Sửa nhiều quy định về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (Quy chuẩn 21).

Phù hợp thực tế, ứng dụng dễ dàng

Theo Bộ GTVT, Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21:2015/BGTVT) được ban hành theo Thông tư số 11/2016 có hiệu lực từ 28/11/2016. Quy chuẩn này đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2016, 2017, 2018.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (ảnh minh họa).

Sau thời gian áp dụng, đến nay, quy chuẩn này cần được rà soát lại để bổ sung sửa đổi, hợp nhất quy định nhằm tạo thuận tiện trong sử dụng, đồng thời, cập nhật đầy đủ các bổ sung, sửa đổi của các công ước quốc tế như Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 1974), Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển (Load Lines 66/88) và xem xét bổ sung phù hợp với quy phạm của các tổ chức phân cấp trên thế giới.

Ngoài ra, cũng cần được rà soát lại từ thực tế áp dụng để sửa đổi, bổ sung các quy định áp dụng cho tàu biển không hoạt động tuyến quốc tế theo hướng giảm bớt các quy định không cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển nội địa.

Đối với các chủ tàu, công ty thiết kế tàu, các nhà máy đóng tàu, các cơ sở chế tạo vật liệu, máy móc, thiết bị lắp đặt lên tàu biển, đây sẽ là các quy định tối thiểu về an toàn cần phải thực hiện để đảm bảo tàu được khai thác an toàn, được chấp nhận để ra vào cảng các nước trên thế giới, được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam.

Đối với các cơ quan quản lý, việc sửa đổi, bổ sung, hợp nhất quy chuẩn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc tra cứu, rõ ràng hơn trong áp dụng.

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng phù hợp với thực tế và công ước quốc tế (ảnh minh họa).

Bổ sung quy định kỹ thuật kiểm tra từ xa

Theo dự thảo thông tư, quy chuẩn mới đã bổ sung quy định về kỹ thuật kiểm tra từ xa đối với tàu biển vỏ thép.

Theo đó, để thực hiện các kiểm tra này, kế hoạch kiểm tra phải được trình cho đăng kiểm duyệt trước khi thực hiện; phải có các thông tin mà thông thường thu nhận được từ kiểm tra.

Thiết bị và quy trình để quan sát và báo cáo về nội dung kiểm tra sử dụng kỹ thuật kiểm tra từ xa phải được thảo luận và thống nhất với các bên liên quan trước khi kiểm tra và phải có thời gian thích hợp để có thể chuẩn bị, hiệu chuẩn và thử tất cả thiết bị từ trước.

Kết cấu được kiểm tra sử dụng kỹ thuật kiểm tra từ xa phải đủ sạch để phục vụ tốt cho việc kiểm tra và tầm nhìn phải đủ để đảm bảo quan sát tốt cho kiểm tra. Phương pháp chuyển hướng trên kết cấu phải được đăng kiểm chấp nhận.

Phương pháp thể hiện số liệu bao gồm thể hiện hình ảnh phải được đăng kiểm chấp nhận. Phải có giao tiếp hai chiều tốt giữa đăng kiểm viên và người thực hiện kỹ thuật kiểm tra từ xa.

"Nếu kỹ thuật kiểm tra từ xa phát hiện hư hỏng và khuyết tật cần phải được lưu ý, đăng kiểm viên có thể yêu cầu kiểm tra theo cách thông thường mà không sử dụng kỹ thuật kiểm tra từ xa", quy chuẩn nêu rõ.

Ngoài ra, quy chuẩn mới cũng bổ sung các quy định về áp dụng các thiết bị kéo thả neo và chằng buộc cho phù hợp đối với các tàu có đặc trưng lớn mà trước đây chưa có quy định cụ thể về dây buộc tàu và dây kéo tàu.

Đối với quy định về máy lái, hệ thống đẩy kiểu phụt nước, chân vịt mũi, quy chuẩn mới đã bổ sung yêu cầu kỹ thuật đối với một số thiết bị và hệ thống được sử dụng trên tàu nhằm phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đáng chú ý, quy định về bộ lọc sóng hài đã được bỏ trong khi đó đã bổ sung thêm định nghĩa khu vực hạ cánh của máy bay lên thẳng, khu vực thả tời và sửa đổi quy định mới về két dầu đốt trong khu vực hàng.

Về quy định khả năng cháy, quy chuẩn sửa đổi quy định: Các tàu hàng lỏng phải được trang bị ít nhất một dụng cụ đo xách tay để đo nồng độ hơi dễ cháy và ít nhất một dụng cụ xách tay để đo nồng độ ôxy, kèm theo một bộ đầy đủ phụ tùng dự trữ theo sửa đổi của Đăng kiểm Nhật Bản (NK) thay cho quy định phải trang bị hai dụng cụ đo xách tay để đo nồng độ hơi dễ cháy và hai dụng cụ xách tay để đo nồng độ ôxy, kèm theo phương tiện thích hợp để hiệu chuẩn các dụng cụ đo đó ở quy chuẩn hiện hành.

Quy chuẩn cũng sửa đổi nhiều quy định về tàu lặn chở khách, tàu kéo hộ tống, tàu dịch vụ ngoài khơi, tàu thả neo, tàu lắp đặt tuabin gió… để phù hợp với các quy định của Đăng kiểm NK, công ước quốc tế và phù hợp với thực tế hiện nay để tạo thuận lợi trong áp dụng thực tế cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Quy chuẩn mới đề xuất bổ sung quy định trong trường hợp quy chuẩn này không quy định chi tiết về các tiêu chuẩn kỹ thuật, phương pháp tính, kiểm tra thì chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu có thể đề nghị đăng kiểm áp dụng các quy định có liên quan trong các hướng dẫn, quy phạm của các tổ chức phân cấp thuộc Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) và các hướng dẫn, bộ luật của Tổ chức hàng hải Quốc tế IMO.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-nhieu-quy-dinh-ve-phan-cap-va-dong-tau-bien-vo-thep-192231011010622616.htm