Nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất khả thi tại Tọa đàm 'PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp'

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, nêu bật ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục mang tính khả thi cao, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác PCCC và CNCH.

Chiều 07/12, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM với sự đồng hành của Tập đoàn Hoa Sen tổ chức Chương trình tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp”. Buổi Tọa đàm diễn ra tại Hội trường Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (số 258 đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1).

Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM dự và chỉ đạo buổi tọa đàm. Tham dự tọa đàm có Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH; Đại tá PGS.TS Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy; Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kiểm tra Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam; Trung tá, TS Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng khoa QLHC Trường Đại học CSND; ông Nguyễn Minh Phúc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Tập đoàn Hoa Sen và Ban Tổng giám đốc; đại diện các sở ban ngành, Ban Quản lý một số khu chế xuất, khu công ngiệp tại TPHCM…; đại diện Công an các quận, huyện và một số phòng nghiệp vụ thuộc CATP, Trung tâm thiết bị PCCC 04-10...

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự tọa đàm

Về phía Ban tổ chức, có Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM, Trưởng Ban tổ chức; Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM; các đồng chí trong Đảng ủy - Ban Biên tập Chuyên đề CATP; Đảng ủy - Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH...

Đặc biệt, đến dự tọa đàm có gần 200 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý, điều hành các tòa cao ốc, chung cư, cung cấp thiết bị, thi công PCCC...

Các đồng chí lãnh đạo và khách mời trên bàn chủ tọa

Thời gian qua, tình hình cháy nổ có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, khiến dư luận lo lắng. Chính phủ, Bộ Công an, UBND TPHCM, Công an TPHCM, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH… đã có nhiều chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm; khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cho người dân, doanh nghiệp về công tác PCCC và CNCH; lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác này, quyết liệt kéo giảm, hạn chế thấp nhất cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Trong đó, đối với nhà cao tầng (chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…) và các nhà máy, xí nghiệp tại các KCN, khu chế xuất…, công tác PCCC và CNCH càng cần phải được quan tâm đặc biệt, vì là nơi tập trung đông người, có nhiều tài sản, hàng hóa, máy móc thiết bị, nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM cùng Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM tặng hoa cảm ơn các khách mời

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM về việc tăng cường thông tin tuyên truyền về PCCC và CNCH, nắm bắt những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác này; qua đó đề xuất, hiến kế các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, Ban Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức chương trình Tọa đàm “Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp”.

Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM phát biểu đề dẫn khai mạc tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, công tác PCCC&CNCH có vai trò, vị trí rất quan trọng, liên quan rất chặt chẽ đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của quốc gia. Theo quy luật, kinh tế - xã hội càng phát triển thì nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ càng cao, càng phức tạp và hậu quả rất khôn lường, khó đoán định. Bên cạnh đó, đất nước đang trong thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng hiện hữu, đã và đang làm gia tăng các nguy cơ về cháy nổ không chỉ với Việt Nam mà còn xảy ra ở các quốc gia khác trên thế giới.

Đối với nhà cao tầng (chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…) và các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…, công tác PCCC và CNCH càng cần phải quan tâm đặc biệt, vì là nơi tập trung đông người, có nhiều tài sản, hàng hóa, máy móc thiết bị, nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh,… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Đại biểu đặt câu hỏi tại chương trình

Vì vậy Ban Tổ chức mong muốn các vị đại biểu, khách mời với tâm huyết, trách nhiệm của mình, từ thực tiễn, tập trung thảo luận, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp mang tính khả thi cao, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác PCCC&CNCH đối với nhà cao tầng, chung cư, nhà xưởng phục vụ hoạt động công nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH phát biểu

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM phát biểu

Ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kiểm tra Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Phúc – Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Tập đoàn Hoa Sen tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị: Cục Cảnh sát PCCC - CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM; Đại học PCCC, Đại học CSND, Hiệp hội PCCC - CNCH Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen... đã trình bày tham luận về nhận diện nguy cơ, thực trạng cháy nổ nhà cao tầng, nhà xưởng công nghiệp hiện nay, các phương pháp, công nghệ mới, trang thiết bị, sản phẩm hiện đại phục vụ PCCC - CNCH... Đồng thời các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, nêu bật ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác PCCC và CNCH.

