Tổ hợp tác Trồng rau sạch xã Cam Thành Nam: Kết nối, hỗ trợ phụ nữ trồng rau an toàn

Mới được thành lập từ tháng 5-2023, nhưng Tổ hợp tác Trồng rau sạch xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh bước đầu đã kết nối, hỗ trợ hội viên phụ nữ trong việc sản xuất rau màu. Tuy nhiên, tổ hợp tác vẫn còn gặp khó khăn khi đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh.

Với thổ nhưỡng phù hợp trồng các loại rau màu, trên địa bàn xã Cam Thành Nam có nhiều hộ gia đình trồng rau để bán. Để chị em có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau màu và thuận lợi trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Tổ hợp tác Trồng rau sạch xã với 7 thành viên. Hàng tháng, các thành viên trong tổ hợp tác đều gặp gỡ để thông báo tình hình sản xuất, chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau; định hướng các hộ trồng rau gì để tránh trồng ồ ạt và khó tiêu thụ…

Cán bộ, hội viên phụ nữ Hội Phụ nữ xã Cam Thành Nam nắm bắt tình hình sản xuất của các thành viên tổ hợp tác.

Vườn rau nhà bà Dương Thị Ngọc Ánh (thôn Quảng Phúc) có diện tích hơn 7.000m2, trồng nhiều loại rau như: Rau muống, mồng tơi, cải, tần ô, rau dền… Bà Ánh cho biết, gia đình bà trồng rau đã 6 - 7 năm nay. Nhờ nắm được kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc, vườn rau của gia đình bà cho thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, bà tính đầu tư làm mái lưới che bớt nắng để rau dễ phát triển hơn.

Bà Trần Thị Thu Thủy (thôn Quảng Phúc) - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, trồng rau không dùng thuốc hóa học tuy hình thức không đẹp nhưng rau đạt chất lượng cao hơn, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên các thành viên trong tổ đều thực hiện. Lúc đầu, rau chỉ được tiêu thụ tại chợ ở xã, hiện nay, rau của các thành viên còn được bán tại các chợ ở các địa phương khác trên địa bàn TP. Cam Ranh như: Cam Nghĩa, Cam Thịnh Đông, Ba Ngòi và thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm).

Theo các thành viên, do mới thành lập chưa lâu nên việc hoạt động của tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn như: Đầu ra sản phẩm chưa ổn định, thiếu nước tưới khi trời nắng kéo dài, kỹ thuật canh tác chủ yếu là lên luống để trồng, chưa áp dụng được nhiều kỹ thuật mới… Bà Nguyễn Thị Liễu Trâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Thành Nam cho biết, tổ hợp tác đã giúp các hội viên phụ nữ kết nối, hỗ trợ nhau trong việc trồng rau sạch và phát triển mô hình, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau sạch để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay giá cả và đầu ra sản phẩm rau của tổ hợp tác còn bấp bênh; thành viên tham gia tổ vẫn chưa tăng lên vì thu nhập chưa đảm bảo… Vì vậy, để phát triển mô hình trong thời gian tới, hội sẽ phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho chị em; tìm phương án đầu ra cố định như cung cấp rau cho các siêu thị, cửa hàng. Đồng thời, nghiên cứu những chính sách đầu tư đúng mức giúp các hộ phát triển mô hình, xây dựng thương hiệu rau sạch... để nông dân yên tâm sản xuất.

Bà Võ Thị Bích Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam: Địa phương sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ cho các chị em vay vốn sản xuất, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật khi có chương trình. Hiện nay, sản lượng sản xuất của tổ hợp tác còn ít nên chỉ đủ cung ứng ở địa phương, chưa thể đáp ứng nhu cầu cho các cửa hàng, siêu thị. Vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ làm việc với hội để mở rộng mô hình, tăng thêm thành viên tham gia, tạo sự liên kết của các hộ trồng rau với nhau. Xã cũng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP để rau của địa phương đủ sức cạnh tranh với thị trường, phân phối được nhiều nơi hơn.

HÒA TRANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202405/to-hop-tac-trong-rau-sach-xa-cam-thanh-nam-ket-noi-ho-tro-phu-nutrong-rau-an-toan-7576544/