Công trình văn hóa khắc ghi tình cảm của Bác Hồ với Công an Thủ đô

Một công trình văn hóa khắc ghi tình cảm của Bác Hồ dành cho lực lượng Công an Thủ đô tại khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội được khánh thành đúng vào hôm nay, 19-5, ngày kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2024 cũng là dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Công an Hà Nội - lần về thăm thứ năm trong lịch sử 5 lần lực lượng Công an Thủ đô Anh hùng vinh dự và tự hào được đón Bác.

Tự hào truyền thống Đơn vị Anh hùng, 5 lần được Bác Hồ về thăm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm sóc, giáo dục và dành cho lực lượng Công an nhân dân những tình cảm đặc biệt. Riêng với lực lượng Công an Thủ đô, Bác Hồ trực tiếp đến thăm 5 lần.

Công trình tượng Bác Hồ và bức phù điêu đặt tại khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội , 87 phố Trần Hưng Đạo

Công trình tượng Bác Hồ và bức phù điêu đặt tại khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội , 87 phố Trần Hưng Đạo

Từ những năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầy khó khăn, thử thách, gian khổ, giữa bộn bề công việc, ngày 23-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Công an quận Nhất (nay là Công an quận Hoàn Kiếm). Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Người căn dặn: “Hiện nay tình hình rất phức tạp, các chú làm việc vất vả, nhưng trong lúc này ta cần làm việc nhiều hơn nữa, các chú lại càng phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Bác yêu cầu lực lượng Công an cần tuyên truyền, vận động và phối hợp chặt chẽ với nhân dân và các lực lượng khác để giữ gìn an ninh trật tự, cùng cả nước giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.

Lần thứ hai, lực lượng Công an Thủ đô vinh dự được đón Bác Hồ về thăm là vào ngày 21-12-1956. Bác đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội tại Hội nghị Tổng kết công tác năm, được tổ chức ở Hội trường Nhà triển lãm, phố Yết Kiêu (nay là một phần của trụ sở Bộ Công an). Người căn dặn Công an Thủ đô phải phát huy kết quả công tác đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu trong việc quản lý thành phố và phát triển kinh tế, xã hội.

Lần thứ ba, đúng vào mùng Một Tết Nhâm Dần (ngày 5-2-1962), Bác Hồ đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát trật tự ở số nhà 89, phố Lý Thường Kiệt.

Lần thứ tư, ngày 25-1-1963, nhân dịp Tết Quý Mão, Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội.

Lần thứ năm, đúng mùng Một Tết Giáp Thìn (ngày 13-2-1964), Bác Hồ đến thăm, chúc Tết và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực chiến tại trụ sở Công an Hà Nội (số 87 phố Trần Hưng Đạo). Đây có lẽ là dịp đặc biệt nhất đối với Công an Thủ đô vì đây là lần cuối cùng, Bác đến thăm Công an Hà Nội trước khi Người đi xa. Và đây cũng là lần đầu tiên, Bác Hồ đến thăm trụ sở của Công an thành phố Hà Nội.

Kể từ lần cuối cùng vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ về thăm, 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Công an Thủ đô luôn khắc sâu những lời huấn thị của Người đối với lực lượng Công an nhân dân và Công an Thủ đô, coi đây là chuẩn mực đạo đức để phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; là phương châm xử thế và hành động; là động lực tinh thần, nguồn sức mạnh thôi thúc vượt qua khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công hiển hách, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô Anh hùng.

2024 là dịp kỷ niệm tròn 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm trụ sở Công an thành phố Hà Nội, 87 phố Trần Hưng Đạo - Ảnh: Lam Thanh

2024 là dịp kỷ niệm tròn 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm trụ sở Công an thành phố Hà Nội, 87 phố Trần Hưng Đạo - Ảnh: Lam Thanh

Công trình văn hóa khắc ghi tình cảm của Bác

Tròn 60 năm, kể từ lần cuối cùng Bác Hồ tới thăm, những lời căn dặn của Người đối với lực lượng Công an Thủ đô đã thực sự trở thành một di sản quý báu. Những lời căn dặn đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô khắc ghi, quán triệt thực hiện nghiêm túc, đồng thời phát động triển khai thành những phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô và thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô ngày nay luôn cảm thấy hết sức vinh dự và tự hào tiếp bước truyền thống một đơn vị Anh hùng, 5 lần được đón Bác Hồ về thăm như Công an Hà Nội. Một công trình văn hóa để khắc ghi tình cảm của Bác dành cho Công an Thủ đô, lưu truyền cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô, là một nhu cầu rất cần thiết và mang ý nghĩa lớn lao.

