Nhớ… ấu!

Vĩnh Lộc xứ Thanh quê tôi, vùng chiêm trũng thì nhiều nơi có. Nhưng giời phú (hay trời hành?) cho xã Vĩnh An tít cuối huyện một thổ ngơi lầy thụt sinh sôi nảy nở ra cái giống ấu thì Kim Sơn của Vĩnh An là nhất!

Mới đây, ghi dấu 55 năm ngày vào cấp 3 trường huyện, đám chúng tôi, những cô cậu ngày xa ấy nay là những lão ông, lão bà có một cuộc tụ tập tại một danh lam thắng tích quê nhà. Đó là động Kim Sơn thuộc xã Vĩnh An, Vĩnh Lộc. Xứ ấy có nhà sàn, có hồ nước, có động cùng suối quanh co men núi đá.

Thu hoạch ấu

Thu hoạch ấu

Nói có sách. Xin trích ra đây đoạn trong Đại Nam thống nhất chí (trang 259) chép về cái địa thế động Kim Sơn của làng Vĩnh An, Vĩnh Lộc xứ Thanh như này.

“Núi Kim Sơn còn có tên là núi Biện hoặc núi Bông. Mạch núi từ phía đông Hùng Lĩnh theo ven sông Mã mà đổ xuống vọt lên 29 ngọn. Đứng xa mà trông, hiện ra nhiều hình như tàn lọng như lâu đài như cờ quạt như voi ngựa… Ngọn Cốc Sơn cao chừng 30 trượng chân núi có hang lớn hai đầu thông ra đầm sâu có thể đi thuyền suốt đầu nọ sang đầu kia được…”.

Đi chơi động Kim Sơn, gặp lại cái giống ấu. Giống này thì Kim Sơn của Vĩnh An là nhất!

Nhất cả diện tích, sản lượng cho đến tận thời điểm này. Hàng trăm hộ nuôi ấu. Thu hàng chục tấn củ. Sắc vàng xanh choán chiếm trên đồng chiêm mênh mông. Ấu đấy! Ấu bò, ấu lan dọc kênh mương. Ấu chạy đến tận hồ, len lỏi vào các động. Xanh, vàng. Màu của giống ấu khi thanh tân hoặc trở về già. Vòng đời ấu nội chỉ non một năm. Tháng mười gieo giống (củ). Tháng sáu có thể thu hoạch được rồi.

Ấu là thứ gì vậy? Tôi đâm giận lây mấy bà bạn hơn nửa thế kỷ gặp lại khi hồi chiều cả bọn tới Kim Sơn quây quanh mấy gánh hàng ấu rong. Mấy bà bạn này quê vốn ở mạn Bắc huyện. Thì ra họ chưa nhìn thấy cái giống ấu bao giờ. Rồi đi làm ăn xa. Có người từng định cư ở nước ngoài hàng chục năm. Nay về quê, sững người khi ngó thấy thứ củ gì mà hình thù nguềnh ngoàng méo xẹo. Lại hao hao giông giống cái đầu trâu, thủ bò?

Loài ấu không riêng chi xứ Vĩnh An, mà vùng chiêm trũng của Bắc Bộ của duyên hải Bắc Bộ của miền Trung, của trung du có mà ối! Hình như giống ấu Việt có từ thời thượng cổ? Ấu mọc từ bùn đất vượt qua khoảng nước đồng chiêm chấp chới bồng bềnh thứ lá hao hao như lá súng. Đến cữ đến kỳ, nảy ra thứ hoa ấu vàng ngà dần dà biến thành quả. Quả cũng là củ ấu. Nâng nhẹ khóm cây ấu tòn ten như lục bình lên, lúc lỉu củ ở các nách lá. Thứ bánh tẻ, thứ già… Cái giống gần bùn, ở với bùn đấy mà sao cách biệt? Đem luộc, hấp lên. Đập khẽ hoặc cắn nhẹ làn vỏ cứng vừa phải ấy tức thì phát lộ một khoảng trắng ngà nuột nà. Bập răng vào cứ là bùi lật!

Chính cái hình hài ngộ nghĩnh hao hao đầu trâu đầu bò ấy là niềm thao thiết tuổi thơ tôi. Chợ nghèo Bồng Hạ mùa ấu bán rặt giống ấu Kim Sơn, Vĩnh An. Mẹ nghèo đi chợ nghèo. Đơn vị đo lường không phải bao nhiêu củ ấu mà bằng lon sữa bò như đong gạo vậy. Bấm bụng bỏ ra hai hào bạc được hai bơ ấu. Lon ton đón mẹ từ chợ về, sốt ruột rồi hỗn hào kéo tuột cái vỉ buồm mẹ đậy hờ trên chiếc mủng. Tức thì vuột văng ra những củ ấu.

