Tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Những ngày cuối tháng 4/2024, nắng nóng như đổ lửa nhưng tôi vẫn có một chuyến điền dã, tìm hiểu thực tế về nơi chôn nhau cắt rốn của gia đình ông Cao Văn Lầu tại vùng đất Thuận Mỹ - miền hạ của huyện Châu Thành, với sự hướng dẫn của Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - Văn Ngọc Hạo và lãnh đạo UBND xã Thuận Mỹ. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người tài hoa, có công sáng tác bản Dạ cổ hoài lang nổi danh cả nước, đặt nền tảng cho bản vọng cổ ngày nay. Ông là người con của huyện Châu Thành, tỉnh Long An và hiện nay, người thân của ông vẫn sinh sống trên mảnh đất xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành và TP.Tân An.

Ngôi nhà gia đình ông Cao Văn Lầu sống hồi nhỏ

Dòng họ Cao trên đất Thuận Mỹ

Theo dòng lịch sử, dòng họ Cao từ miền Trung vào miền Nam khai hoang, lập nghiệp, ban đầu ở làng Long Định, huyện Cần Giuộc, hạt Chợ Lớn. Về sau, tình hình KT-XH phát triển, thời bấy giờ, ông Cao Văn Mới đã vượt sông Vàm Cỏ đến khai phá và dừng chân định cư ở rạch Cây Cui của thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Theo gia phả dòng họ Cao ở xã Thuận Mỹ hiện nay, ông Cao Văn Mới thuộc đời thứ ba của dòng họ Cao ở miền Nam và là tiên tổ của dòng họ Cao tại đất Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Không biết ông Cao Văn Mới cùng vợ là bà Nguyễn Thị Điêu có bao nhiêu người con nhưng gia đình chỉ biết được 2 người con trai là ông Cao Văn Soi (thứ bảy) và ông Cao Văn Giỏi (thứ chín). Ông Cao Văn Giỏi là cha ruột của ông Cao Văn Lầu.

Mộ ông Cao Văn Mới trước đây ở xóm ông chín Bầu An, nằm cạnh miễu Trâm Bầu, cách bờ sông Vàm Cỏ khoảng 300m, thuộc ấp Bình Trị 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Năm 2003, con cháu bàn bạc, thống nhất chuyển mộ ông về đất nhà tại ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành.

Việc làm giỗ hàng năm cho ông Cao Văn Mới do ông Cao Văn Khai tổ chức vào ngày 23-3 Âm lịch (ông Cao Văn Khai là cháu gọi ông Cao Văn Mới là ông sơ). Đây là giổ tổ dòng họ Cao ở đất Thuận Mỹ, huyện Châu Thành.

Thân tộc và gia đình ông Cao Văn Lầu Ông Cao Văn Soi là bác ruột của ông Cao Văn Lầu. Mộ ông Soi nằm trên đất Gò Me, lúc đầu bằng đá tổ ong, xung quanh hoang hóa, thuộc ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Sau này, ngôi mộ được trùng tu bằng xi măng và hiện nằm trên đất của bà Cao Thị Ẩn (tư Ẩn). Bà Ẩn gọi ông Cao Văn Soi là ông cố.

Việc làm giỗ hàng năm cho ông Cao Văn Soi do ông Cao Văn Hải tổ chức vào ngày 16/5 Âm lịch (ông Cao Văn Hải gọi ông Cao Văn Soi là ông cố).

Mộ ông Cao Văn Soi

Còn ông Cao Văn Giỏi - cha ông Cao Văn Lầu, khi trưởng thành được anh ruột là ông Cao Văn Soi cưới vợ là người cùng quê (bà Thạch Thị Tài hoặc Đỗ Thị Tài). Vợ chồng ông Cao Văn Giỏi và bà Thạch Thị Tài lần lượt sinh được 7 người con, trong đó Cao Văn Lầu là người con thứ sáu.

Về sau, khi định cư, sinh sống ở Bạc Liêu, ông Cao Văn Giỏi và bà Thạch Thị Tài sinh thêm 3 người con. Do gia đình ông Cao Văn Giỏi chuyển về Bạc Liêu sinh sống từ năm 1896 nên hiện nay ở Thuận Mỹ không có con cháu trực hệ của ông Giỏi.

