Tình báo quốc phòng - Son sắt, kiên cường, một trái tim! - Bài 2: Quân báo trinh sát - Lực lượng đi trước, về sau

Thắng lợi của Cuộc tiến công Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cách đây 70 năm, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Điệp báo chiến lược và Quân báo trinh sát. Những chiến công thầm lặng ấy đã tô thắm truyền thống ngành Tình báo quốc phòng, mãi mãi là niềm tự hào của thế hệ kế tiếp sau này.

Khoét ngạch chui rào là nghề nghiệp

Gỡ mìn phá bẫy khéo chân tay

Quan sát ngày đêm tinh đôi mắt

Rình nghe sớm tối thính hai tai

Tiềm nhập vào đồn tung hoành khắp

Tù binh chụp bắt giữa ban ngày

Hóa trang khéo léo bưng mắt giặc

Địch hậu ra vào tựa dạo chơi

Nghi binh hóa phép: Không mà có

Độn thổ thu hình: Một hóa hai!

Đó là một đoạn trích trong bài thơ “Cuộc đời trinh sát thật là hay” của đồng chí Thanh Tùng, cán bộ lão thành của ngành Quân báo. Những dòng thơ khiến ta hiểu hơn và càng khâm phục những người “chiến sĩ ấy”. Họ âm thầm, lặng lẽ góp phần vào đại thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Quân báo trinh sát - Lực lượng chuẩn bị trận địa cho mỗi chiến dịch

Sau Hội nghị do Bác Hồ chủ trì tại Tỉn Keo, lực lượng Quân báo trinh sát của ta tổ chức theo dõi địch trên các hướng và đi đến quyết định: Trước mắt, chuẩn bị đánh Lai Châu. Ngay lập tức, đồng chí Mạc Lâm được cử lên trại tù binh ở Tuyên Quang, tập trung khai thác các sĩ quan địch bị quân ta bắt ở chiến dịch Tây Bắc, tổ chức một cuộc “hội thảo” về cách đánh Lai Châu, cách đối phó của quân Pháp và dự kiến đường rút chạy của chúng.

Một sĩ quan tù binh Pháp đã từng ở Điện Biên, thông thạo đường Tây Bắc, Thượng Lào đã có nhiều ý kiến giá trị về chiến dịch cũng như về chiến thuật. Sau buổi “hội thảo” đó, đồng chí Nguyễn Việt - Trưởng phòng Trinh sát, Cục Quân báo được giao nhiệm vụ cùng một đơn vị trinh sát của Bộ lên đường đi Lai Châu nghiên cứu tình hình, chuẩn bị cho trận đánh.

Các chiến sĩ quân báo thiết lập đài quan sát, bảo đảm đường cơ động phục vụ kéo pháo vào Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Cuối năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 và giao nhiệm vụ cho các đại đoàn. Ngày 20-11-1953, quân báo của ta nắm được tin tức về việc quân Pháp điều động 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Ngay lập tức, đồng chí Hoàng Văn Thái điện thoại và tiếp theo đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cơ quan Quân báo phải làm rõ: Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với mục đích gì? Có phải vì đã phát hiện Đại đoàn 316 đang hành quân lên đánh Lai Châu? Chúng có đóng lại không? Hay chúng sẽ rút? Nếu chúng đóng lại thì sử dụng bao nhiêu lực lượng và sẽ bố trí thế nào? Chỉ thị yêu cầu lực lượng Quân báo trinh sát phải trả lời trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, có hai câu hỏi hóc búa nhất đòi hỏi lực lượng Quân báo trinh sát phải trả lời ngay: Địch có rút không? Chúng bố trí như thế nào?

Để trả lời được những câu hỏi trên, việc cần làm trước hết là điện ngay cho bộ phận trinh sát chuẩn bị đi Lai Châu phải lập tức chuyển hướng về phía Điện Biên Phủ, phối hợp với các đơn vị tại chỗ bám sát và điều tra tình hình địch, hằng ngày báo cáo về Cục; đồng thời tăng cường lực lượng trinh sát kỹ thuật theo dõi liên tục địch ở Điện Biên Phủ, Lai Châu, Thượng Lào, vì có tin có cánh quân từ Lào tiến về hướng Điện Biên Phủ.

