Động lực để Ninh Bình phát triển xanh, bền vững

Từ một tỉnh chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, đến nay, Ninh Bình đã là một trong 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Sự phát triển vượt bậc này đến từ chính tư duy đột phá của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực, chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân với mong muốn quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước, quốc tế.

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Nguyễn Minh

"Xóa" bức tranh buồn của tỉnh "4B"

Hơn 30 năm trước, vào thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992), Ninh Bình là một tỉnh nghèo trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 62,9% GDP). Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ cũng chưa phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng chậm và chưa vững chắc. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, phân tán, manh mún, chủ yếu là sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng; kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, sản xuất kinh doanh ở nhiều đơn vị quốc doanh thua lỗ, lao động thiếu việc làm, trong khi dân số tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 20%.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng; người dân phá núi để nung vôi, gây bụi bẩn mù mịt, vì thế khi ấy nhiều người gắn cho Ninh Bình biệt danh là tỉnh "4B" (buồn, bực, bụi, bẩn). Du lịch Ninh Bình của những năm 1990 gần như không mấy phát triển.

Bức tranh du lịch chỉ có một vài nét chấm phá nhỏ, với một số địa danh như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động… Các dịch vụ phục vụ khách tham quan nghỉ dưỡng rất ít, nghèo nàn, không thu hút được du khách.

Sau ngày tỉnh được tái lập, với mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, một trong những chủ trương mang tính đột phá, đó chính là việc chuyển từ sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn.

Đặc biệt, với truyền thống lịch sử của một vùng đất giàu trầm tích văn hóa cùng những danh lam, thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, Ninh Bình đã xác định phải khai thác tiềm năng, lợi thế này để phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện. Chủ trương này được thực hiện kiên trì, quyết liệt trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Nhiều cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển nguồn lực ngành du lịch đã được ban hành, tạo sức bật cho ngành "công nghiệp không khói" phát triển. Song bước ngoặt lớn nhất của du lịch Ninh Bình chính là sự kiện ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á (cho đến thời điểm hiện tại).

"Hữu xạ tự nhiên hương", như một lẽ tự nhiên, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Từ đây, người dân không chỉ tự hào được sống trong di sản, bảo vệ di sản mà còn được hưởng lợi từ di sản. Những gam màu "buồn, bực, bụi, bẩn" dần được xóa đi, thêm vào đó là những gam màu tươi sáng với nhiều điểm nhấn làm nên sự khác biệt của vùng đất ken dày các di tích lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, là nơi đáng sống, đáng đầu tư.

Giờ đây, mỗi lần nhắc đến Ninh Bình là nhắc về niềm tự hào, tự tôn của vùng đất "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Đưa Tràng An ra thế giới, để thế giới hướng về Tràng An

Ngay sau khi được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi trong vùng lõi hiện có tới hơn 14.000 người dân sinh sống. Cùng với đó là những rào cản, hạn chế về mặt chuyên môn, đặc biệt là việc triển khai thực hiện những yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới…

Tất cả đã đặt ra cho Ninh Bình bài toán làm thế nào để vừa bảo tồn, gìn giữ tính nguyên vẹn của Di sản, nhưng lại khai thác được tiềm năng, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, khu vực, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước.

Trước thực tế trên, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch. Trong đó, xác định các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản phải được tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy với tiêu chuẩn cao nhất; bảo tồn di sản, phát triển kinh tế-xã hội và phát triển du lịch phải đảm bảo tính nguyên vẹn, bền vững về môi trường và xã hội, phù hợp với các quy định của pháp luật về di sản ở Việt Nam và Công ước bảo vệ Di sản thế giới.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới (hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học; sửa đổi bổ sung Kế hoạch quản lý di sản; nghiên cứu, đánh giá sức tải du khách của di sản…).

Với sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh Ninh Bình, Tràng An trở thành một trong những nơi phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Nổi bật là dự án nghiên cứu khảo cổ học thời tiền sử do Tiến sỹ Ryan Rabett và các chuyên gia của Trường Đại học Cambridge và Đại học Queens Belfast của Vương quốc Anh thực hiện.

Bên cạnh đó, các chuyên gia và lãnh đạo từ đến từ UNESCO cũng đã có nhiều hoạt động hướng về Tràng An, triển khai nhiều dự án quan trọng, hiệu quả tại Tràng An.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: "Sau khi Tràng An được UNESCO vinh danh, Ninh Bình đã luôn làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo sinh kế cho người dân. Với định hướng chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", cùng các quyết sách đúng đắn, cộng hưởng với những xu hướng phát triển chung, Ninh Bình đã thành công trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tôi cũng đánh giá cao chiến lược xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ với phương châm "lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô, cùng giá trị nổi bật của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An làm nguồn lực và động lực phát triển", phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa-lịch sử và du lịch của quốc gia và khu vực.

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, có tác động lớn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, thì lựa chọn của Ninh Bình là hoàn toàn đúng đắn". Sau 10 năm được UNESCO ghi danh, các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An luôn được tôn trọng và gìn giữ.

Các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự trở thành hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững trong toàn tỉnh.

Đồng thời, duy trì sinh kế bền vững và tạo sinh kế mới cho cộng đồng sinh sống trong khu Di sản…, góp phần đưa Ninh Bình trở thành mô hình mẫu mực, tiêu biểu trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững như Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từng nhận định.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dong-luc-de-ninh-binh-phat-trien-xanh-ben-vung/d2024041514204854.htm