Năm 2024, hòa cùng những ngày lễ kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước như 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/ 7-5-2024), 70 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/ 10-10-2024), toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội cùng hướng đến một kỷ niệm rất ý nghĩa là “60 năm Bác Hồ về thăm Công an Hà Nội”. Năm 2024 là năm Công an Thủ đô kỷ niệm tròn 60 năm Ngày Bác Hồ thăm trụ sở 87 Trần Hưng Đạo.

Thủ đô Hà Nội có những công trình, thiết chế văn hóa của lực lượng Công an nhân dân phục vụ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thời gian gần đây đã để lại nhiều dấu ấn đẹp như: Nhà hát Opera Hồ Gươm trên phố Hàng Bài, cụm Tượng đài tôn vinh hình tượng Công an nhân dân trên phố Trần Nhân Tông… Trong lịch sử của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội là nơi Bác Hồ dành nhiều tình cảm, cũng là nơi gắn bó nhất trong cuộc đời của Người. Từ khi còn nhỏ cho đến lúc xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam, Hà Nội là nơi Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc lâu nhất. Khi nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thủ đô, Bác thường hay dùng chữ “Thủ đô ta” - cách nói thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Người với một địa bàn đặc biệt quan trọng như Hà Nội, “trái tim” của cả nước. Và riêng với lực lượng Công an Thủ đô Anh hùng thì 5 lần được đón Bác Hồ về thăm, càng khiến thế hệ Công an Thủ đô ngày nay trăn trở, khi chưa có một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, khắc ghi tình cảm của Bác dành cho lực lượng.

Quá trình tạo tác công trình văn hóa đặc biệt này luôn có sự quan tâm của lãnh đạo CATP Hà Nội (Trong ảnh: Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội (người đứng giữa) cùng đoàn công tác tới xưởng thi công công trình tượng Bác và bức phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô)

Quá trình tạo tác công trình văn hóa đặc biệt này luôn có sự quan tâm của lãnh đạo CATP Hà Nội (Trong ảnh: Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội (người đứng giữa) cùng đoàn công tác tới xưởng thi công công trình tượng Bác và bức phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô)

Từ những nghĩ suy đau đáu ấy, mỗi cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an Thủ đô đều đồng lòng ủng hộ chủ trương xây dựng công trình tượng Bác trong khuôn viên trụ sở ở 87 Trần Hưng Đạo, để ghi tạc tình cảm của Bác dành cho lực lượng Công an Thủ đô. Song song với công trình văn hóa này là Cuộc thi “Tự hào Công an Hà Nội Anh hùng - Đơn vị 5 lần được Bác Hồ về thăm” trong toàn lực lượng Công an Hà Nội, để thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay thêm hiểu, thêm yêu quý truyền thống đầy tự hào.

Với tình cảm sâu sắc hướng về Người, công trình tượng Bác Hồ và bức phù điêu trong khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội đã được quyết định xây dựng bằng nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an Thủ đô tự nguyện đóng góp.

Bức phù điêu ngay sau tượng đồng Bác Hồ mang hình tượng đài sen, mặt trước thể hiện những lần Bác Hồ về thăm Công an Thủ đô, mặt sau thể hiện các biểu tượng đặc trưng của Hà Nội như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Chùa Một Cột

Bức phù điêu ngay sau tượng đồng Bác Hồ mang hình tượng đài sen, mặt trước thể hiện những lần Bác Hồ về thăm Công an Thủ đô, mặt sau thể hiện các biểu tượng đặc trưng của Hà Nội như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Chùa Một Cột

Xây dựng hình tượng mỹ thuật Bác Hồ với Công an Thủ đô

Dường như có sự đồng điệu, thấu hiểu của các nghệ sĩ sáng tác, nhà thi công… khi khai triển hình tượng Bác Hồ chứa đựng muôn vàn tình thương yêu, tình cảm của Người dành cho cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội.

