Thu hút, trọng dụng nhân tài: Cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước

Theo TS Đoàn Thị Tố Uyên, việc thu hút và sử dụng hợp lí nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước.

Chính sách hiện hành chưa đủ hấp dẫn

Báo Kinh tế và Đô thị và Trường Đại học Luật Hà Nội vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Tại hội thảo, TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tham luận về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), với nhiều góp ý quan trọng.

Theo TS Đoàn Thị Tố Uyên, chính sách thu hút và thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài của thành phố Hà Nội theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2012 và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND chưa thực sự đủ sức hấp dẫn. Vì, mới chỉ đưa ra chính sách tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư.

“Chính vì thiếu cơ chế, thiếu nguồn lực thực hiện việc đãi ngộ, đặc biệt là nguồn lực tài chính nên chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài của Thủ đô về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn”, TS Đoàn Thị Tố Uyên nhìn nhận.

TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tham luận. Ảnh: Khánh Huy

Từ thực tiễn này, bà Uyên cho rằng, việc đề xuất chính sách để thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) trong sửa đổi Luật Thủ đô lần này là một yêu cầu cấp thiết.

Theo bà Uyên, việc xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cần phải có cơ chế tuyển dụng phù hợp đối với từng nhóm đối tượng cần thu hút; có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng, cụ thể, hợp lí; tạo lập môi trường làm việc tốt để những người có kiến thức, trình độ và kinh nghiệm phát huy được năng lực, sự sáng tạo nhất là nhân lực chất lượng cao; đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố.

Các đề xuất, kiến nghị cần có sự nghiên cứu, kế thừa các quy định về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012, Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, đồng thời, cần phải đáp ứng được nhu cầu về thu hút nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, cần làm rõ sự khác biệt với các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài theo quy định của Luật Thủ đô với quy định hiện hành tại Luật Công chức, Luật Viên chức, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; thống nhất, làm rõ nội hàm tiêu chí xác định nhân lực chất lượng cao và nhân tài như quy định hiện nay theo Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND hay mở rộng phạm vi là người có tài năng, năng lực trong một số lĩnh vực.

Chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước

TS Đoàn Thị Tố Uyên cũng góp ý, việc thu hút và sử dụng hợp lí nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước. Trong đó, cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: Sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Ngân

Đáng quan tâm, TS Đoàn Thị Tố Uyên phân tích, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước đối với nhân tài, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể như Thành phố được quy định việc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao.

Thành phố cũng cần được quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là nhân lực chất lượng cao (thuộc đơn vị sự nghiệp do ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động); quy định việc kí hợp đồng với người có kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm đã và đang làm việc ở khu vực tư hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lí các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô...

Đồng thời, các chính sách này còn phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, phải đảm bảo nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài. “Hiện nay, chúng ta rất chú trọng khâu thu hút, nhưng lại chưa quan tâm đúng mức khâu bố trí, sắp xếp, sử dụng nhân lực chất lượng cao. Nhân lực chất lượng cao thực sự thường rất quan tâm đến môi trường làm việc, luôn mong muốn có môi trường tốt để thể hiện được năng lực.

Họ cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp với tài năng; được tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh cống hiến; việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, cơ hội thăng tiến trong công việc, cần được xem xét khách quan, công bằng. Lương trả cho nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên hiệu quả công việc và thường xuyên điều chỉnh, đảm bảo cạnh tranh với khu vực ngoài Nhà nước”, TS Đoàn Thị Tố Uyên góp ý.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, khai mạc vào ngày 20/5 sắp tới. Các ý kiến góp ý xây dựng sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo có thêm cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật tốt nhất trước khi trình Quốc hội.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-hut-trong-dung-nhan-tai-can-chu-trong-ca-nguon-luc-trong-va-ngoai-nuoc-169707.html