Lúc này, một khó khăn mới xuất hiện. Trên bản đồ Bắc Bộ chỉ vỏn vẹn có một chấm đen với ba chữ “Điện Biên Phủ”. Yêu cầu cấp thiết ngay lúc này đòi hỏi quân ta phải có được những tấm bản đồ quân sự. Trước tình hình đó, đồng chí Hùng Châu, một cán bộ ở Ban Hỏi cung đã đi gấp lên trại tù binh, phối hợp cùng với đồng chí Mạc Lâm để khai thác một viên sĩ quan Pháp đã ở Điện Biên Phủ về địa hình và dự kiến khả năng bố trí công sự của địch.

Vài ngày sau, ta phác họa được một sơ đồ về Điện Biên Phủ, cùng với báo cáo, nhận xét về giá trị đặc biệt quan trọng của dải đồi phía Đông sông Nậm Rốm. Nếu tổ chức phòng ngự ở đây, nhất thiết phải chiếm các mỏm đồi cao; còn ở phía Tây là cánh đồng rộng, xa hơn là dải núi không có giá trị chiến thuật quan trọng trong phòng ngự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui khi nhận được báo cáo này và gửi lời khen ngợi anh em hỏi cung.

Đồng chí Cao Pha được chỉ thị tổ chức theo dõi, nắm địch ở Lai Châu, Điện Biên Phủ và Thượng Lào. Ngày 26-11-1953, đồng chí Cao Pha cùng một tổ quân báo di chuyển đi Điện Biên Phủ bằng xe vận tải. Qua Nà Sản, xe dừng lại để anh em nghiên cứu tận mắt tập đoàn cứ điểm của địch. Tại đây, đồng chí Cao Pha nhớ lại lần đầu vấp phải cách phòng ngự của địch; do không điều tra kỹ đặc điểm của hệ thống bố trí phòng ngự nên khi bộ đội ta tiến công đã bị thương vong nặng nề.

Đang nghiên cứu Nà Sản thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho biết tin địch “đốt khói” ở Điện Biên Phủ và chỉ thị đồng chí Cao Pha phải theo dõi sát tình hình vì lo ngại địch định rút quân. Mối quan tâm của Tổng Tư lệnh là hoàn toàn có lý. Vì lúc này, ta đang có kế hoạch điều Đại đoàn 308 chủ lực lên đây và tùy tình hình sẽ điều tiếp các đơn vị khác.

Thời điểm này, công tác điều tra và nắm địch ở Điện Biên Phủ là trọng tâm số một. Hai đội trinh sát của Bộ, do các đồng chí Nguyễn Việt, Phạm Huy, Nguyễn Ngọc Bảo chỉ huy đã phối hợp với trinh sát Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 304 hình thành một mạng lưới trinh sát mặt đất khá chặt chẽ ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Đồng thời, bộ phận trinh sát kỹ thuật cũng bám địch suốt ngày đêm với quyết tâm không để lọt bất kỳ tin tức nào về địch.

Kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát mặt đất và trinh sát kỹ thuật, ta biết được: Ngày 3-12, địch đã đưa thêm 3 tiểu đoàn lên Điện Biên Phủ, thành lập “Binh đoàn hành quân Tây Bắc” do De Castries chỉ huy. Đến cuối tháng 12, địch lại tăng thêm 3 tiểu đoàn nữa. Như vậy, trong hơn một tháng, lực lượng địch ở Điện Biên Phủ đã lên đến 12 tiểu đoàn bộ binh, cùng các binh chủng khác, tổng quân số là 12.000 quân. Trọng tâm của Kế hoạch Navarre chính là quyết tâm chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Tấm bản đồ tỉ lệ 1:25.000 do đồng chí Trần Phận thu được trong quá trình trinh sát. Ảnh: Tư liệu TC II

Quân báo trinh sát và tấm bản đồ 1:25.000

Trở lại với yêu cầu cần phải có bản đồ quân sự để nghiên cứu, chuẩn bị cho trận đánh. Lực lượng quân báo có nhiệm vụ luồn sâu sang phía Tây sông Nậm Rốm, ém quân nhằm nghiên cứu tìm đường tiềm nhập sâu vào khu trung tâm Mường Thanh và khu sân bay; nghiên cứu cứ điểm Căng Na, án ngữ ngay cửa ngõ vào trung tâm sân bay; đánh bắt tù binh đi từ trung tâm Mường Thanh xuống Hồng Cúm.

