Khi 'tiền bẩn' chảy vào các trung tâm cờ bạc và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á

Hàng tỷ USD tiền bất hợp pháp đang rời khỏi Trung Quốc đại lục và đi qua các trung tâm lừa đảo, cờ bạc trực tuyến ở Đông Nam Á. Chúng nhanh chóng thay thế các sòng bạc ở Ma Cao (Trung Quốc) trở thành con đường được bọn tội phạm tài chính lựa chọn.

 “Tiền bẩn” rời khỏi Ma Cao để đến cơ sở của những kẻ rửa tiền tại các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á

“Tiền bẩn” rời khỏi Ma Cao để đến cơ sở của những kẻ rửa tiền tại các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á

Dịch chuyển địa bàn

Ông Steve Vickers - Giám đốc điều hành của Steve Vickers and Associates (một công ty tư vấn rủi ro chính trị và doanh nghiệp trong khu vực) cho biết: “Trước năm 2022 đã có một “làn sóng tiền” rời khỏi Trung Quốc đại lục vi phạm các quy định kiểm soát vốn. Một phần trong số đó chuyển qua các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp ở Đông Nam Á và Ma Cao (Trung Quốc). Khi các sòng bạc ở Ma Cao đã bị triệt phá, những tập đoàn cờ bạc chuyển hướng tới Đông Nam Á”.

Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết trong một báo cáo hồi tháng 1-2024, tính đến đầu năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã có hơn 340 sòng bạc (cả được cấp phép lẫn bất hợp pháp). Báo cáo giải thích rằng, ngành công nghiệp cờ bạc ở Đông Nam Á có sự tăng trưởng theo cấp số nhân là do lực lượng thực thi pháp luật ở Ma Cao siết chặt tội phạm tham nhũng, rửa tiền, cùng các dòng vốn bất hợp pháp chảy ra từ Trung Quốc đại lục. Cụ thể, từ năm 2019 đến 2023, một số ông trùm sòng bạc Ma Cao đã bị bắt giữ và kết án. Trong đó có Alvin Chau và Levo Chan - hai trong số những nhà điều hành sòng bạc lớn nhất thế giới. Alvin Chau bị bắt vào tháng 11-2021 và đến tháng 1-2023 bị kết án 18 năm tù, còn Levo Chan bị kết án 14 năm (sau đó giảm xuống còn 13 năm vào tháng 4-2023).

 Với mức thuế thấp và thủ tục cấp phép dễ dàng, Sihanoukville đã trở thành trung tâm cá cược trực tuyến bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng

Với mức thuế thấp và thủ tục cấp phép dễ dàng, Sihanoukville đã trở thành trung tâm cá cược trực tuyến bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng

Báo cáo của UNODC cho biết, do bị kiểm soát chặt chẽ, các nhà điều hành cờ bạc bất hợp pháp đã chuyển từ Ma Cao đến các đặc khu kinh tế của Đông Nam Á. Bằng chứng là số lượng sòng bạc được cấp phép đã giảm đáng kể ở thủ phủ cờ bạc của châu Á, từ mức 235 sòng bạc năm 2014 xuống chỉ còn 36 vào năm 2023 và thực tế chỉ còn 12 cơ sở được cho là vẫn còn hoạt động. Trong quá trình đó, nhiều sòng bạc trực tuyến bất hợp pháp ở Đông Nam Á đã đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh sang hoạt động lừa đảo qua mạng. Một số đã chuyển căn cứ hoạt động vào các khu vực pháp lý lỏng lẻo hơn như Campuchia, Lào, Philippines, cũng như các khu vực biên giới của Myanmar.

Hôm 13-4-2024, Bộ Công an Trung Quốc thông báo 130 công dân Trung Quốc đã bị dẫn độ từ Campuchia đến Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc) vì nghi ngờ liên quan đến cờ bạc và lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, họ thuộc nhóm 670 nghi phạm Trung Quốc đầu tiên bị trục xuất từ quốc gia Đông Nam Á này. Theo Bộ Công an Trung Quốc, cuộc trấn áp - một chiến dịch chung giữa cảnh sát Trung Quốc và Campuchia tập trung vào thành phố ven biển Sihanoukville - đã “đạt được kết quả đáng chú ý”. Báo cáo của UNODC còn chỉ rõ, bên bãi biển dài ở mũi phía Nam của Sihanoukville (trước đây là làng Otres) giờ đã trở thành khu phức hợp sòng bạc rộng lớn với các căn hộ, văn phòng, siêu thị và các cơ sở khác… có tường bao quanh. Bên trong các khu nhà, đội tuần tra an ninh có vũ trang giám sát những lao động bị ép phải làm việc 12h/ngày, 6 ngày/tuần để điều hành các hoạt động cá cược bất hợp pháp, gian lận tiền điện tử và giăng bẫy lừa đảo qua mạng. Ở phạm vi rộng hơn, tình hình tội phạm có tổ chức ở đặc khu kinh tế Sihanoukville cực kỳ nghiêm trọng. Chúng trở nên phố biến vì mức thuế thấp và dễ dàng có được giấy phép lập sòng bạc. Cùng với đó, cá cược bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng là hoạt động kinh doanh lớn của các tập đoàn lừa đảo, thu về ước tính khoảng 40 đến 100 tỷ USD mỗi năm từ Campuchia, Philippines, Lào và Myanmar, với khoảng 250.000 nhân sự ở 4 quốc gia này.