Mẹ phải thân chinh chia cho công bằng. Háo. Thèm lắm. Nhưng chưa ăn vội. Đứa thì lấy chỉ buộc cái sừng ấu khoác tòn ten lên ngực. Đứa thì mang sẵn cái thân trâu thân bò bằng đất sét từ sáng đã nặn sẵn. Ghim củ ấu vào. Thoắt hình con trâu con bò. Chao ôi là giống! Những đám răn trên gương mặt mẹ giãn ra nhìn lũ con tưng bừng hồ hởi. Chừng như người có chút hài lòng như lây lan với niềm hạnh phúc của lũ con mà mình đánh đổi chỉ với hai hào bạc? Khi ấy chúng con đâu biết, từ thứ sản vật thứ quà quê nghèo và hình hài méo xẹo của củ ấu, một thông điệp về lòng người thói đời về thế thái nhân tình từ thượng cổ đã lặn vào đời mẹ rồi truyền mãi cho các đời sau cái câu “yêu nhau củ ấu cũng tròn/ Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.

Nhớ thuở học cấp 3 phố Giáng Vĩnh Lộc ở nhờ chỗ bác Quềnh Hội trưởng Đông Y huyện. Có người quen ở Vĩnh An nên mùa ấu nào cũng uỵch chỗ Hội Đông y mấy bao tải ấu. Chưa hết còn thêm mấy bì tải củ súng (quê tôi kêu củ sấm) nữa. Ấu thì lấy dễ, nhưng tôi biết thứ củ súng đen thui nần nẫn nhỉnh hơn trái mận kia phải ngâm mình dưới ruộng bùn nước chấm cằm để móc lên. Bác sai mấy đứa chúng tôi tãi ấu và sấm ra rồi đem phơi. Độ ba, bốn nắng hai thứ củ ấy đã quắt lại.

Tôi tò mò ngó đám gia nhân lấy búa khẽ đập cho bong vỏ. Lộ lần thịt trắng nuột. Rồi lại đem cái nhân ấy phơi. Xong đâu đấy họ đem sấy khô và dùng cái thuyền tán (cái nghề đông y luôn sẵn dao cầu, thuyền tán) nghiền thành bột.

Bác Quềnh sai lấy thứ bột súng và ấu ấy trộn lẫn với bột ý dĩ (một vị thuốc bắc). Thứ bột hỗn hợp ấy, bác đem ngào với lá dâu tằm đã đồ chín giã nhỏ cùng mật mía. Vừa làm bác vừa giảng giải cho mấy anh thợ học nghề rằng giá như có mật ong thì tốt, nhưng không có đành dùng tạm mật mía vậy!

“Các anh có biết củ ấu tên thuốc là chi không? Tên chữ nó là thủy lật ký thực”.

Chất giọng sang sảng của bác tiếp tục “Theo Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, củ ấu vị ngọt chát, tính bình. Công dụng thoát tả, giải độc, tiêu thũng. Còn củ súng có tên là Khiếm thực vị ngọt tính bình, đặc biệt bổ tỳ vị. Các vị ấy kết hợp với ý dĩ vị thuốc bổ tỳ vo viên lại. Thứ hoàn tán ấy được sự trợ dẫn của vị lá dâu (tang diệp, tang thầm) rất công hiệu với tạng trẻ con gầy còm ốm yếu được ví như phì nhi cam tích. Người lớn sau ốm dùng rất mau vượng sức”.

Khi ấy nghe vậy thì biết vậy. Mãi sau này tôi mới có dịp tò mò ngó qua cái phương thuốc bổ bí truyền (chẳng hay bác có gia giảm thêm thắt vị gì không mà bán khá chạy?) của bác Quềnh. Bác có tiếng thạo y lý lại rất chịu khó học hỏi nghiên cứu. Hàng trăm vị thuốc đông y, bác rành thuộc cả. Nhưng nhiều vị thuốc bắc quý khi ấy, đắt đã đành nhưng rất khó kiếm. Bác tỷ mẩn thử nghiệm lấy nhiều dược liệu sẵn có ở quê thay thế. Vậy mà rất công hiệu. Có phải vì phương cách “Nam dược trị Nam nhân” sáng tạo và khoa học, bác nổi tiếng khắp tỉnh là ông thày đông y mát tay? Ngay cái khoản củ ấu mộc mạc đen đủi quê nhà, sau này tôi được đọc trong một tài liệu của Viện Trung y Bắc Kinh, đại loại củ ấu có nhiều dược tính quý trong đó có abumin và đặc biệt có chất AH 13, chất chiết ung thư gan được dùng để hỗ trợ điều trị chữa trị ung thư.

