Nghệ sĩ Việt quảng bá, giới thiệu âm nhạc dân tộc tại Nhật Bản

Cùng chung mục tiêu đưa nền âm nhạc Việt Nam ra thế giới, cụ thể là giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến công chúng Nhật Bản, các Nghệ sỹ ưu tú Thu Thủy, nghệ sỹ Minh Tài sẽ kết hợp cùng nhà sản xuất âm nhạc Khánh K-ICM để biểu diễn các bài hát mang âm hưởng dân ca Việt Nam.

NSƯT Thu Thủy.

NSƯT Thu Thủy.

Trong khuôn khổ “Ngày Thành phố Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản” diễn ra từ ngày 17 - 19/5, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh) sẽ giới thiệu đến khán giả và du khách Nhật Bản những giai điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam thông qua phần biểu diễn của các nghệ sỹ nhạc cụ dân tộc Việt Nam gồm: Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Thu Thủy (Nguyễn Thu Thủy) và nghệ sỹ Đoàn Minh Tài (Minh Tài) và nhà sản xuất âm nhạc Khánh K-ICM (Nguyễn Bảo Khánh). Họ là những người nghệ sỹ có tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt với nhạc cụ dân tộc nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung.

Theo đó, tại chương trình, các nghệ sỹ sẽ biểu diễn độc tấu, song tấu âm nhạc truyền thống thông qua các bài hát mang âm hưởng dân gian Việt Nam như: Lý cây đa, Giai điệu Tây Nguyên, Cây trúc xinh… và đặc biệt là có sự kết hợp nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ điện tử trên nền nhạc DJ cùng nhà sản xuất âm nhạc Khánh K-ICM.

NSƯT Thu Thủy bắt đầu học nhạc từ năm 9 tuổi tại Trường Cao đẳng Âm nhạc Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia. Để biểu diễn điêu luyện các loại nhạc cụ đàn nhị, đàn K’ni, đàn T’rưng, đàn tứ, cô đã theo học mất đến 13 năm và đã tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Hiện cô đang công tác tại Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.

Cô đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật để quảng bá về các nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại các nước Anh, Pháp, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Áo, Thụy Điển… Vào ngày 6/3 vừa qua, cô đã nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước trao tặng, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của NSƯT Thanh Thủy trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

NSƯT Thu Thủy cho biết, mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, âm hưởng khác nhau để thu hút khán giả. Ngày nay, trong đời sống tinh thần của người Việt, người dân thường được nghe và biết nhiều đến các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: Đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn T’rưng, sáo… Trong mỗi nhạc cụ này đều có quá trình phát sinh, phát triển cùng thời gian, chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt để giới thiệu đến công chúng yêu nhạc dân tộc.

Đối với NSƯT Thu Thủy lại có tình yêu với cây đàn nhị vì nó có vẻ chân quê, gần gũi với người Việt Nam. Phần cấu tạo có thể cho người sử dụng nhấn, láy sâu hơn tạo ra những âm sắc theo ý mình. Ngoài đàn nhị, Thu Thủy cũng chơi được đàn bầu, đàn tứ, đàn T’rưng… Vì vậy, lần này đến Nhật Bản, Thu Thủy muốn giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam đến với đông đảo công chúng yêu nhạc.

Nghệ sỹ Minh Tài chơi đàn bầu, đàn tranh là vì đam mê và hy vọng các bạn trẻ sẽ được lan tỏa đam mê này.

Nghệ sỹ Minh Tài chơi đàn bầu, đàn tranh là vì đam mê và hy vọng các bạn trẻ sẽ được lan tỏa đam mê này.

Khác với thế hệ đàn chị nghệ sỹ Thu Thủy, với nhiều kinh nghiệm khi biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở trong và ngoài nước, nghệ sĩ Minh Tài (tên thật Đoàn Minh Tài), hiện còn khá trẻ và anh lại chọn phát triển âm nhạc dân tộc theo hướng mới và chọn cách tiếp cận từ giới trẻ. Nghệ sỹ Minh Tài xuất thân từ khoa Âm nhạc truyền thống của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Những nhạc cụ dân tộc mà anh theo đuổi là đàn tranh, đàn bầu. Minh Tài cho biết, anh chơi đàn bầu, đàn tranh là vì đam mê và hy vọng các bạn trẻ sẽ được lan tỏa đam mê này từ anh nhưng anh cũng muốn các bạn trẻ được tiếp cận các nhạc cụ dân tộc Việt theo hướng mới hơn.

Nghệ sỹ Minh Tài cho biết, để giới thiệu và thu hút các bạn trẻ trong và ngoài nước cùng yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam, chính người chơi nhạc phải tạo được điều mới mẻ, độc đáo cho người nghe. Vì vậy, để quảng bá nền âm nhạc phong phú, chuyên sâu của Việt Nam tại Nhật Bản, anh sẽ giới thiệu những màn độc tấu đàn tranh mang âm hưởng dân gian Việt Nam, từ đó người nghe nhận ra vẻ đẹp rất riêng của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Nghệ sỹ Khánh K-ICM đã trở thành hiện tượng mạng xã hội khi biến đàn organ thành DJ, đàn tranh, đàn bầu và rất nhiều các loại nhạc cụ khác.

Nghệ sỹ Khánh K-ICM đã trở thành hiện tượng mạng xã hội khi biến đàn organ thành DJ, đàn tranh, đàn bầu và rất nhiều các loại nhạc cụ khác.

Nghệ sỹ Khánh K-ICM theo học đàn organ từ bé, anh được cộng đồng mạng gọi bằng cái tên vui là “Thánh chơi đàn”. Chàng trai gây bão mạng với những livestream chơi nhạc phá kỷ lục lên tới 26 ngàn lượt view. Hiện nay, anh đã trở thành hiện tượng mạng xã hội khi biến đàn organ thành DJ, đàn tranh, đàn bầu và rất nhiều các loại nhạc cụ khác và nghệ sỹ Khánh đã dần trở thành người biểu diễn tài năng trên những sân khấu lớn trước hàng ngàn khán giả.

Chưa kể, với vai trò là nhà sản xuất âm nhạc, Khánh cũng đã cho ra đời những bản hòa âm phối khí gây “hot” trong giới trẻ thời gian gần đây như: Buồn của anh, COVID nhanh đi đi, Chim quý trong lồng, Đánh cắp mặt trời - mang điện đến muôn nơi… Ngoài vai trò nhà sản xuất, thời gian qua Khánh K-ICM cũng phát triển công việc DJ và thường xuyên đi lưu diễn để giới thiệu về âm nhạc Việt Nam tại các nước như: Đức, Hungary, Myanmar, Pháp, Nhật, Cộng hòa Sec,…

Đại diện Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại nước Nhật đã được các nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh chuẩn bị, dàn dựng, đầu tư công phu, chỉnh chu, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách, khán giả tại Nhật Bản nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn với một Việt Nam. Một đất nước Việt Nam hiền hòa, thân thiện, văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc… từ đó thôi thúc bạn bè Nhật Bản, quốc tế đến Việt Nam trải nghiệm nhiều hơn để hiểu thêm về đất nước con người Việt Nam.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-viet-quang-ba-gioi-thieu-am-nhac-dan-toc-tai-nhat-ban-20240516194241531.htm