Sẽ xử lý nhà thầu 'rùa bò' ở dự án nâng cấp QL19 qua Tây Nguyên

Bộ GTVT yêu cầu đối với gói thầu XL-04A, Ban QLDA 2 theo dõi, đánh giá từ nay đến ngày 10/8/2023 nếu không có chuyển biến tích cực, yêu cầu xử lý theo quy định của hợp đồng đã ký kết.

Thi công dự án nâng cấp QL19 qua Tây Nguyên

Chốt hạn hoàn thành từng gói thầu cụ thể

Bộ GTVT vừa ban hành kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra hiện trường, kiểm điểm tình hình thực hiện dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, Bộ GTVT ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong công tác tổ chức triển khai thi công từ đầu tháng 3/2023 đến nay, mặc dù điều kiện thời tiết mưa nhiều, nguồn vật liệu còn khó khăn, cục bộ còn vướng mắc về mặt bằng, nhưng toàn dự án đã thảm bê tông nhựa lớp C19 được 98/143,3km (đạt 68,4%), bê tông nhựa lớp C12,5 được 63/143,3km (đạt 44%), tiến độ thi công các gói thầu XL-01, XL-02, XL-04B, XL-06 đã cải thiện đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn một số nhà thầu, gói thầu chưa đáp ứng tiến độ (gói thầu XL-04A, XL-05).

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ chủ yếu do một số nhà thầu chưa tập trung đủ nguồn lực, máy móc thiết bị, năng lực tổ chức thi công còn hạn chế; công tác tổ chức điều hành, quản lý của Ban QLDA còn chưa kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo các quy định của hợp đồng.

Theo Bộ GTVT, việc sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và kết nối với nước bạn Campuchia.

Để đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 2 tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với hội đồng GPMB địa phương, tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB tại các gói thầu XL-01, XL-02.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp QL19) dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (126km) và Bình Định (17km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (khoảng hơn 3.600 tỷ đồng), đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Dự kiến, toàn dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Về công tác quản lý tiến độ, Bộ GTVT cơ bản thống nhất với các cam kết của nhà thầu về tiến độ dự kiến hoàn thành của từng gói thầu nêu tại cuộc họp, cụ thể: Cơ bản hoàn thành gói thầu XL-06 trước ngày 30/8/2023; các gói thầu XL-02, XL-03, XL-04B, XL-05, XL-07 trước ngày 30/9/2023; các gói thầu XL-01, XL-04A trước ngày 31/3/2024.

Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết phù hợp theo các mốc thời gian nêu trên, kèm theo nhu cầu nhân lực, vật tư, thiết bị, trình chủ đầu tư chấp thuận, ký cam kết với chủ đầu tư về tiến độ thực hiện.

"Đối với gói thầu XL-04A, Ban QLDA 2 theo dõi, đánh giá từ nay đến ngày 10/8/2023 nếu không có chuyển biến tích cực, yêu cầu xử lý theo quy định của hợp đồng đã ký kết", Bộ GTVT nêu rõ.

Đối với gói thầu XL-05, Bộ GTVT cho biết, mặc dù đã điều chuyển khối lượng, tuy nhiên vẫn tồn tại vướng mắc về công nợ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, Ban QLDA 2 yêu cầu nhà thầu chính (Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68) xử lý dứt điểm để triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp QL19) dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (126km) và Bình Định (17km).

Phải đặt chất lượng dự án lên hàng đầu

Về công tác quản lý chất lượng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ thể tham gia dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức, điều hành thi công, có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuy nhiên, "không được vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng công trình", phải đặt chất lượng lên hàng đầu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm việc tổ chức thi công theo đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, tuân thủ quy định của pháp luật, cương quyết loại bỏ, đưa ra khỏi phạm vi công trường đối với các vật liệu không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc các hạng mục công việc đã thi công nhưng không đảm bảo chất lượng công trình, chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật (nếu có); đặc biệt lưu ý Chủ đầu tư, TVGS phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu đầu vào, chất lượng hạng mục bê tông (mố, trụ cầu, rãnh bê tông cốt thép,…), bê tông nhựa, gia cố bảo vệ mái taluy,…

Đối với các đoạn tuyến mở rộng nền đường, thi công móng cấp phối đá dăm trên tuyến đường đang khai thác, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức thi công khoa học, gọn gàng, thảm bê tông nhựa ngay sau khi hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm đảm bảo yêu cầu. Trường hợp các phương tiện lưu thông làm bong, bật cục bộ lớp cấp phối đá dăm, tuyệt đối không bù phụ bằng cấp phối đá dăm.

Đối với những vị trí cục bộ xuất hiện hư hỏng bê tông nhựa, Bộ GTVT yêu cầu đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp xử lý triệt để, phương án xử lý phải được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận trước khi triển khai; Ban QLDA 2, tư vấn giám sát kiểm tra, rà soát toàn bộ các vị trí đã thảm bê tông nhựa C12,5, trường hợp không đáp ứng các yêu cầu về độ bằng phẳng, độ dốc ngang,... phải yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục.

Bộ GTVT yêu cầu tư vấn giám sát dự án thực hiện quản lý, giám sát chất lượng công trình thường xuyên, liên tục, xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh, không làm ảnh hưởng tiến độ thi công; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tiến độ thi công của các nhà thầu theo cam kết, đề xuất và tham mưu cho chủ đầu tư giải pháp đẩy nhanh tiến độ; thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Chỉ đạo về công tác tổ chức thi công, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA2 với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án tập trung chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chủ đầu tư, tuân thủ quy định pháp luật, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc quản lý tiến độ, chất lượng thi công, an toàn lao động, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch;

Đồng thời, Ban QLDA 2 phối hợp chặt chẽ với Vụ KH-ĐT, nhà tài trợ và các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục gia hạn Hiệp định vay, hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu cần) nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của toàn tuyến; Khẩn trương kiểm tra, rà soát, thực hiện các thủ tục về điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng của từng gói thầu,…

Đối với các nhà thầu thi công, Bộ GTVT nêu rõ: "Các nhà thầu thi công chịu hoàn toàn trách nhiệm về tiến độ, chất lượng theo đúng quy định của hợp đồng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường máy móc thiết bị, tập trung nguồn lực tài chính, lực lượng thi công, có giải pháp tổ chức thi công phù hợp bảo các mốc tiến độ hoàn thành như đã cam kết nêu trên".

Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban QLDA 2 khẩn trương rà soát, tham mưu Bộ GTVT xem xét, quyết định về điều chỉnh kế hoạch giao vốn; rà soát hoàn thiện các thủ tục về đầu tư theo quy định.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu, rà soát các quy định có liên quan, tổ chức thực hiện công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, sớm phát huy hiệu quả đầu tư.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/se-xu-ly-nha-thau-rua-bo-o-du-an-nang-cap-ql19-qua-tay-nguyen-183230807165355176.htm