đi tìm kiếm, chỉ cần gặp ai đó là cựu chiến binh năm xưa hay nghe tin thấy một gia đình nào ở quê đã tìm được hài cốt của người thân, cả gia đình chị lại đến hỏi thăm và hy vọng. “Đó là một việc làm thường trực với cả thế hệ con, cháu trong gia đình”, chị Hài tâm sự.

Thắp lên khát vọng trong mỗi bạn trẻ

Chị Lê Thị Hài tại hầm Đờ Cát Ảnh: Châu Linh

Lớn lên với ký ức hào hùng của ông nội trở thành động lực thôi thúc chị Hài đến với môn Lịch sử như một sứ mệnh đề gìn giữ, tỏ lòng biết ơn với cội nguồn dân tộc. Nhờ thế, chị có cơ hội được đến mảnh đất Điện Biên với vai trò là tác giả chính của tác phẩm đoạt giải A - Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, do T.Ư Đoàn tổ chức.

Những dòng viết đầy xúc cảm trong tác phẩm đoạt giải A của cô trò Trường THPT Nguyễn Siêu đã khiến cho nhiều đại biểu dự chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” rơi lệ: “Chiến tranh đã đi qua, 70 năm hay lâu hơn nữa, những viết thương cày xới của bom đạn chiến tranh nhắc chúng ta giá trị của hòa bình. Những người mẹ đã ra đi cùng vết thương lòng không kịp lành. Dân tộc này không muốn chiến tranh, người Việt mong muốn hòa bình mãi mãi. Nhưng nếu phải chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do, thì những người mẹ sẽ nén đau thương vào sâu tấm thân gầy guộc, thắp nén nhang trước bàn thờ chồng để tiễn đứa con duy nhất hay cuối cùng lên đường. Những người vợ, người chị, người em gái sẵn sàng vén vành khăn tang để đến những quả bom chưa nổ… Mãi mãi biết ơn và tự hào về cha ông của mình”.

“Nói tới hoa ban, tôi từng nhắc với học sinh rằng, sau chiến thắng, màu của hoa ban nhiều cảm xúc hơn với con người. Bởi chính máu của những chiến sĩ đã ngã xuống đã làm cho màu của hoa ban phảng phất nhiều hơn nỗi nhớ, ký ức, niềm tự hào và cả sự kiêu hãnh”.

Chị Lê Thị Hài, giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu

Cảm xúc để chị Hài viết nên tác phẩm này đã có từ khi chị biết ông hy sinh lúc bố còn rất nhỏ, chưa khi nào bố được gặp ông. “Bà nội tần tảo nuôi con, rồi ra đi trong khắc khoải chờ chồng trở về. Bố mình mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ”, chị Hài chia sẻ.

Và chính nỗi trăn trở chưa tìm thấy ông, hướng về ông của cả gia đình đã thôi thúc chị Hài tập trung nhiều năng lượng, tâm huyết để hoàn thành tác phẩm dự thi và đặt chân tới mảnh đất Điện Biên. Trong 3 tháng thực hiện tác phẩm, chị đã thường xuyên đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội để tra cứu tài liệu gốc. Chị nghiên cứu trên 100 đầu sách tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 65 đầu sách về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài dự thi hoàn thành với 648 trang A4 đánh máy. “Đó là những ngày cô trò cùng tìm tư liệu, xem tư liệu và đối chiếu tư liệu gốc. Có lúc, tất cả cô trò không ai dám nhìn ai, vì mỗi người đều đang khóc…”, chị Hài nhớ lại.

Khi ngồi và định hình lại trên lược đồ, chị Hài thuộc lòng diễn biến và các cứ điểm trên sa bàn. Nhưng khi được trực tiếp đến tham quan, chị Hài càng thấm thía hơn sự quyết tâm và tinh thần, niềm tin tất thắng, trí tuệ của những chiến sĩ Điện Biên đồng tâm, đồng lòng, làm nên chiến thắng vẻ vang, để lại những dấu tích vang vọng tạc vào ký ức của biết bao thế hệ.

Đứng trên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 trong dòng người dâng hương tưởng niệm, chị Hài nghẹn ngào thầm gọi: “Ông ơi, hôm nay cháu tới được đây rồi…”. Vừa khóc, vừa gọi ông bằng cả nỗi nhớ đã kìm nén qua chừng ấy năm, chị Hài luôn tin tưởng và hy vọng rằng, ông dù ở đâu vẫn được đất mẹ yêu thương, bao bọc và an nghỉ trong tiếng ru ngàn năm không mỏi. Vì thế, chị luôn dặn lòng mình phải bước thật khẽ, thật khẽ. “Bởi nếu bước nhanh, bước mạnh quá, có thể chúng ta sẽ dẫm lên những giọt máu, tế bào sống của cha ông mình. Và trong dòng máu mình đang chảy, có dòng máu của ông nội”, chị Hài xúc động nói.

Đứng trên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 trong dòng người dâng hương tưởng niệm, chị Lê Thị Hài, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Siêu (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), nghẹn ngào thầm gọi ông nội: “Ông ơi, hôm nay cháu tới được đây rồi…”. Vừa khóc, vừa gọi ông bằng cả nỗi nhớ đã kìm nén qua chừng ấy năm, chị Hài luôn tin tưởng và hy vọng rằng, ông dù ở đâu vẫn được đất mẹ yêu thương, bao bọc và an nghỉ trong tiếng ru ngàn năm không mỏi.

Trong phút giây lắng đọng, chị Hài chỉ tôi hướng mắt về những tán hoa ban nở rực rỡ khoe sắc dọc con đường trên mảnh đất đầy nắng và gió. Với chị, hoa ban biểu hiện cho một sức sống mãnh liệt và trường tồn, và mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Nhắc đến hoa ban là gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, như một dấu ấn kỳ diệu của thiên nhiên - con người.

“Nói tới hoa ban, tôi từng nhắc với học sinh rằng, sau chiến thắng, màu của hoa ban nhiều cảm xúc hơn với con người. Bởi chính máu của những chiến sĩ đã ngã xuống đã làm cho màu của hoa ban phảng phất nhiều hơn nỗi nhớ, ký ức, niềm tự hào và cả sự kiêu hãnh”, chị Hài bày tỏ.

Với chị Hài, niềm kiêu hãnh ấy không chỉ là sự tự hào về quá khứ, lịch sử hào hùng của dân tộc, mà phải biến thành hành động, sự rèn luyện, cống hiến trong mỗi bạn trẻ để thắp lên khát vọng của một quốc gia trong thời đại mới.

CHÂU LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-tre-voi-hanh-trinh-khat-vong-non-song-bai-3-giot-nuoc-mat-tu-hao-post1634580.tpo