Thiết bị giúp phục hồi nhận thức đặc biệt ở TP.HCM

Di chứng để lại sau đột quỵ là điều kinh khủng hơn bất kỳ biến cố sức khỏe nào khác, khiến những người trưởng thành giờ đây phải lần mò học lại những sinh hoạt cơ bản nhất.

Đối mặt với biến cố đột quỵ, sa sút trí tuệ là điều không thể tránh khỏi. Căn bệnh khiến nhiều người quên dần những khoảnh khắc, ký ức đẹp trong cuộc đời. Để giúp người bệnh hồi phục được phần nào nhận thức, nhiều cách điều trị đã được áp dụng trong y khoa. Đây là phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ kết hợp phục hồi nhận thức cho người bệnh mới nhất tại Việt Nam.

Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ được thực hiện tại Trung tâm sinh lý thần kinh lâm sàng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng). Trong ảnh là người bệnh 78 tuổi, lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM để điều trị sa sút trí tuệ sau đột quỵ vì nhớ nhớ quên quên đã 4 năm nay.

Trước khi điều trị, bà được cố định đầu với máy kích thích từ trường phía trên. Tùy vào mỗi bài tập, kỹ thuật viên và bác sĩ sẽ điều chỉnh máy tới phần vỏ não tương ứng. Kỹ thuật mới này hiện được triển khai tại Bệnh viện Quân y 175. Mặc dù bước đầu đánh giá mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh, việc "phục hồi ký ức", lấy lại nhận thức như thuở ban đầu là hành trình gian nan, cần nhiều thời gian và sự kiên trì mới mang lại sự hồi phục rõ rệt.

Sau cơn đột quỵ, điều đáng sợ đối với một số người bệnh là chứng suy giảm nhận thức ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp. Họ cần phải được chuyên viên trị liệu đánh giá và tập luyện phục hồi. Anh N.V.T. gãi đầu, cố gắng mô tả bức ảnh từ chuyên viên ngôn ngữ trị liệu bằng những câu nói hoàn chỉnh. Người đàn ông 40 tuổi mất khả năng ngôn ngữ sau lần đột quỵ một năm trước.

Thử thách từ chuyên viên trong mỗi buổi trị liệu ngôn ngữ sẽ được nâng dần cấp độ. Chẳng hạn, từ một hình ảnh được cho, người bệnh phải luyện tập miêu tả đặc điểm cũng như hoạt động của nhân vật bằng các từ, câu hoàn chỉnh. Với bệnh nhân sau đột quỵ, việc nói và diễn đạt một cách bình thường cũng trở thành nỗ lực lớn lao.

Trường hợp chị Chea Vanna (người Campuchia) đặc biệt hơn khi gặp cả tình trạng suy giảm nhận thức lẫn rối loạn nuốt. Có thể nghe, hiểu những điều cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng người phụ nữ "quên" đi cách ăn, cách nuốt. Sonde dạ dày giờ đây chỉ là chiếc ống duy trì sự sống. Không bỏ cuộc, người phụ nữ được gia đình đưa đến nước láng giềng, cùng người thông dịch viên, để tập phục hồi di chứng sau đột quỵ.

Cảm giác lần đầu nuốt được chất lỏng ngọt thanh từ yến sào sau 3 tháng chỉ ăn uống bằng sonde dạ dày khiến cả bệnh nhân lẫn chuyên viên trị liệu xúc động. Mọi giao tiếp của chuyên viên và chị Vanna đều qua người thông dịch viên tiếng Campuchia, nhưng hy vọng và nỗ lực tập luyện là điều cả 2 cùng chung ý chí.

Sau đột quỵ, nhiều người bệnh may mắn vẫn có thể hoạt động, ăn uống, đi lại bình thường nhưng một số cơ quan, đặc biệt là bàn tay, lại mất đi chức năng vốn có, khiến họ không thể tự mình làm các hoạt động cơ bản hàng ngày. Bệnh nhân 30 tuổi trong ảnh đang gắng sức, tập cầm nắm những khối gỗ nhiều hình thù, màu sắc... để hồi phục dần chức năng của tay trái.

Ông P.B.T. (51 tuổi) nhiều lần vò đầu vì tình trạng nhớ nhớ quên quên khiến ông không thể thực hiện tốt bài kiểm tra nhận thức với bác sĩ. Người đàn ông bị đột quỵ năm 49 tuổi. Sau 2 năm, ông vẫn kiên trì tập phục hồi rối loạn ngôn ngữ và vận động để phòng nguy cơ tái đột quỵ.

Thoát "cửa tử" đột quỵ, những người bệnh bước vào giai đoạn sau với nhiều gian nan hơn: Đi tìm lại sự bình thường. Với họ, việc thực hiện những chức năng sinh hoạt hàng ngày như giao tiếp, ăn uống, tắm rửa, thay đồ, đi lại.... là niềm ao ước. Bên cạnh sự nỗ lực, các thiết bị máy móc hiện đại và kỹ thuật can thiệp mới chính là "liều thuốc đặc biệt" để hành trình này nhẹ nhàng hơn.

Khương Nguyễn - Châu Dương - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thiet-bi-giup-phuc-hoi-nhan-thuc-dac-biet-o-tphcm-post1466234.html