Tác giả sáng tác bức tượng Bác Hồ và bức phù điêu đặt tại khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội 87 Trần Hưng Đạo là nhà điêu khắc Vũ Đại Bình. Ông cũng chính là tác giả của tượng đài Bác Hồ tại khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, cũng là nơi đóng quân của Nha Công an Trung ương, nơi khởi thủy phát động học tập Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân từ năm 1948. Trong năm 2018, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình liên tiếp vinh dự nhận Giải A của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm về thành tích xuất sắc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Không gian tượng đài Bác Hồ và phù điêu sẽ là một thiết chế văn hóa đặc biệt góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của lực lượng Công an nhân dân cùng tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không gian tượng đài Bác Hồ và phù điêu sẽ là một thiết chế văn hóa đặc biệt góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của lực lượng Công an nhân dân cùng tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bức tượng đồng Bác Hồ đặt tại khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội được làm theo mẫu tượng tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang, với kích thước thu nhỏ, cao 3,2m. Bức phù điêu ngay sau tượng đồng Bác Hồ mang hình tượng đài sen, mặt trước thể hiện những lần Bác Hồ về thăm Công an Thủ đô, mặt sau thể hiện các biểu tượng đặc trưng của Hà Nội như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Chùa Một Cột. Xen kẽ các biểu tượng của Hà Nội là những áng hoa văn mây nước, sinh động về bố cục cùng hình thức thể hiện.

Nhà điêu khắc Vũ Đại Bình cho biết, bức tượng Bác Hồ ở Công an thành phố Hà Nội dù thu nhỏ từ nguyên mẫu bức tượng tại Bắc Giang nhưng người xem vẫn nhận ra dáng hình ung dung tự tại của Người, trên chiếc bàn đá là chiếc máy đánh chữ. Trên tay Bác đang cầm bức thư viết cho lực lượng Công an nhân dân. Còn bức phù điêu có hình dáng là bông sen cách điệu. Mặt chính, phía sau bức tượng Bác Hồ diễn tả hình tượng những lần Bác về thăm Công an Hà Nội, qua các thời kỳ khác nhau. Ở giữa bức phù điêu có Công an hiệu, biểu trưng của ngành Công an, với hai bàn tay nâng Công an hiệu. Mặt chính của bức phù điêu có hình khối chắc chắn, khỏe, các lớp trước, lớp sau rõ ràng, mạch lạc, tạo được hiệu ứng nông - sâu cũng như không gian.

“Khi thể hiện hình ảnh Bác Hồ đến thăm Công an Hà Nội ở những thời kỳ khác nhau, cái khó với nhà điêu khắc là làm thế nào để người xem nhận ra từ vẻ mặt, vóc dáng cho đến phong thái của Người. Bức phù điêu có nhiều nhân vật là các cán bộ, chiến sĩ công an, trong khi kích thước của tấm phù điêu không lớn”, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình chia sẻ.

Khi chuyển thể lên đá, nhà điêu khắc làm sao phải diễn tả được độ chân thật của từng gương mặt chiến sĩ công an. Trong khi, chất liệu đá làm chi tiết khó, kích thước càng nhỏ, làm chi tiết lại càng vất vả. “Để có được bức phù điêu như hiện tại, tôi đã dựng nhiều phác thảo, rồi từ ý kiến đóng góp của hội đồng chuyên môn và Ban tổ chức, qua nhiều lần chỉnh sửa và cuối cùng mới chốt lại lần cuối. Bên cạnh đó, để chuyển thể những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Công an Hà Nội thành một tác phẩm tượng đài - điêu khắc, tôi phải tìm đọc nhiều tài liệu, tham khảo nhiều hình ảnh hiện còn lưu giữ, sau đó triển khai bố cục, lược bớt, bổ sung thêm, thay đổi một số chi tiết, miễn sao giữ được tinh thần của bức ảnh tư liệu cũ” - nhà điêu khắc Vũ Đại Bình nói.

