Sắp triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

'Trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, việc tái khởi động giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai', Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin tại tọa đàm 'Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh' ngày 30/3.

Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đang ở mức rất thấp. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính đến ngày 20/3/2023 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 đạt 4,03%).

Trong khi đó, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm, kéo theo lãi suất huy động hạ nhiệt, thúc đẩy giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, các ngân hàng khẳng định nguồn vốn đang rất dồi dào.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Thế nhưng, doanh nghiệp lại không tiếp cận được vốn tín dụng. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc chia sẻ, hơn 30 năm làm việc trong ngành cơ khí, doanh nghiệp phát triển nhờ vốn vay ngân hàng, thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất, kích cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của TP.HCM.

Tuy nhiên, quá trình vận hành doanh nghiệp, nguồn vốn vay ngân hàng còn phải đổ vào nhiều đầu việc khác như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị… Trong khi đối với ngành sản xuất làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó. Đặc biệt, để kiếm ra được lợi nhuận để trả lãi 10% trở lên là điều không thể. Vì doanh nghiệp không làm ra sản phẩm bán lời tới 20-30%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp lực trong việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho rằng nếu lãi suất giảm xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay. Còn với tình hình lãi suất cao như hiện nay dù thiếu vốn thì doanh nghiệp cũng không dám vay. "Hiện nay, cầu giảm khiến hoạt động kinh doanh khựng lại, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự", ông Hòa chia sẻ.

Do đó, các ngân hàng cần có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn, cần có sự chia sẻ của ngân hàng, kéo giảm lãi suất. Đồng thời, ngân hàng phải “mềm hóa” việc thế chấp, định giá tài sản để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Phản hồi tới doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, giãn, hoãn nợ là điều mà nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ.

Chính sách này từng được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc cuối tháng 6/2022.

“Trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, việc tái khởi động giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ phải phụ thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Về lãi suất, ông Tú cho biết, chính sách lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phải góp phần đưa nền kinh tế phát triển, hài hòa với nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với nhiều lĩnh vực…

Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng NHNN Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào, không thiếu vốn. “Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của NHNN với việc giảm lãi suất chính là thông điệp gửi đến doanh nghiệp rằng chúng tôi đã và đang giảm lãi suất. Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các ngân hàng thương mại tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới dự kiến sẽ vận động các ngân hàng thương mại giảm tiếp, giảm nhiều hay ít còn tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/sap-trien-khai-gian-hoan-no-cho-doanh-nghiep-1091718.html