Đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới phát triển du lịch xanh

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, PGS, TS Phạm Trung Lương - Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã có một số gợi ý để Khánh Hòa hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững.

PGS, TS Phạm Trung Lương.

- Ngày 23-2-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Việc ban hành chỉ thị này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào cảnh khó khăn. Hết dịch, nhiều quốc gia nhanh chóng đưa ra chính sách miễn visa, giảm giá vé máy bay, phòng khách sạn đối với những thị trường du lịch trọng điểm, tạo lợi thế cạnh tranh.

Du khách xem làm tranh cát.

Ngày 18-5-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với phương châm phát triển của ngành Du lịch “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 tạo nên sức mạnh phát triển du lịch trong bối cảnh thị trường du lịch thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh khốc liệt. Thủ tướng Chính phủ mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo hướng: Liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác sâu rộng, bao trùm toàn diện, hiệu quả bền vững, đòi hỏi có sự chỉ đạo, vận dụng, thực thi chủ trương vào thực tiễn hết sức linh hoạt.

- UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức diễn đàn “Phát triển du lịch xanh và bền vững”, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Khánh Hòa là trung tâm du lịch lớn ở khu vực Nam Trung Bộ. Nói về du lịch xanh, vấn đề đầu tiên cần đề cập tới là nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân địa phương, của khách du lịch, của chính quyền. Hiện nay, chưa có chính sách nào cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, giải pháp để trở thành doanh nghiệp xanh, hoặc điểm đến du lịch xanh. Do đó, cần có những chính sách cụ thể về mô hình du lịch xanh, bởi vì ứng dụng công nghệ mới vào du lịch xanh rất tốn kém. UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn “Phát triển du lịch xanh và bền vững” nhằm mục đích tìm ra giải pháp, đồng thời có những chính sách phát triển du lịch phù hợp, mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Khánh Hòa đã có Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, Khánh Hòa đã có những chính sách riêng, ít có địa phương nào có được, vấn đề là địa phương vận dụng, triển khai những chính sách đó vào thực tiễn như thế nào để đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển du lịch xanh.

Du khách tham quan Làng nghề Trường Sơn (TP. Nha Trang).

- Bên cạnh khai thác thế mạnh về du lịch biển, đảo, Khánh Hòa cần làm gì để phát triển du lịch ở các huyện miền núi nhằm tạo nên sự đa dạng sản phẩm du lịch?

- Trong du lịch phải có sự liên kết giữa các vùng miền để có sự đa dạng các sản phẩm du lịch, cũng như khai thác được nguồn tài nguyên tự nhiên và các di tích lịch sử văn hóa. Thực tế những năm qua, tỉnh đã phát triển du lịch biển, đảo và nông thôn, miền núi, nhưng các cơ sở lưu trú vẫn đang tập trung nằm ở ven biển TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh. Định hướng phát triển theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, vùng huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn là những tiểu vùng du lịch sinh thái. Việc phát triển được du lịch ở những khu vực này sẽ mở ra thêm những sản phẩm du lịch, góp phần tăng số ngày lưu trú của khách du lịch tại địa phương, du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Làm du lịch phải biết kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Vùng đất Khánh Hòa có nhiều di tích lịch sử, còn lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống… cần giữ gìn và phát triển tốt hơn nữa. Khách du lịch đến là để tìm sự khác biệt, mà văn hóa là sự khác biệt đầu tiên. Ví dụ, khách quốc tế mê đàn đá của Khánh Hòa vì bên xứ họ không có. Tập trung vào phát triển cái nôi văn hóa địa phương dễ dàng tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng mà không tốn quá nhiều công sức, tiền của xây dựng.

Khách quốc tế tham quan Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang).

- Ông vừa nói khách du lịch đến là để tìm sự khác biệt, do đó cần có đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế am hiểu sâu rộng để kể câu chuyện văn hóa địa phương cho khách quốc tế nghe thật hấp dẫn?

- Hướng dẫn viên du lịch giống như “đại sứ” du lịch và văn hóa. Chính vì vậy, hướng dẫn viên đủ tiêu chuẩn mới được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Chẳng hạn, hướng dẫn viên đưa khách đến Tháp Bà Ponagar tham quan, kể chuyện thật hấp dẫn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc… để khách quốc tế cảm nhận được giá trị lịch sử, văn hóa diễn ra hàng thế kỷ qua. Khách sẽ nhớ lâu và kể lại cho người dân ở đất nước mình nghe những câu chuyện được nghe từ hướng dẫn viên.

Nhân đây tôi cũng nêu cảnh báo, tình trạng hướng dẫn viên người nước ngoài đứng ra giới thiệu cho khách du lịch quốc tế ở các di tích, văn hóa, địa danh ở Khánh Hòa đã và đang xảy ra. Luật Du lịch nghiêm cấm chuyện này, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam vẫn thích nghe người bản địa nói về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán… tại địa điểm họ đến tham quan. Chính lực lượng hướng dẫn viên trong nước phải tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ của mình.

- Xin cảm ơn ông!

LỆ GIANG (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202405/da-dang-hoa-san-pham-huong-toi-phat-trien-du-lich-xanh-9524e3e/