Căn nhà thuở nhỏ từng sống của ông Cao Văn Lầu

Lúc còn nhỏ, anh em Cao Văn Soi và Cao Văn Giỏi ở chung một nhà tại rạch Ngọn, xóm Sông Cui (là nhà ở ngay đầu rạch ngọn thông ra sông Cui, ghe, thuyền đi lại vào tận nhà). Khi ông Cao Văn Giỏi chuyển cả gia đình đến Bạc Liêu vào năm 1896 thì ngôi nhà này được giao lại cho người con trai út của ông Cao Văn Soi là ông Cao Văn Đô. Ông Cao Văn Đô sau đó lại giao nhà cho người con trai thứ sáu là Cao Văn Thôn ở tại đây.

Đây là căn nhà lá 3 gian, 2 chái, cất theo kiểu thôn quê thời bấy giờ, phổ biến ở vùng quê Nam Bộ với diện tích đất 1.122,1m2 (còn lại thực tế hiện nay).

Mộ ông Cao Văn Mới

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1975, người dân trở về địa phương tham gia sản xuất, chỉnh trang nhà cửa. Ông Cao Văn Hằng (anh thứ hai của ông Cao Văn Thôn) có người con gái lớn là Cao Thị Khá gả cho ông Võ Văn Nghệ (tư Nghệ). Do gia đình ông Nghệ không có đất nên ông Thôn đã cho người cháu gái này ở căn nhà mà trước đây ông sống. Hiện nay, bà Khá đã mất. Căn nhà ông Nghệ đang ở là căn nhà mà trước đây gia đình ông Cao Văn Giỏi sống trước khi rời xứ đi lập nghiệp ở Bạc Liêu. Đó là căn nhà số 499/4 ấp Bình Trị 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, hiện nay.

Mang hành trang văn hóa từ Thuận Mỹ đến Bạc Liêu

Lúc thiếu thời, còn ở chung một nhà với anh ruột là ông Cao Văn Soi, ông chín Giỏi được anh dạy học văn hóa, chữ Nho, chữ Quốc ngữ và âm nhạc dân tộc cổ truyền. Lớn lên, ông sử dụng được nhiều loại đờn dân tộc nhưng sở trường là đờn cò trong ban nhạc lễ, hát bội, phục vụ các dịp lễ hội, đình đám của làng và có thời gian, ông còn làm “ông Nhưn” (tức thầy tuồng) cho gánh hát bội của bầu Hồ ở địa phương.

Ngày nay, trở lại quê hương cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đứng trên cầu Quang bắc qua sông Cui, nhìn con đường nhựa từ thị tứ trung tâm xã Thuận Mỹ đến bến đò Bà Nhờ, mà cảm nhận Thuận Mỹ đang đổi thay từng ngày

Năm 1896, vợ chồng ông Cao Văn Giỏi dẫn các con hành trình xuôi về phương Nam. Lúc bấy giờ, ông Cao Văn Lầu mới 4 tuổi. Vốn có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, lại được đắm mình trong môi trường hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của gia đình và cộng đồng làng xã nên khi rời quê hương Thuận Mỹ đến đất Bạc Liêu, hành trang ông mang theo là các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đó cũng là vốn liếng ban đầu để phát triển nghệ thuật truyền thống sau này ở Bạc Liêu - vùng đất giàu tiềm năng văn hóa - nghệ thuật.

Ngày nay, trở lại quê hương cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đứng trên cầu Quang bắc qua sông Cui, nhìn con đường nhựa từ thị tứ trung tâm xã Thuận Mỹ đến bến đò Bà Nhờ, những ngôi nhà tường san sát nhau, chợ bán buôn đủ loại hàng hóa thiết yếu mà cảm nhận Thuận Mỹ đang đổi thay từng ngày. Chính quyền địa phương và người dân đã và đang ra sức xây dựng xã nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng tăng lên.

Ảnh TTH

Ngày xưa, khi chưa có cầu Quang, người dân hai bên bờ sông Cui đi lại bằng đò, ngay tại đầu cầu là bến đò. Trước đây, các ghe, thuyền đến buôn bán và trao đổi hàng hóa đều tập trung tại bến đò này. Theo các vị bô lão sống tại địa phương, ghe, thuyền có trọng tải 100 tấn thường neo đậu và ra vào tấp nập ở bến đò này. Cạnh đó là ngôi chợ của xã Thuận Mỹ mà người dân nơi đây thường gọi là chợ Nhà Dài. Từ địa điểm này đến ngôi nhà cũ của ông Cao Văn Lầu chừng 400m, qua đó có thể hiểu được phương tiện mà ông Cao Văn Giỏi đã đưa cả gia đình về đến Bạc Liêu vào năm 1896 rất thuận tiện./.

Tôn Thất Hùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tim-ve-noi-chon-nhau-cat-ron-cua-co-nhac-si-cao-van-lau-a175877.html