Các đối tượng cờ bạc bất hợp pháp và lừa đảo người Trung Quốc bị cảnh sát áp giải trên chuyến bay từ Campuchia về Trung Quốc ngày 13-4

Các đối tượng cờ bạc bất hợp pháp và lừa đảo người Trung Quốc bị cảnh sát áp giải trên chuyến bay từ Campuchia về Trung Quốc ngày 13-4

Xoay chuyển làn sóng “tiền bẩn”

Ở mặt trận khác, một phần số “tiền bẩn” nói trên đã trôi vào Singapore và quốc gia tự hào về nền luật pháp minh bạch và chặt chẽ này đang dẫn đầu cuộc chiến quốc tế chống rửa tiền. Singapore giữ chức Chủ tịch của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF - tổ chức quốc tế chống rửa tiền) kể từ tháng 7-2022. Trong nhiệm kỳ này, FATF đã ưu tiên thu hồi tài sản của tội phạm, đồng thời đưa ra sáng kiến tập trung vào việc chống lại các dòng tài chính bất hợp pháp từ gian lận trên mạng với sự hợp tác của Interpol và Egmont Group (mạng lưới quốc tế gồm các đơn vị tình báo tài chính cùng hợp tác để chống tội phạm kinh tế). “Tội phạm đang lợi dụng các nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin để chiêu mộ những kẻ buôn tiền xuyên biên giới trên quy mô lớn. Các dịch vụ ảo, chẳng hạn như mở tài khoản trực tuyến từ xa, cũng cho phép bọn tội phạm dễ dàng thiết lập tài khoản nước ngoài và rửa tiền ở nước ngoài, với các giao dịch tài chính được thực hiện với tốc độ gần như tức thời” - FATF cho biết trong thông báo về sáng kiến mới hồi tháng 11-2023. Tổ chức này cảnh báo, tội phạm có tổ chức đã nhanh chóng khai thác các lỗ hổng trong các lĩnh vực mới nổi như fintech và thương mại điện tử, đồng thời kêu gọi các khu vực pháp lý trong khu vực và trên toàn thế giới hợp lực để ngăn chặn số tiền thu được từ lừa đảo qua mạng được rửa xuyên biên giới.

Singapore gần đây cũng có kinh nghiệm đấu tranh tội phạm sử dụng hộ chiếu “mua được” để rửa tiền qua quốc đảo này. Vào tháng 8-2023, trong một chiến dịch trấn áp hoạt động rửa tiền quy mô lớn, cảnh sát đã bắt giữ 10 nghi phạm gốc Trung Quốc mang nhiều quốc tịch nước ngoài khác nhau. Bản án đầu tiên đã được đưa ra vào đầu tháng 4-2024. Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch FATF cho rằng: “Việc cấp quyền công dân và cư trú cho các nhà đầu tư giàu có thông qua các chương trình thị thực và “hộ chiếu vàng” có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng việc này có thể tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tham nhũng trong che giấu danh tính và tài sản hoặc thực hiện các tội ác khác”.

Để đối phó với vụ rửa tiền quy mô lớn liên quan đến một số ngân hàng địa phương và quốc tế, Singapore đã tăng cường giám sát các công ty gia đình, thắt chặt các quy định dẫn đến thời gian chờ đợi hoàn thành thủ tục đăng ký mới lâu hơn. Vì thế, nhiều công ty luật ở Singapore trở nên bận rộn hơn khi các công ty gia đình người Trung Quốc tìm đến để giải quyết những lo ngại về quy định và chứng minh tiền của họ trong sạch. Giám đốc điều hành Steve Vickers and Associates cũng đang phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế trong khu vực để giúp họ tránh tiếp xúc với hoạt động tội phạm có tổ chức và “tiền bẩn” từ Trung Quốc đại lục. United Oversea Bank (một ngân hàng hàng đầu của Singapore nằm trong số những ngân hàng có tên trong danh sách cáo buộc rửa tiền gần đây) cho biết, họ vẫn cam kết chống rửa tiền và liên tục cố gắng để đảm bảo “các cuộc kiểm tra thẩm định chặt chẽ”.

Không còn “đất sống” ở Ma Cao, “tiền bẩn” của Trung Quốc đã có nơi ở mới, đó là các trung tâm lừa đảo và sòng bạc ở Đông Nam Á. Nhưng sự giám sát ngày càng tăng này làm dấy lên mối lo ngại rằng, giống như việc trấn áp các sòng bạc ở Ma Cao khiến các nhà điều hành cờ bạc bất hợp pháp phân tán khắp các đặc khu kinh tế có sự quản lý lỏng lẻo ở Đông Nam Á, các nỗ lực chống rửa tiền của Singapore cũng có nguy cơ gây ra một làn sóng di chuyển tiền tội phạm tương tự.

Theo SCMP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khi-tien-ban-chay-vao-cac-trung-tam-co-bac-va-lua-dao-truc-tuyen-o-dong-nam-a-post576784.antd