Các lệnh trừng phạt của EU ngày càng siết chặt đối với Nga

Sau hai năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, các lệnh trừng phạt từ EU tiếp tục gia tăng áp đặt lên nước Nga. Nhưng với diễn biễn của cuộc xung đột chưa có hồi kết, các gói trừng phạt này chắc chắn chưa phải là cuối cùng, cho dù tác hại không chỉ đối với Nga mà còn cả với EU và thế giới.

EU đã áp đặt 13 gói trừng phạt chống lại Moscow kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. (Nguồn: BB.LV)

Ngày 20/2/2024 Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến ngày 24/2/2025. Thông báo này của EU đã được công bố trên Tạp chí chính thức của EU, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục duy trì tất cả các biện pháp mà EU đã thực hiện cho đến nay và thực hiện các biện pháp bổ sung cần thiết”.

Giữa tháng 1/2024, EU bắt đầu thảo luận về gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga. Theo Bloomberg, các biện pháp hạn chế dự kiến được thông qua vào dịp 2 năm bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) của Nga ở Ukraine.

Hãy điểm qua 13 lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga và một số biện pháp Nga đối phó với các gói cấm vận này.

Trừng phạt ồ ạt

Vào ngày 22/2/2022, Nga đã hứng chịu gói trừng phạt đầu tiên của EU sau khi Nga công nhận hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk một ngày trước đó. Nằm trong danh sách hạn chế (cấm đi lại và phong tỏa tài sản tại EU) có 351 nghị sỹ Duma Quốc gia, những đại biểu đã thông qua việc công nhận độc lập hai chủ thể mới này. Ngoài ra, 27 cá nhân và pháp nhân bị đưa vào danh sách đen, bao gồm các ngân hàng và tổ chức tài trợ cho các hoạt động của Nga tại Donbass.

Gói biện pháp trừng phạt thứ 2 mà EU thông qua vào ngày 25/2/2022 áp đặt đối với 78 cá nhân Nga, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Thủ tướng Mikhail Mishustin. Ngoài ra, 64 tổ chức quan trọng của Liên bang Nga bị cấm vận trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.

Tiếp đó, EU quyết định hạn chế sự tiếp cận của chính phủ Nga, Ngân hàng Trung ương Nga, một số ngân hàng lớn, cũng như nhà điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vào thị trường vốn châu Âu từ ngày 12/4. Vào ngày 26/2, gói trừng phạt này còn được bổ sung bằng lệnh cấm giao hàng, bán máy bay mới, bảo trì và bảo hiểm máy bay cũng như lệnh đòi lại máy bay đã thuê.

Ngày 28/2/2022, gói trừng phạt thứ 3 bắt đầu được áp dụng. Tài sản của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga bị phong tỏa. 26 người phải chịu lệnh trừng phạt, bao gồm Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga (Rosneft) Igor Sechin. Ngoài ra, với gói thứ ba, 300 tỷ USD dự trữ của Nga tại Âu Mỹ bị phong tỏa và hầu hết hoạt động tài chính của Nga đều bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Gói trừng phạt thứ 4 diễn ra ngày 5/4/2022, sau khi cuộc đàm phán Nga-Ukraine tại Istambul thất bại. Những nhân vật đình đám như các tỷ phú German Khan, Konstantin Ernst, Roman Abramovich, và tất cả những người liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã trở thành nạn nhân của chính sách này.

Gói thứ 5 ngày 15/4/2022 bổ sung cho gói thứ tư, khi 200 quân nhân và quan chức khác của Nga được điền thêm vào danh sách bị trừng phạt. Các lệnh trừng phạt cũng được áp dụng đối với ngành khí đốt của Nga, trong đó phương Tây ngừng cung cấp cho Nga các thiết bị cần thiết để sản xuất và vận chuyển khí hóa lỏng (LNG).

Với gói thứ 6 bắt đầu ngày 3/6/2022, phương Tây quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển. Đồng thời, Ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank bị ngắt kết nối với SWIFT và người sáng lập công ty công nghệ thông tin hàng đầu Yandex là Arkady Volozh bị liệt vào danh sách đen.

Chủ đề dầu mỏ được bổ sung bằng lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga vào EU trong gói thứ 7 ban hành ngày 21/7/2022. Ngoài ra, do gặp khó khăn với thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, EU đã muốn áp đặt trừng phạt lên ngành nông nghiệp Nga, tuy nhiên, đích thân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã ngăn cản điều này.