Tổ trinh sát luồn sâu này do đồng chí Trần Phận - Phân đội phó dẫn theo 6 đồng chí mang theo lương thực lên đường. Đêm thứ nhất, tổ vượt núi, ra đến gần sông Nậm Rốm thì bị phục kích phải quay về. Cách một đêm, đến đêm thứ ba, tổ tiềm nhập lại lên đường. Lần này trót lọt vượt sang phía Tây, anh em đã lên một mỏm đồi gần bản Hồng Lếch để quan sát theo dõi, sau đó chuyển xuống lạch suối chảy qua Nà Noong. Tại đây, hai bên um tùm rậm rạp, tiện cho việc ém quân, tiềm nhập vào Mường Thanh và sân bay. Cứ ban ngày quan sát theo dõi địch thả dù, đêm lại tiềm nhập.

Quan sát thấy địch thả dù nhiều, trong đó có một dù màu đỏ không phải dù hoa như các dù khác. Anh em trinh sát nghĩ ắt hẳn phải có gì đặc biệt. Đến đêm tiềm nhập vào sân bay tìm dù đỏ, anh em lùng sục thấy rất nhiều hàng mà chúng chưa kịp dỡ, tìm mãi mới thấy cái dù đỏ, hàng còn nguyên gồm hai hòm sắt và một hòm gỗ nặng. Anh em thu hai hòm sắt và hòm gỗ về vị trí ém quân, lấy bạt che kín rồi lấy dao găm cạy hòm gỗ, trong có gạo và nước mắm; cạy đến hai hòm sắt thì thấy từng cuộn bản đồ và giấy ảnh đã rửa. Mặc dù chưa biết những cuộn bản đồ này có giá trị như nào, nhưng theo phán đoán của lính trinh sát đã là bản đồ thì ắt phải quan trọng.

Đồng chí Trần Phận - người thu được tấm bản đồ Điện Biên Phủ của Pháp trong quá trình trinh sát tại sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TC II

Kiểm tra những cuộn bản đồ trong hòm thì đây là bản đồ tỉ lệ 1:25.000, gồm 25 bản đồ vùng lòng chảo Điện Biên vẫn còn thơm mùi mực và 32 tấm ảnh ghép cảnh đồ của vùng này. Tổ trinh sát lập tức mang chiến lợi phẩm mới lấy được ở Mường Thanh đến báo cáo đồng chí Cao Pha: “Đơn vị tiềm nhập trinh sát ban đêm ở Mường Thanh thu được một tập bản đồ về Điện Biên Phủ của địch mới thả dù xuống hôm kia”.

Cơ quan Quân báo đã báo cáo ngay với đồng chí Hoàng Văn Thái. Đồng chí Tham mưu trưởng chiến dịch rất mừng vì đây là lần đầu quân ta tác chiến hiệp đồng có đầy đủ pháo binh, pháo cao xạ, đòi hỏi bản đồ địa hình phải thật chính xác. Tấm bản đồ tỉ lệ 1:25.000 đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Phòng Tác chiến mặt trận. Lập tức, một đồng chí được cử dùng xe Jeep chạy hỏa tốc suốt ngày đêm về hậu phương in ra thành nhiều bản đưa lên mặt trận phát cho các đơn vị. Chiến sĩ trinh sát Trần Phận - Tổ trưởng tổ trinh sát lấy được tập bản đồ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai ngay tại mặt trận.

Nhờ tập bản đồ, quân ta đã đắp được sa bàn Điện Biên Phủ, tất cả các mục tiêu của địch đều xuất hiện đầy đủ, cho thấy hệ thống phòng ngự của địch không chỉ vững chắc ở phía Đông mà đã tăng cường tuyến phòng thủ kiên cố ở cả phía Tây, dọc sân bay vào tung thâm, trên các hướng tiến công chính của 2 đại đoàn do đồng chí Lê Trọng Tấn và Vương Thừa Vũ chỉ huy. Những dữ kiện đầu tiên cực kỳ quan trọng này cho thấy không còn khả năng “đánh nhanh, giải quyết nhanh” theo kế hoạch ban đầu. Kết hợp với tình hình thực tế tại mặt trận, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra một quyết định vô cùng sáng suốt và đúng đắn, chuyển phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” để đi đến thắng lợi cuối cùng.

(Còn nữa)

QUỲNH OANH - ĐỨC QUANG (Theo Hồi ký “Những ký ức không bao giờ quên” của Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, và tư liệu TC II)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/dien-bien-chien-dich/tinh-bao-quoc-phong-son-sat-kien-cuong-mot-trai-tim-bai-2-quan-bao-trinh-sat-luc-luong-di-truoc-ve-sau-774573