Triển lãm nghệ thuật Trúc chỉ tại Đà Nẵng

Triển lãm nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam mang đến công chúng cách nhìn đầy đủ về khả năng đáp ứng của loại hình nghệ thuật mới này.

Chiều tối ngày 14/7, triển lãm nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam với chủ đề “Năng” đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 52 tác phẩm chia thành 2 không gian riêng: Không gian triển lãm “Nghệ thuật Trúc chỉ” trưng bày các tác phẩm của 13 họa sĩ Trúc chỉ nhiều thời kỳ.

 Công chúng tham quan triển lãm. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Công chúng tham quan triển lãm. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Không gian mỹ thuật ứng dụng gồm các tác phẩm ứng dụng kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ tạo thành tác phẩm sắp đặt, với kỹ thuật trình chiếu tạo tương tác với khán giả; Các nghệ phẩm ứng dụng độc bản, riêng biệt với những đặc điểm sáng tạo mới tinh tế từ Trúc chỉ.

Đây là lần thứ 2 triển lãm Trúc chỉ đến với công chúng Đà Nẵng, kể từ triển lãm lần đầu tiên với chủ đề “Trúc chỉ - Lời của sông” diễn ra vào tháng 9/2017.

 Ngũ Sắc - sắp đặt Trúc chỉ của Trần Quang Thắng. Ảnh: LĐO

Ngũ Sắc - sắp đặt Trúc chỉ của Trần Quang Thắng. Ảnh: LĐO

Theo Ban tổ chức, các tác phẩm được chế tác hoàn toàn thủ công. Trúc chỉ được sinh ra để tôn vinh giá trị của lòng tri ân và tính nhân văn một cách sáng tạo qua ngôn ngữ nghệ thuật, đồng thời lan tỏa ý niệm bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.

Chọn “Năng” làm chủ đề của triển lãm, nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam mong muốn chia sẻ đến công chúng tại Đà Nẵng cách nhìn đầy đủ về khả năng đáp ứng của loại hình nghệ thuật mới này thông qua những biểu hiện về kỹ thuật, đề tài, ứng dụng; cùng khả năng lan tỏa nguồn “năng lượng” an lành từ các tác phẩm nghệ thuật đến tâm trí người thưởng lãm.

 Ngược dòng - Truchigraphy của Trần Quang Thắng. Ảnh: LĐO

Ngược dòng - Truchigraphy của Trần Quang Thắng. Ảnh: LĐO

Trong chương trình triển lãm còn có các hoạt động tọa đàm, workshop - nơi người yêu nghệ thuật vừa được thưởng lãm các tác phẩm Trúc chỉ, vừa có cơ hội trò chuyện và trải nghiệm giá trị của loại hình nghệ thuật này thông qua các hoạt động tương tác với chất liệu, kỹ thuật.

 Hoang Cúc - Trúc chỉ của Phạm Đình Thái. Ảnh: LĐO

Hoang Cúc - Trúc chỉ của Phạm Đình Thái. Ảnh: LĐO

Sau triển lãm “Năng” ở Đà Nẵng, triển lãm tiếp theo có chủ đề “Thắm” (khoe bản sắc Trúc chỉ) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 tới và triển lãm với chủ đề “Hợp” (hợp tác), tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm nay.

Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, do họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế sáng lập từ 10 năm trước.

Kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ mang thêm cho giấy một khả năng thoát khỏi thân phận làm "nền" để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập, được chế tác hoàn toàn thủ công.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trien-lam-nghe-thuat-truc-chi-tai-da-nang-post256285.html