Tân Hồng - điểm sáng kinh tế vùng biên

Nhờ phát huy hiệu quả lợi thế, tiềm năng của cửa khẩu vùng biên, huyện biên giới Tân Hồng đang là điểm sáng về kinh tế biên mậu của tỉnh Đồng Tháp.

Giao thương tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng)

Kinh tế tiếp tục phát triển

Tân Hồng có diện tích tự nhiên 311 km2, đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 24,5 km, với Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và 2 cửa khẩu phụ là Bình Phú và Thông Bình.

Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đặc biệt, huyện Tân Hồng vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đồ án Quy hoạch vùng huyện Tân Hồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là điều kiện, cơ hội cho Tân Hồng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

Phát huy những kết quả đạt được, với quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần nâng cao thực chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Hồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, quản lý tốt đường biên, cột mốc…

Huyện Tân Hồng đang kêu gọi đầu tư các dự án: Khu dân cư kết hợp sản xuất kinh doanh; Khu chế biến thủy sản, nông sản, lương thực chất lượng cao; Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm sử dụng dây chuyền khép kín; Nhà máy Điện năng lượng mặt trời... Huyện bố trí diện tích đất quy mô lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của các dự án, theo hình thức giao hoặc cho thuê đất dài hạn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư dự án tại khu vực biên giới.

Những tháng đầu năm 2024, kinh tế huyện Tân Hồng có nhiều điểm sáng, nông nghiệp tiếp tục phát triển, người sản xuất đạt lợi nhuận khá. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cho phát triển đến nay đạt 27,53% (tăng 14,29% so với cùng kỳ năm 2023); tổng thu ngân sách 199.112 triệu đồng.

Tân Hồng hiện có 21 sản phẩm OCOP (20 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao) và 16 sản phẩm đang chờ thẩm định. Toàn huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện sẽ hoàn thành hồ sơ để được công nhận là huyện nông thôn mới.

Thời gian gần đây, Tân Hồng chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, gắn với khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế biên giới; từng bước nâng cao vai trò, chức năng khu trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, trung tâm thị trấn Sa Rài là cửa ngõ quan trọng của huyện. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề nghị đầu tư nâng cấp 2 cửa khẩu phụ, tạo thuận lợi cho kinh tế biên giới phát triển, kết nối cung ứng hàng hóa, nông sản giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và với các doanh nghiệp phía Campuchia; phát triển du lịch vùng biên giới, từng bước tạo dựng hình ảnh quê hương, con người Tân Hồng, Đồng Tháp với ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương, Tân Hồng chú trọng đổi mới công nghệ, mở rộng thu hút các ngành, nghề mới; khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ, nhất là các dịch vụ biên giới; tiếp tục hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm đặc sản của địa phương; thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ vận tải, kho chứa, viễn thông, công nghệ thông tin…

Hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng cho biết, để thu hút đầu tư có hiệu quả, Tân Hồng đã và đang rà soát thực trạng quy hoạch các cụm công nghiệp hiện hữu, gắn với Quy hoạch vùng huyện Tân Hồng, báo cáo đề xuất, kiến nghị tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là cụm công nghiệp Tân Phước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, khôi phục và phát triển cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp; phát triển du lịch, từng bước nâng tầm, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tân Hồng đến với nhà đầu tư và du khách.

Cùng với việc tận dụng cơ hội từ Đồ án Quy hoạch vùng huyện Tân Hồng vừa được phê duyệt, Tân Hồng đang khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh, như: hệ thống thoát lũ Đồng Tháp Mười, dự án khu kinh tế quốc phòng, khu kinh tế cửa khẩu, dự án đường tuần tra biên giới, chương trình kiên cố hóa trường, lớp…, góp phần sớm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Đồng thời, huyện đang xúc tiến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Cụ thể, đầu tư xây dựng thị trấn Sa Rài theo hướng đô thị loại IV; khu vực Giồng Găng và xã Tân Hộ Cơ theo hướng đô thị loại V. Đặc biệt, Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia đã có hiệu lực, phương tiện vận tải lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và cửa khẩu Bontia Chăk Crây (tỉnh Prêy Veng, Campuchia) thuận lợi, thúc đẩy hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn huyện Tân Hồng đi TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Tự Huy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tan-hong---diem-sang-kinh-te-vung-bien-d214046.html