Những điều ít người biết về quá trình sáng tác và thi công công trình

Để việc chế tác bức phù điêu Bác Hồ với Công an Hà Nội từ bản thảo ra thực tế không gặp sai sót, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình nhiều lần về tận xưởng đá Ninh Bình để quán xuyến quá trình thi công. Ông cho biết, điêu khắc trên đá khó hơn làm trên các chất liệu khác do đá có độ cứng, người thợ làm thủ công là phần lớn, máy móc chỉ hỗ trợ một phần. Chế tác đá phụ thuộc vào hình khối, bản phác thảo. Nếu bản thảo quá chi tiết sẽ làm khó cho người thợ, vì thế, tác giả ngay từ khi lên phác thảo phải tính toán để khi thi công không bị sai hình mẫu. Và rồi, đội ngũ thợ đã hoàn thành công việc được giao, tạo được hình khối chép giống nguyên mẫu. Không dừng lại ở đó, lúc lắp ghép trên thực tế, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình tiếp tục theo sát để chỉnh sửa đến khi đạt tới tinh thần mà tác giả mong muốn mới thôi.

Nhà điêu khắc Vũ Đại Bình chia sẻ thêm, làm tượng lãnh tụ nói chung xưa nay đều là công việc khó khăn, thách thức và đầy áp lực. Bởi lẽ, đối với một bức tượng nói chung thường thì chỉ cần giống là được. Nhưng để làm tượng lãnh tụ thì ngôn ngữ điêu khắc phải làm nổi bật được đặc điểm riêng, thần thái trên khuôn mặt cũng như ánh mắt, tình cảm của Người...

Trước khi bắt tay vào thực hiện mẫu phác thảo tượng đồng Bác Hồ và bức phù điêu đặt tại trụ sở Công an thành phố Hà Nội, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình đã từng trực tiếp tham gia nhiều công trình xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính vì thế, ông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong chuyển thể hình ảnh Bác Hồ trên các chất liệu.

Trong đó, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình từng làm công trình tượng Bác Hồ với các chiến sĩ tình báo của Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng, Tượng đài Bác Hồ cho Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Hàng không Việt Nam… Ông còn là tác giả của 2 công trình tượng đài có quy mô lớn là công trình Tượng đài “Cha con Bác Hồ” Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - công trình từng đạt giải A của Ban Tuyên giáo Trung ương và tượng đài Bác Hồ trong Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Bức tượng Bác đặt tại trụ sở của Công an thành phố Hà Nội làm theo công nghệ ép đồng, đảm bảo về mỹ thuật, chất lượng đồng rất tốt, chịu được thời gian, mưa nắng mà vẫn giữ được nguyên bản, màu sắc ít thay đổi. Quá trình thi công tượng Bác được đội ngũ thi công thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ. Từng tấm đồng được ép, ghép, hàn lại với nhau. Hệ thống thép không gỉ ở trong đỡ trọng lượng của tượng, đảm bảo công trình bền vững theo thời gian.

Quá trình thi công tượng Bác và phù điêu trong 6 tháng từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã diễn ra nhịp nhàng giữa đơn vị tổ chức công trình, tác giả mẫu tượng và đơn vị thi công. Cũng theo chia sẻ của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất để tác giả và đội ngũ thi công hoàn thành công việc trước thời hạn. “Các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an Hà Nội đã xuống tận xưởng, góp ý từng chi tiết cụ thể, chân tình, gần gũi. Điều đó làm tác giả và ê kíp thực hiện thêm phần hào hứng, giảm tải áp lực”.

Dấu ấn của một công trình văn hóa, lịch sử

Ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bảo tồn di sản Văn hóa - đơn vị thi công cho biết, bức tượng Bác ở Công an thành phố Hà Nội được lấy từ chính mẫu tượng đài Bác Hồ tại khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ở Bắc Giang nhưng nhỏ hơn một nửa, còn bức phù điêu đá ở phía sau tượng rộng chừng 35-36 mét vuông được cách điệu theo hình bông sen. Từng thi công rất nhiều công trình, tượng đài và những tác phẩm nghệ thuật hoành tráng nhưng ông Nguyễn Văn Mạc cho rằng, trong nghệ thuật, một công trình đẹp, hoàn hảo không nằm ở kích cỡ, mà là bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, sự vừa vặn, hợp lý với cảnh quan và sự tương thích giữa tượng và phù điêu. Bức tượng Bác Hồ và phù điêu được đặt ở trụ sở Công an thành phố Hà Nội đã thỏa mãn được tất cả những yếu tố trên để trở thành một công trình nghệ thuật điêu khắc có giá trị và trường tồn. Ông Nguyễn Văn Mạc cho biết thêm, trong quá trình thi công, đơn vị này đã gặp điều kiện rất thuận lợi về thời tiết.

