Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người 'Việt Nam hóa' những lý tưởng vĩ đại của thế giới

Trong bài viết với tiêu đề 'Hồ Chí Minh: Nghĩ về một người đàn ông 'Việt Nam hóa' những lý tưởng vĩ đại của thế giới', hãng thông tấn APS của Algeria từng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người biết cách kết hợp những lý tưởng vĩ đại của thế giới với bản sắc Việt Nam. Và không chỉ APS, báo chí quốc tế luôn dành cho vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam sự kính phục và ngưỡng mộ lớn.

“Kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, xây dựng hoàn thiện nghệ thuật chiến tranh du kích tuyệt vời”

Đó là nhìn nhận của nhà văn, nhà báo Stanley Karnow trong bài viết được Tạp chí “Time” số ra ngày 13/4 đăng tải. Stanley Karnow khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, xây dựng hoàn thiện nghệ thuật chiến tranh du kích tuyệt vời. Bất cứ sự nhân nhượng nào, Hồ Chí Minh nhận thấy, đều đồng nghĩa với việc chia cắt đất nước lâu dài và cướp đi ước mơ thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của ông…”.

Cũng chính Stanley Karnow, trong cuốn “Việt Nam - Một lịch sử” đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng người là người cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: Mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam”.

Karnov đặc biệt nhấn mạnh: “Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như ông đã làm”.

 Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. Ảnh tư liệu

Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. Ảnh tư liệu

Báo Quân đội Ba Lan Chiến sĩ tự do, số ra ngày 10/9/1969, đăng bài viết trong đó khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người nhân đạo sâu sắc và là một chiến sỹ. Chủ nghĩa nhân đạo đã hướng Người vào những mục đích chiến đấu cao thượng, khiến Người hiến dâng cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh này. Đặc tính của một người chiến sỹ đã cho phép Người tiến hành cuộc chiến tranh này với tất cả nhuệ khí, sự bền bỉ và thái độ không mệt mỏi trong suốt những năm dài vô cùng gian khổ ở rừng sâu của vùng nhiệt đới, giữa những trận chiến đấu liên tục chống bạo lực của quân thù và giữa những khó khăn chồng chất” và rằng “Người còn để lại cả di sản về lý tưởng mà Người đã truyền lại cho tất cả chúng ta, tất cả những người trung thực trên hành tinh này, nêu một tấm gương về lòng trung thành phục vụ dân tộc và qua đó phục vụ cả loài người, nêu một tấm gương về ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất chống bạo lực của đế quốc, ý chí đó đã biến thành sức mạnh bất diệt”.

Cũng trong bài viết, Báo Quân đội Ba Lan Chiến sĩ tự do nhấn mạnh: “Một phần tư thế kỷ trước đây, sau khi chiến thắng phát xít Nhật, lần đầu tiên Người đưa du kích về miền xuôi, và Người đọc “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội."

Song đó mới chỉ là mở đầu cho một bản anh hùng ca mới của những trận chiến đấu mới, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp kết thúc bằng một thắng lợi huy hoàng ở Điện Biên Phủ. Và sau đó, quân Mỹ tràn vào miền Nam, cuộc chiến đấu lại nổ ra khiến một nước nhỏ ở Châu Á phải đương đầu với một cường quốc mạnh nhất của thế giới tư bản. Nước nhỏ bé ấy trong trận quyết chiến chống bạo lực của đế quốc, đã đứng trên tuyến đầu của chủ nghĩa xã hội, của phong trào giải phóng dân tộc. Với cuộc chiến đấu lần này, toàn thế giới đều thấy rõ hình ảnh quen thuộc của một vị lãnh tụ nhiều tuổi, đáng kính với đôi mắt cháy bỏng ngọn lửa cách mạng, tràn đầy trí thông minh và hiền từ….

Tờ New York Times, số ra ngày 4/9/1969 nhìn nhận: “Trong số các chính khách của thế kỷ 20, ông Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc”.