Trong gói thứ 8 vào tháng 9/2022, cũng như trong gói thứ bảy, các nhà hoạch định lệnh trừng phạt đã làm rõ các biện pháp của họ, cố gắng loại bỏ các phương thức lách lệnh trừng phạt. Đồng thời, phương Tây ấn định ngày bắt đầu áp dụng trần giá dầu thô của Nga là ngày 5 tháng 12 và sản phẩm dầu mỏ từ 5/2/2023.

Gói thứ 9 ngày 16/12/2022 đã ban hành mức giá trần là 60 USD một thùng. Mức trần giá xăng đã được lên kế hoạch cho năm 2023 nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Ngoài ra, danh sách những cá nhân và công ty bị xử phạt được mở rộng, trong đó có các phó thủ tướng Nga, lãnh đạo các nước cộng hòa tự trị, nhà báo, ca sỹ…

Gói thứ 10 có hiệu lực ngày 25/2/2023, sau ngày bắt đầu SVO một năm, áp lệnh cấm vận lên ngân hàng Tinkoff, ngân hàng nước ngoài 100% của Áo, Atomflot - Quỹ phúc lợi quốc gia và Mặt trận nhân dân toàn Nga. Đồng thời, lệnh cấm được áp dụng đối với việc cung cấp và vận chuyển hàng hóa có công dụng kép (trong dân sự và quốc phòng) cũng như những hàng hóa có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga.

Gói thứ 11 thông qua ngày 23/6/2023 không phải nhằm mở rộng danh sách đen hay bổ sung loại hàng hóa mà nhằm trừng phạt những kẻ vi phạm. Trọng tâm được chuyển sang thắt chặt cuộc chiến chống lách luật trừng phạt với sự giúp đỡ của các nước và các bên thứ ba, tức là các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với những đối tác truyền thống của Nga. Còn các công ty châu Âu nào cung cấp hàng hóa và công nghệ trong danh sách đen, sẽ bị cấm cấp phép và bán bản quyền và sở hữu trí tuệ liên quan.

Như vậy, trong gói trừng phạt chống Nga thứ 10 và 11 Ủy ban Châu Âu đã xây dựng cách tiếp cận mới nhằm gây tổn hại cho Nga, trước hết là việc giám sát cách thức các biện pháp trừng phạt được thực hiện và chống lại cách chúng bị lách luật.

Trong gói thứ 12 bắt đầu ngày 19/12/2023, các nhà xuất khẩu châu Âu được yêu cầu bổ sung dữ liệu chính xác về điểm đến của hàng hóa đi qua Liên bang Nga. Gói cấm vận này có khả năng tác động đến một số hàng hóa nhất định, những mặt hàng công nghệ cao. Chẳng hạn như các linh kiện sử dụng trong vũ khí của Nga, một số sản phẩm dành cho lĩnh vực hàng không, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, các công ty và tổ chức từ châu Âu do cá nhân hoặc pháp nhân Nga sở hữu trên 40% phải thông báo cho quốc gia EU nơi họ thành lập về tất cả các giao dịch chuyển tiền ra bên ngoài EU, nếu tổng số tiền vượt quá 100 nghìn euro mỗi quý. Định mức này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2024. Một nội dung hoàn toàn mới trong gói thứ 12 là điều khoản cho phép một quốc gia EU tịch thu tài sản của những người vi phạm trong những trường hợp đặc biệt.

Một biện pháp nữa từ gói trừng phạt thứ 12 của EU là liên quan đến kim cương của Nga. Kể từ ngày 1/1/2024, lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp từ Nga sang các nước EU kim cương tự nhiên, kim cương nhân tạo và đồ trang sức có chứa kim cương đã có hiệu lực. Trong gói thứ 12 này còn có lệnh cấm xuất khẩu pin lithium từ EU sang Nga và một số mặt hàng có thể góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh với trị giá 2,3 tỷ euro mỗi năm.

Ngày 21/2/2024, EU đã phê chuẩn gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga. Gói trừng phạt mới đưa thêm gần 200 thực thể và cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt, song không mở rộng ra biện pháp mới.

Biện pháp chống đỡ của Moscow

Bất chấp 12 gói trừng phạt mà EU, thực chất là khối phương Tây (cùng Mỹ, Canada và một số nước châu Á, châu Đại Dương), áp đặt lên Nga trong hai năm qua, Nga vẫn vượt qua các khó khăn và có tốc độ tăng trưởng trên 3% năm 2023. Chính quyền Nga đã thực thi nhiều biện pháp quyết liệt như chuyển đổi kinh tế trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường hợp tác với các nước thân thiện, và đặc biệt tiến hành nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo bán dầu thô, mặt hàng thu ngoại tệ lớn nhất của Nga, và nhiều khoáng sản khác ra thị trường thế giới.

