Phát triển xoài Hòa Lộc thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao

Trái xoài cát Hòa Lộc được trồng tại vùng đất này có hương vị thơm ngon rất đặc biệt mà không nơi nào có được và từ lâu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước.

Nông dân kiểm tra vườn xoài cát. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Hiện nay, Tiền Giang đã mở rộng diện tích xoài lên 3.660ha, tập trung tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành…; trong đó, riêng diện tích xoài cát Hòa Lộc chuyên canh đạt khoảng 260ha, tập trung tại huyện Cái Bè, cho sản lượng mỗi năm gần 3.000 tấn quả.

Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của miệt vườn Tiền Giang, có xuất xứ từ xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). Trái xoài cát Hòa Lộc được trồng tại vùng đất này có hương vị thơm ngon rất đặc biệt mà không nơi nào có được và từ lâu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước.

Trái xoài cát Hòa Lộc Tiền Giang đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chỉ dẫn Địa lý Xuất xứ Xoài cát Hòa Lộc theo Quyết định số 1737/QĐ-SHTT, ngày 03/09/2009. Khu vực chỉ dẫn địa lý sản phẩm xoài cát Hòa Lộc gồm địa bàn 13 xã của huyện Cái Bè là: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A.

Đồng thời, trong nỗ lực khuyếch trương thương hiệu trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh, nâng sức cạnh tranh của trái xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện xoài cát Hòa Lộc bao gồm nhiều nội dung như điều tra xã hội học, đánh giá hiệu quả kinh tế vườn xoài, đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng chuyên canh tại huyện Cái Bè… với sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan khoa học như: Trường Đại học Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang... Song song đó, gắn phát triển vùng chuyên canh với du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Đặng Văn Tung cho biết, địa phương còn triển khai đề tài khoa học “Chứng nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè” giai đoạn 2020 - 2023. Trong khuôn khổ đề tài, địa phương xây dựng vườn cây đầu dòng trên diện tích 9.000 m2 tại ấp Bình, xã Hòa Hưng nhằm đẩy mạnh duy trì vả phát triển cây xoài cát Hòa Lộc đặc sản Tiền Giang.

Khu vườn hiện có 200 cây xoài cát Hòa Lộc có tuổi trung bình từ 8 đến 10 năm tuổi. Ngành chức năng tiến hành đồng bộ các bước: lập sơ đồ vườn xoài đủ điều kiện chứng nhận vườn đầu dòng, xây dựng hệ thống tưới tiêu, qui trình canh tác theo khoa học, thâm canh theo hướng GAP...

Dự kiến, cuối năm nay, các ngành hữu quan sẽ khảo sát, công nhận 50 cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng trong khu vườn. Đây sẽ là nguồn cung cấp cây giống chất lượng phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích xoài cát Hòa Lộc đặc sản tại tỉnh Tiền Giang.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, hiện nay, ngành đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 -2025 và định hướng đến năm 2030.

Huyện Cái Bè cũng thành lập Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, có quy mô hơn 100 thành viên, diện tích canh tác gần 70 ha xoài cát Hòa Lộc chuyên canh, sản lượng xoài cho thu hoạch hàng năm gần 1.000 tấn quả cung ứng thị trường.

Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc Nguyễn Văn Thực cho biết, Hợp tác xã đã có gần 20 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP. Dự kiến trong năm 2023, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc sẽ mở rộng diện tích xoài VietGAP lên khoảng 50 ha.

Đồng thời, Hợp tác xã cũng đã được cấp mã số vùng trồng xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu với 36 hộ, diện tích trên 22 ha; tiếp tục lập hồ sơ chờ cấp mã số trên diện tích còn lại trong thời gian tới.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng GAP, giúp nông dân trồng xoài giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng trái, cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm có tiềm năng thương mại cao từ trái xoài cát Hòa Lộc.

Lô xoài đầu năm 2022 được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác trên quê hương giống xoài cát Hòa Lộc góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác xoài của nông dân địa phương, đưa khoa học công nghệ vào thâm canh, nâng chất lượng sản phẩm hàng hóa vừa giải quyết lao động và tăng thu nhập cho nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn tỉnh Tiền Giang, năng suất bình quân xoài cát Hòa Lộc đạt từ 10 đến 15 tấn quả/ha và lợi nhuận thu được mỗi năm trên 200 triệu đồng/ha. Đối với các vườn xử lý cho trái mùa nghịch thu lợi nhuận cao gấp 1,5 lần bình thường.

Nông dân Nguyễn Văn Khải canh tác khoảng 3.000 m2 xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Khánh cho biết, nhiều năm nay ông chú trọng thâm canh vườn quả theo khoa học, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tỉa cành tạo tán, xử lý cho trái sớm luôn bán được giá cao. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận ròng gần 200 triệu đồng.

Theo ông Khải, nông dân trồng xoài ngày nay phải đổi mới tư duy làm nông nghiệp, nhạy bén tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa trái xoài cát Hòa Lộc lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Theo đánh giá, đây là kênh quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại hiệu quả cho trái xoài cát Hòa Lộc, kích cầu tiêu dùng, góp phần hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa địa phương.

Hiện tại, xoài cát Hòa Lộc còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Riêng với thị trường Trung Quốc đã có gần 41 ha xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, trong đó có trên 22 ha xoài cát Hòa Lộc của 36 hộ nông dân, từ đó, mở ra tương lai phát triển bền vững cho vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc tại tỉnh Tiền Giang.

Năm 2023, huyện Cái Bè, quê hương trái xoài cát Hòa Lộc đang phấn đấu cho mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Thành quả đó có đóng góp quan trọng của vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc./.

Minh Trí (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-trien-xoai-hoa-loc-thanh-nganh-hang-co-gia-tri-gia-tang-cao/893878.vnp