“Ở ông Hồ, tính giản dị là một sức mạnh”

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho hết thảy những ai có cơ hội được tiếp xúc với Người, đặc biệt là các nhà báo quốc tế. Nổi bật nhất là sự kinh ngạc và khâm phục về những phẩm chất hiếm có của vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Trong đó, sự gần gũi, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra sự khác biệt lớn của Người. Ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, tuần báo “Đây Paris” ra ngày 18/6/1946 đã có bài viết về đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tác giả bài báo, “sự ăn ở giản dị đến cực độ” là một đức tính rõ rệt nhất của Người.

“Quanh năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ mặc một bộ quần áo ka-ki và từ chối thay những bộ đồ trang trọng; Trong những ngày thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cơm ở Bắc Bộ phủ thì Người ngồi chung với hết thảy mọi người. Từ các bộ trưởng cho đến những người phục vụ” - bài báo nêu dẫn chứng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek ngày 23/8/1957. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek ngày 23/8/1957. Ảnh: TTXVN

Nhà báo nổi tiếng Wilfed Burchett người Australia - phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại Việt Nam để viết về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, từng sống cùng bộ đội Việt Nam trong rừng và trở thành người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau nhiều lần phỏng vấn và trò chuyện từng chia sẻ ông ấn tượng sâu sắc về Bác Hồ - nhà lãnh đạo thông tuệ và giản dị của dân tộc Việt Nam. Ông kể: “Người ra đón tôi như đón một người quen cũ với bộ quần áo vải nâu và đôi dép cao su lốp ôtô. Tác phong giản dị không cầu kỳ đó, Hồ Chủ tịch suốt đời không thay đổi”.

“Nói về sự tài tình và những đức tính cao cả, tôi chưa bao giờ gặp ai như Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Wilfred nói thêm.

Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác năm 1967, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết”…

“Ở ông Hồ, tính giản dị là một sức mạnh. Ở địa vị càng cao thì ông lại càng giản dị và trong sạch. Ông không cố tìm kiếm cho mình những trang sức về quyền lực bởi ông tự tin ở chính mình và ở mối quan hệ giữa ông với Nhân dân và lịch sử.” - nhà báo Mỹ David Stamp nhìn nhận.

Không chỉ là sự giản dị và những đức tính cao cả, báo giới quốc tế còn nhìn nhận rõ nét về những phẩm chất hiếm có của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội đầu năm 1967, Harry Ashmore - cựu chủ bút báo Arkansas Gazette, đã có dịp tiếp xúc với Người - mô tả: “Ông Hồ là người lịch thiệp, nho nhã, khoan thai”. Nhà báo cho biết ông hết sức kinh ngạc về tài giao tiếp bằng tiếng Anh của Hồ Chủ tịch và sau này, sau khi tìm hiểu nhiều hơn về Người, ông còn biết thêm rằng: “Đó chỉ là một trong nhiều ngoại ngữ mà ông thành thạo, gồm cả tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga”.

Nhà báo người Nga Sergei Afonin, phóng viên thường trú Hãng thông tấn Itar-Tass và Báo “Sự thật đoàn viên” tại Việt Nam từ năm 1967 - 1971 cũng chia sẻ: “Tôi may mắn được 3 lần gặp Bác Hồ vào các năm 1961, 1964 và 1969 tại Hà Nội. Ấn tượng cá nhân của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người hết sức thông thái, nắm vững tình hình thế giới, trân trọng lý luận của Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga… Bác Hồ là một người thông thái nhưng giản dị, bằng cả trái tim mình lo cho đồng bào và vận mệnh nước nhà”.

Còn rất nhiều, rất nhiều những nhận định, khâm phục, ngợi ca về Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hàng trăm tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo viết. Với thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên lịch sử hiện đại, một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, một trong những nhân vật đáng kính nhất của thời đại. Sự lãnh đạo kiệt xuất của Người trong cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng thế giới, nhất là tại các dân tộc thuộc địa ở Châu Phi và Mỹ Latinh.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-viet-nam-hoa-nhung-ly-tuong-vi-dai-cua-the-gioi-post295675.html