Nhớ những năm tháng hào hùng

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

1. Hơn 90 năm tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng nhưng ông Lê Công Bỉnh (SN1930, trú tại TK32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn), người chiến sĩ Điện Biên năm ấy vẫn nhớ như in những khoảnh khắc của 70 năm về trước. Đón chúng tôi với bộ quân phục đầy những huân, huy chương hai bên ngực với nụ cười dễ gần, chất giọng ấm, ông Lê Công Bỉnh vừa bắt tay vừa mời chúng tôi vào nhà.

Bên ấm trà mạn của những ngày tháng 4 lịch sử, ông Lê Công Bỉnh kể: Ông là người gốc Thanh Hóa, tham gia dân quân du kích và hoạt động thanh niên tại xã từ năm 1946, đến tháng 12/1949, ông và các thanh niên ở xã đã xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Cục Quân nhu liên khu A4. Tháng 12/1952, được điều động về Đại đội 115 cối 120mm, Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351 tham gia chiến dịch Thượng Lào. Tháng 12/1953, Tiểu đoàn 83 được điều động về Đại đoàn 312, hành quân bộ mất 20 ngày khiêng pháo cối 120mm từ Tuyên Quang qua Yên Bái, Nghĩa Lộ, Bắc Yên để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Lê Công Bỉnh kể lại những câu chuyện trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.

Nhớ lại tháng ngày lịch sử của 70 năm về trước, ông Bỉnh nói: "Ngày đó chúng tôi hành quân luôn phải bảo đảm bí mật, cứ ba đêm hành quân thì nghỉ một đêm. Chúng tôi 12 người khiêng ba bộ phận của khẩu pháo 120mm, miệt mài băng rừng, vượt núi".

Có vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng đến tận bây giờ ông vẫn thấy gian khổ nhất là khu vực bến phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi (Sơn La) khi mà bom đạn quân địch giội xuống suốt ngày đêm. "Có hôm chuẩn bị cơm chiều thì máy bay ném bom không còn gì. Từ Yên Bái đến bến phà Âu Lâu qua đèo Lũng Lô, qua phà Tạ Khoa, đèo Chẹn đến ngã ba Cò Nòi là con đường huyết mạch, độc đạo. Do vậy chủ trương của ta quyết bảo vệ con đường này cho đến cùng" - ông Bỉnh tâm sự. "Ngày đó, bộ đội công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được giao nhiệm vụ bảo đảm lưu thông trên con đường này từng giây, từng phút đối mặt với nguy hiểm. Tại ngã ba Cò Nòi, để duy trì tần suất đánh phá liên tục 24/24 giờ trong ngày, thực dân Pháp đã sử dụng tất cả các phi trường lớn ở miền Bắc. Trên bầu trời ngã ba Cò Nòi không lúc nào vắng bóng những loại máy bay tối tân bậc nhất thời bấy giờ như: Hen-cát, B26, B29... Ngã ba Cò Nòi nhỏ hẹp, heo hút bỗng biến thành nơi không lực Pháp ném đủ loại bom...".

2. Giống như ông Bỉnh, cũng đều là lính Điện Biên, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể (quê làng Trung Đạo, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng là một trong những nhân chứng sống trong chiến dịch lừng lẫy Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Văn Bể nay trú tại bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu (Sơn La). Dù đã 95 tuổi nhưng khi nhớ về những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Bể như được tiếp thêm sức mạnh.

Khi được hỏi về những trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt ông Nguyễn Văn Bể nhìn xa xăm, nhớ lại: "Nhiều lắm, kể cả ngày cũng không hết được những tấm gương của bộ đội mình, những tấm gương chiến đấu không run sợ trước hỏa lực của địch, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc".

Trong đó có trận đánh đồi A1 luôn in đậm trong trí nhớ ông Nguyễn Văn Bể. Bởi khi đó, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc.

Đến 14h ngày 6/5/1954, pháo tại các trận địa của ta bắn đồng loạt trong một tiếng đồng hồ vào đồi A1. Sau đó, bắn vào sân bay khoảng 30 phút, tiếp đến bắn vào đồi pháo của địch ở Hồng Cúm gần một tiếng đồng hồ. Quân địch khi đó chống trả rất quyết liệt với hỏa lực mạnh, ta và địch giành nhau từng tấc đất.

"Sau buổi tối đánh đồi A1, diệt được ụ súng của địch với tên gọi là "ụ súng thằng người", chúng tôi rút về nơi đóng quân cách đồi A1 khoảng 700m, đến khoảng 5h sáng 7/5/1954 thấy rất nhiều quân địch đi ra ở khu vực đồi Độc Lập, Châu Ún, tôi mới gọi báo cáo cấp trên là địch đang ra phản công và xin chỉ thị… Tuy nhiên, sau đó cấp trên yêu cầu không được nổ súng vì thấy địch kéo cờ trắng ra hàng. Với khí thế tiến công không ngại hy sinh, các đơn vị của ta đã làm chủ đồi A1 và các khu vực khác, góp phần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng"- ông Bể hào hứng kể lại…

70 năm đã đi qua, đủ để thời gian lấy đi tuổi xuân, sức lực, nhưng các cựu chiến binh Điện Biên năm ấy vẫn không nguôi nhớ về những năm tháng oanh liệt, hào hùng và đầy những niềm tự hào. Nỗi nhớ về một thời hoa lửa đã đi qua, nhưng lại càng tiếp thêm cho họ nghị lực, ý chí vượt lên khó khăn, sống xứng đáng với truyền thống chiến sĩ Điện Biên năm ấy, tiếp sức cho nhiều thế hệ cháu con viết tiếp bản hùng ca của dân tộc Việt Nam.

Cao Thiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/nho-nhung-nam-thang-hao-hung-i729844/