Đầu tiên, Nga đã thành công trong việc hình thành đội tàu "xám" của mình, sẵn sàng chở dầu Nga. Theo công ty phân tích Kpler của Pháp, chuyên thu thập dữ liệu về thị trường hàng hóa và phân tích hàng hải, ví dụ trong tháng 8/2023, có khoảng 75% hoạt động vận chuyển nguyên nhiên liệu bằng đường biển mà không có bảo hiểm tàu biển của các công ty phương Tây, công cụ chính để thực hiện lệnh cấm vận.

Để chống đỡ các lệnh trừng phạt của EU, Moscow đã hình thành các đội tàu với cách thức hoạt động mới. (Nguồn: Reuters)

Đội tàu “xám” là hiện tượng hoàn toàn mới xuất hiện sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Nguồn gốc tàu và chủ sở hữu đươc che giấu để tránh các lệnh trừng phạt. Một số lượng lớn tàu thay đổi cờ. Hiện nay có khoảng 900 tàu “xám” (xấp xỉ 8% đội tàu toàn cầu). Xét về số lượng tàu “xám”, năm 2022, Nga dẫn đầu tuyệt đối: 42% tổng số tàu “xám” trên thế giới, 21% của Liberia, 15 % đến từ Quần đảo Marshall. Trước xung đột, 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga được chở bằng tàu đầy đủ pháp lý, nhưng sau ngày 24/2/2022 số dầu này được vận chuyển bằng đội tàu "xám".

Ngoài ra, Nga còn vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt bằng đội tàu “bóng tối”. Đối với loại tàu này, hệ thống nhận dạng tự động và sử dụng công nghệ được tắt để che giấu và làm sai lệch vị trí. Hiện có khoảng 1.100 tàu thuộc hạm đội “tối”, chiếm khoảng 10% đội tàu hàng toàn cầu. Top 5 quốc gia về số lượng tàu đội tàu “bóng tối” bao gồm 33% thuộc về Panama, 28% đến từ Liberia, 15% từ Quần đảo Marshall, 14% từ Nga và 8% là Malta.

Bất chấp các lệnh cấm, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga đến EU không hề đình chỉ. Tờ Financial Times đưa tin, nhiều nước EU tiếp tục nhận nguyên liệu thô từ Nga với số lượng lớn, nhưng không trực tiếp, mà thông qua các nước thứ ba. Thụy Sĩ đã vận chuyển hàng nghìn tấn đồng của Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Italy chỉ trong tháng 7/2023. Ấn Độ cung cấp cho EU hàng nghìn tấn sản phẩm dầu mỏ được sản xuất từ dầu của Nga. Kết quả là, sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga vẫn tiếp tục, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và UAE đã trở thành điểm trung chuyển giữa EU và Liên bang Nga.

Để thay đổi nguồn cung logistics và tìm người mua mới cho dầu và sản phẩm dầu mỏ của mình, Nga đã phải đưa ra mức chiết khấu khá lớn. Nhưng khi chuỗi cung ứng đã thích nghi và do Nga giảm khối lượng khai thác và xuất khẩu phối hợp với OPEC+, mức chiết khấu đã thu hẹp đáng kể, góp phần giảm bớt thiệt hại nguồn thu từ dầu khí. Mức chiết khấu đối với dầu Nga vào giữa tháng 9/2023 chỉ còn 11 USD/thùng, thay vì 35 USD vào đầu năm. Trong một số thời điểm, giá dầu của Nga còn được bán cao hơn mức giá trần phương Tây đặt ra.

Tổng hợp lại, theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo ngày 20/2/2024, xuất khẩu dầu của Nga năm 2023 đạt mức 234,3 triệu tấn, chỉ thấp hơn 3,3% so với một năm trước, trong đó các nước thân thiện nhập khẩu dầu thô chiếm 86% và sản phẩm dầu mỏ chiếm 84% .

Mặc dù chịu đựng 12 gói cấm vận từ EU và gói thứ 13 được phê duyệt vào ngày 21/2/2024, vào dịp 2 năm nổ ra cuộc xung đột, nền kinh tế và xã hội Nga gặp rất nhiều khó khăn nhưng nước này vẫn đứng vững. Nhưng với diễn biễn của cuộc xung đột Nga Ukraine chưa có hồi kết, các gói trừng phạt này chắc chắn chưa phải là cuối cùng, cho dù tác hại không chỉ đối với Nga mà còn cả với EU và thế giới.

Tùng Lâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-lenh-trung-phat-cua-eu-ngay-cang-siet-chat-doi-voi-nga-261601.html