Tập trung quy hoạch, hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia

Thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sáng nay, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 2.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).

Thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và các quan điểm phân bổ vốn đầu tư công trung hạn.

Với những kết quả đạt được, các đại biểu đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật kỷ cương giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, đại biểu Lê Hữu Trí cũng chỉ rõ, công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư... Đại biểu cũng cho rằng, trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách... vẫn còn nhiều vướng mắc, trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đầu tư các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai Đề án trên, đồng thời đánh giá hiệu quả khi triển khai thực hiện trong nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, hướng đến đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho người dân.

Đánh giá cụ thể tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án

Một số đại biểu cũng nêu rõ, bên cạnh các chỉ tiêu về tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân ở giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 29/2021/QH15 còn đề cập đến chỉ tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Qua đó đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 một cách cụ thể và xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện chi tiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Đối với nguồn vốn đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Lệ chỉ rõ, các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu một số dự án quy mô lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, giúp tăng lưu thông dòng tiền.

Hiện nay, Chính phủ cũng như các địa phương đang cố gắng kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là với lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường bộ và đường sắt. Nhấn mạnh nếu thực hiện được điều này sẽ là động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị, ngoài hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, Chính phủ cần sớm tập trung quy hoạch, đề xuất với Quốc hội giải pháp hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn tới các tỉnh thành trong cả nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng quan tâm đến các dự án giao thông, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu rõ, Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025. Tuy nhiên ngay trong thời điểm này, đại biểu nhận thấy có một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác, cụ thể là 2 tuyến đường sắt Yên Viên – Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) – Kép - Cái Lân (Quảng Ninh) giao nhau tại ga Kép (Bắc Giang).

Theo đại biểu, đây là hai tuyến có khổ 1 mét 43 duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc cách đầu mối trung tâm vận tải của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh chưa đến 1.200 km. Đồng thời, ở phía Việt Nam tuyến được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn. Tuyến đường này có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hành khách.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tap-trung-quy-hoach-hoan-thien-he-thong-duong-sat-quoc-gia-i348452/