Sau lễ khánh thành hôm nay, không gian tượng đài Bác Hồ và phù điêu sẽ là một thiết chế văn hóa đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử và sâu sắc, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của lực lượng Công an nhân dân cùng tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng sẽ là không gian để lực lượng Công an Thủ đô học tập truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tận tụy vì nhân dân phục vụ.

Công trình mang tính biểu tượng này còn là nơi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhận thức, khắc ghi những tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Công an Thủ đô, về sự quan tâm của Người đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần gương mẫu, tấm lòng vì nhân dân phục vụ, đẩy mạnh thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, công trình tượng đài Bác Hồ và phù điêu trong khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội sẽ là một công trình văn hóa đặc sắc, góp thêm một dấu son vào bản đồ các công trình văn hóa của Thủ đô. Sau khi hoàn thành công trình, nhà điêu khắc Vũ Đại Bình cũng bày tỏ, ông rất hạnh phúc vì tác phẩm của mình đã hiện diện trang trọng trong khuôn viên trụ sở của Công an thành phố Hà Nội. Đó là niềm vui không gì đong đếm được với một người nghệ sỹ như ông. Đó cũng là niềm vui của các thế hệ Tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô, một món quà thành kính dâng lên Bác đúng ngày kỷ niệm sinh nhật của Người.

Công an Hà Nội vinh dự 5 lần được Bác Hồ về thăm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm sóc, giáo dục và dành cho lực lượng Công an nhân dân những tình cảm đặc biệt. Riêng đối với lực lượng Công an Thủ đô, Người trực tiếp về thăm 5 lần. Người cũng dành nhiều phần thưởng cao quý cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân có thành tích trong Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Thủ đô. Tình cảm, sự quan tâm mà Bác Hồ dành cho lực lượng Công an Thủ đô là di sản vô cùng quý báu.

1. Ngay từ những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầy khó khăn và thử thách, giữa bộn bề công việc, ngày 23-10-1946, Bác Hồ đã đến thăm Công an quận Nhất (nay là Công an quận Hoàn Kiếm).

Cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội vui mừng phấn khởi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện ngày 21-12-1956

2. Ngày 21-12-1956, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội tại Hội nghị tổng kết công tác năm, được tổ chức ở Hội trường Nhà triển lãm phố Yết Kiêu (nay là một phần của trụ sở Bộ Công an).

3. Ngày 5-2-1962 (mùng 1 Tết Nhâm Dần), Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát trật tự ở số nhà 89, phố Lý Thường Kiệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Công an Hà Nội, mùng 1 Tết Quý Mão 1963

4. Ngày 25-1-1963, nhân dịp Tết Quý Mão, Bác đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội.

Bác Hồ đến chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trực chiến Tết Giáp Thìn 1964

5. Ngày 13-2-1964 (mùng 1 Tết Giáp Thìn), Bác Hồ đến thăm, chúc Tết và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực chiến tại trụ sở Công an Hà Nội (số 87 phố Trần Hưng Đạo).

Bác ngồi xuống bậc thềm thấp nhất, mọi người ùa vào quây quần quanh Bác

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Các thiết chế văn hóa Công an nhân dân là địa chỉ để người dân Thủ đô thưởng lãm

Công an nhân dân nói chung và Công an Thủ đô nói riêng luôn gần gũi với nhân dân, là lực lượng không thể thiếu để giữ gìn an ninh và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Vì thế, từ lâu, hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ công an đã là tượng đài trong lòng người dân. Đối với văn học nghệ thuật, việc chuyển thể những “tượng đài trong lòng nhân dân” ấy thành các tác phẩm nghệ thuật vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự đối với người nghệ sĩ. Thời gian qua đã có nhiều tác giả tham gia vào quá trình sáng tác này, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Công an Hà Nội. Các thiết chế văn hóa Công an nhân dân vừa hoàn thành và ra mắt trong thời gian qua như các công trình tượng đài, Nhà hát Hồ Gươm… chắc chắn sẽ trở thành những địa chỉ văn hóa để người dân tới tham quan và thưởng lãm. Đặc biệt, những tượng đài Công an nhân dân được dựng lên trong không gian của Hà Nội vừa làm đẹp cho không gian của thành phố, vừa là hình thức tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ công an trong thời chiến cũng như thời bình bây giờ.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm: (chủ tịch liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội): Hà Nội cần nhiều hơn các thiết chế văn hóa Công an nhân dân