Giờ ngồi viết những dòng này như đương thư thả đâu đây ông bác ông thày đông y (cụ thân sinh thằng bạn cùng học từ thuở bé, Trịnh Nguyên Hùng) dáng người mảnh mai, da trắng xanh, hễ rỗi thì tay lúc nào không rời những cuốn sách chữ Hán. Về khoản chữ thảo của cụ thì thôi rồi. Sau này có tập tọng thư pháp, đám chúng tôi chỉ ước ao tập được dạng chữ thảo của bác khi kê đơn thuốc. Có thể nói mỗi một tờ đơn kê các vị thuốc cho con bệnh, những nét thoăn thoắt thảo ấy tự nhiên thành một bức thư pháp hoàn hảo! Nhớ tiếc những tờ đơn thuốc - bức thư pháp ấy nay đã thất tán, bâng khuâng thêm về cái công, cái tài của tiền nhân đã từng nâng cấp đã từng thăng hoa thứ sản vật tầm thường đen đủi của quê nhà thành những phương thuốc danh giá có tác dụng trị bệnh cứu người!

Lũ chúng tôi cứ “nê” vào thắng cảnh động Kim Sơn từng ghi vào sử sách mà thi thoảng lại vui tếu rằng “địa linh ắt sinh nhân kiệt”. Rồi vận vào để chỉ một người con của quê hương Kim Sơn Vĩnh An, thày Hà Minh Đức! GS Hà Minh Đức Giải thưởng Hồ Chí Minh!

Dòng suối ấu trong khu thắng tích Kim Sơn

Dòng suối ấu trong khu thắng tích Kim Sơn

Thuở là học trò của thày ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp chỉ dám kính nhi viễn chi (ở xa mà ngó mà kính). Rồi khi thầy đã cao niên và thầy trò cùng… hưu thì chúng tôi hay ghé thày, nhất là những đận được ngồi với thày mỗi khi tổ chức họp lớp. Lần ấy có một đứa (nó bây giờ cũng là GS) đánh bạo rằng: Thầy ơi chúng em đang ngồi không phải với GS Hà Minh Đức từng có nửa thế kỷ trên bục giảng mà đương ngồi với nhà văn Hà Minh Đức với hơn 30 năm sáng tác. Từng là tác giả của nhiều tập bút ký và 8 tập thơ. Vậy mà hình như cái hình bóng danh lam thắng tích hang động Kim Sơn Vĩnh An cùng sản vật quê nhà như củ ấu chưa thấy trong những con chữ của thầy…

Vị GS cao niên như cuốn theo không khí thân gần tuế tóa của đám học trò. Thầy cười “Anh nói rồi đấy nhé. Chưa thấy chứ không thấy!”. Thầy nói vậy chẳng hay có ý định viết viếc gì không? Nhưng tôi thấy anh bạn GS hơi bị vội? Bởi một lần tôi được chứng kiến ngồi với mấy nhà nghiên cứu xứ Thanh, GS Hà Minh Đức nêu cái băn khoăn cũng là một hướng nghiên cứu khoa học. Rằng những hang động của Kim Sơn từ thời Trần đã có người tránh loạn trú ngụ. Rồi những hang động ấy mở ra từ thời Lê Mạc, nhưng hơi lạ chỉ có một số danh thần triều Nguyễn như Trương Đăng Quế, Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Thuật, Bùi Văn Dị… đề thơ. Vậy mà các hang động xứ Thanh gần đó lại có bút tích đề thơ của những Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, đặc biệt có chữ của vị Chúa “Thạch thi” Trịnh Sâm. Chúa Trịnh Sâm quê kiểng lại ở Vĩnh Lộc. Ngài từng để lại bốn chữ ở Động Hồ Công (cách Kim Sơn chỉ hơn mười cây số) Thanh Kỳ Khả Ái (Tạm hiểu là Xứ Thanh kỳ lạ đáng yêu). Mà ở Kim Sơn tịnh không thấy những bút tích ấy của ngài? Hoặc chưa tìm thấy hoặc đang nằm ở động khác đã bị giấu kín hoặc bị đổ sập rồi chăng?

Hướng về mấy học trò là ký giả, thầy Hà Minh Đức thẳng thắn rằng, lần thì về quê lần thì nghe được người nhà ở Vĩnh An ra phàn nàn cái nạn nổ mìn khai thác đá ở núi Bông Hang bừa bãi quá lắm. Khu danh thắng Kim Sơn đang bị xâm hại các anh có biết không? Về đó mà điều tra, mà tìm hiểu. Đặng góp thêm tiếng nói để giữ được khung cảnh hệ sinh thái quê nhà trên nóc hang thì vượn khỉ nhảy nhót, chim muông kêu hót. Dưới hang thì củ súng củ ấu mọc đầy lại cũng chả nên sao?

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nho-au-post1638312.tpo