Chi viện bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Sau đợt tiến công đồng loạt giành thắng lợi giòn giã trên các hướng chiến lược ở Quảng Trị, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên của ta, Mỹ-ngụy tổ chức phản kích quyết liệt hòng giành lại các vị trí đã mất. Giữa năm 1972, địch huy động lực lượng lớn mở cuộc hành quân 'Lam Sơn 72' nhằm tái chiếm Quảng Trị.

Chiến đấu trong điều kiện chênh lệch về lực lượng và vũ khí, trang bị, bộ đội ta phải giành giật với địch từng mô đất, mảng tường, từng đoạn chiến hào. Có phân đội chiến đấu đến người cuối cùng, viên đạn cuối cùng. Vào thời điểm ấy, ở Quảng Trị có mưa lớn, nước sông dâng cao, các công sự đều bị ngập nước. Trong khi đó, đường bộ bị địch ngăn chặn quyết liệt suốt ngày đêm, việc triển khai lực lượng chiến đấu và tiếp tế của ta gặp rất nhiều khó khăn.

 Du khách tham quan, thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Du khách tham quan, thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Để tìm ra phương thức vận chuyển mới, đáp ứng vũ khí, đạn dược cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi ấy, tôi là phái viên đốc chiến, Cục Chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn đã đề xuất dùng thuyền nhỏ, lợi dụng các dòng sông và luồng lạch ven biển để chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men từ Vĩnh Linh chi viện cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đề xuất được đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn nhất trí và giao tôi phụ trách đi trinh sát nắm tình hình. Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 166 thuộc Binh trạm 12 và chỉ định đồng chí Lê Hoan, cán bộ hải quân tăng cường làm Tiểu đoàn trưởng và tôi làm Chính trị viên. Tiểu đoàn được trên tăng cường một đại đội công binh, 2 đại đội thanh niên xung phong và dân công.

Được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân, bộ đội địa phương và du kích các địa phương, công việc chuẩn bị cho tuyến vận chuyển mới nhanh chóng hoàn tất. Cuối tháng 6-1972, lực lượng vận chuyển đường sông của Tiểu đoàn 166 bắt đầu chuyến hàng đầu tiên. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ vốn là những người thành thạo sông nước nhưng chưa nắm chắc địa bàn, luồng lạch nên những chuyến đầu đều có du kích hoặc nhân dân địa phương dẫn đường.

Phát hiện ta tiếp tế, chi viện cho các đơn vị bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, địch tập trung ném bom, bắn phá, hòng hủy diệt bất cứ sự sống nào. Sau các đợt bắn phá, chúng liên tục cho bộ binh tiến công tái chiếm Thành cổ, đồng thời, tăng cường phong tỏa các tuyến vận chuyển ven biển và đường sông của ta. Trên các tuyến vận chuyển ven biển và đường sông của Tiểu đoàn 166, địch đánh phá, ngăn chặn suốt ngày đêm bằng các loại bom phá, bom sát thương, bom nổ ngay, bom nổ chậm, bom từ trường, thủy lôi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, du kích và nhân dân đã anh dũng hy sinh.

Chiến đấu trong điều kiện gian khổ, hy sinh, nhưng được sự đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương và đơn vị bạn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 166 không lùi bước, quyết hoàn thành nhiệm vụ. Đêm đêm, những con thuyền vẫn lặng lẽ vượt qua hiểm nguy, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho cán bộ, chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN (Phó chủ tịch thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 166 Binh trạm 12)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chi-vien-bao-ve-thanh-co-quang-tri-777469