Gần đây, sự xuất hiện của các thiết chế văn hóa Công an nhân dân đã mang lại sự thụ hưởng văn hóa cho người dân Thủ đô. Tôi nói ví dụ như công trình Nhà hát Hồ Gươm là một địa chỉ rất đẹp cho các buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật với chất lượng âm thanh, ánh sáng hiện đại. Tiếp đó là Tượng đài chiến sĩ Cảnh sát giao thông và Phòng cháy, chữa cháy ở ngã ba Quang Trung và Trần Nhân Tông đã đi vào đời sống của người dân Hà Nội như một địa điểm văn hóa cho người dân Thủ đô và du khách. Công trình tượng đài này đã tôn vinh sự hy sinh của các chiến sĩ công an vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Mới đây, tôi được biết, có thêm cụm tượng đài Bác Hồ và phù điêu được đặt trong khuôn viên của trụ sở Công an thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm “60 năm Bác Hồ đến thăm Công an Hà Nội”, đó thực sự là một tượng đài ý nghĩa. Đây hẳn sẽ là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô nói riêng và người dân Hà Nội nói chung, tiếp nối truyền thống, nỗ lực phấn đấu, học tập, đóng góp công sức xây dựng Thủ đô và đất nước. Tôi nghĩ, Thủ đô cần nhiều hơn các thiết chế văn hóa Công an nhân dân như thế nhằm tôn vinh lực lượng và tạo ra không gian văn hóa cho người dân Hà Nội tới thưởng lãm.

Nhà điêu khắc Hồng Hạnh (Phó chủ tịch hội mỹ thuật Hà Nội): Hài hòa cùng cảnh quan xung quanh

Bức phù điêu được thể hiện theo phong cách đồng hiện trên chất liệu đá, diễn tả những lần Bác Hồ thăm các chiến sĩ Công an Hà Nội. Công trình này đã sử dụng lối đặt tượng quen thuộc là bức tượng lãnh tụ ở đằng trước, kết hợp phù điêu đằng sau như một bức bình phong mang nội dung, nhằm tôn lên chủ thể đằng trước. Tác phẩm tuy không lớn nhưng qua một người nghệ sĩ chắc tay đã tạo nên một bố cục sắp xếp giữa tượng và phù điêu hợp lý, đẹp mắt, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Công trình đã hoàn chỉnh trong hình thức thể hiện. Theo quan điểm của tôi, hiện tại, không có nhiều tác phẩm thể hiện đẹp, phù hợp, hài hòa cảnh quan như công trình tượng đài và phù điêu đặt trong khuôn viên của Công an Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Mạc (Giám đốc công ty tnhh mtv bảo tồn di sản văn hóa): Đẹp từ sự vừa vặn và hợp lý

Trong nghệ thuật, cái đẹp là sự vừa vặn, hợp lý với cảnh quan và sự tương thích giữa tượng và phù điêu. Tôi đã từng làm các công trình có kích thước khổng lồ như bức tranh panaroma Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng khi chúng tôi thi công tượng Bác và bức phù điêu ở Công an thành phố Hà Nội lần này, tôi vẫn có sự thận trọng, lắng nghe ý kiến các bên đóng góp, từ Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật tới tác giả để quá trình thi công đạt được mong muốn, hiệu quả tốt nhất.

Và thật vui, công trình đã hoàn thành trong sự toại nguyện. Đơn vị thi công của chúng tôi đã nhận được sự tạo điều kiện giúp đỡ của các phòng ban Công an Hà Nội. Thời tiết thuận lợi trong suốt quá trình bắt tay vào thực hiện đến khi đưa tác phẩm ra thực tế. Không gian đặt tượng cũng rất hài hòa với tác phẩm. Nói chung, mọi chuyện đều diễn ra hanh thông, thuận lợi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cong-trinh-van-hoa-khac-ghi-tinh-cam-cua-bac-ho-voi-cong-an-thu-do-post576793.antd