Các vị khách mời cũng đã cập nhật, phổ biến những quy định mới về PCCC - CNCH, về trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát và những điều cần lưu ý trong việc đảm bảo an toàn PCCC quá trình thi công dự án, công trình.

Cũng tại tọa đàm, rất nhiều câu hỏi được đại diện các doanh nghiệp, Ban quản lý chung cư, tòa nhà văn phòng nêu ra, về các bất cập, vướng mắc từ thực tiễn trong PCCC hiện nay, các quy định, tiêu chuẩn mới về công tác này,... Đã được các vị khách mời, đại diện các cơ quan chức năng giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, qua đó giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn các quy định về PCCC.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM phát biểu tham luận

Đại diện Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam phát biểu tham luận

Ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Công ty Hoa Sen Phú Mỹ (thuộc Tập đoàn Hoa Sen) trình bày tham luận

Phát biểu chỉ đạo, Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM biểu dương BTC đã chủ động tổ chức buổi tọa đàm hết sức ý nghĩa, là sự kiện truyền thông thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu biết sâu hơn về công tác PCCC - CNCH để thực hiện đúng, đầy đủ, góp phần xây dựng Thành phố văn minh, an toàn và hạnh phúc.

Thượng tá Nguyễn Đình Dương cho biết, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH, nhất là đối với nhà cao tầng, nhà xưởng công nghiệp… không thể thực hiện trong một sớm một chiều, không thể chỉ một mình lực lượng Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện được, mà phải có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan.

Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

“Trên tinh thần đó, CATP sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP chỉ đạo các sở ngành, đơn vị cùng hiệp đồng, thống nhất, thực hiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần giúp các cá nhân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển mà vẫn đảm bảo, phù hợp các điều kiện an toàn về PCCC - CNCH”, Thượng tá Nguyễn Đình Dương nhấn mạnh.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trên địa bàn TP, trên tinh thần đồng hành cùng chủ đầu tư, doanh nghiệp nhưng không hợp thức hóa sai phạm mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về PCCC, Thượng tá Nguyễn Đình Dương đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) nghiên cứu, xem xét các nội dung khó khăn để có cơ sở tham mưu các cấp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi trong thời gian tới nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ áp dụng thống nhất.

Phòng PC07 chủ trì phối hợp các đơn vị tham mưu CATP, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an có ý kiến chỉ đạo, định hướng, điều chỉnh biện pháp xử lý đối với các cơ sở, dự án, công trình còn tồn tại, vi phạm, không đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH như đối với trường học, bệnh viện, chung cư, trụ sở cơ quan chính quyền, chợ truyền thống đã cũ..., tồn tại hiện hữu nhiều năm; tiếp tục tham mưu ban hành quy định cụ thể và hướng dẫn về điều kiện và trang bị phương tiện PCCC cho nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất.

Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tham dự chương trình

Đồng chí Phó Giám đốc CATP cũng yêu cầu Phòng PC07, duy trì công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc khắc phục các tồn tại, vi phạm của cơ sở để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn phương án khắc phục phù hợp với từng điều kiện của cơ sở, tránh việc cơ sở có phương án khắc phục nhưng chậm trễ thực hiện hoặc thực hiện cầm chừng, đối phó hoặc thực hiện phương án khắc phục không đúng, không phù hợp với hướng dẫn và quy định của pháp luật.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen tham dự chương trình

Về phía các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, Ban quản lý các nhà cao tầng, KCN, KCX, các doanh nghiệp có liên quan, Thượng tá Nguyễn Đình Dương đề nghị các đơn vị chủ động liên hệ, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn đầy đủ nhất, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần sát cánh, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên triển khai và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; ban hành nội quy, quy định PCCC phù hợp với tính chất sử dụng của từng khu vực; có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về PCCC.

Thường xuyên tổ chức diễn tập, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống cháy, nổ cho cư dân, lực lượng bảo vệ; nên sử dụng các vật liệu chống cháy cho công trình, vận hành hệ thống kỹ thuật của tòa nhà hiệu quả, chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Đầu tư xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đảm bảo về số lượng, chất lượng, được trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện PCCC - CNCH…

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM, thay mặt Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP, đồng thời sẽ ghi nhận, tổng hợp toàn bộ các ý kiến phát biểu, đặc biệt là các đề xuất, hiến kế tại tọa đàm, gửi về các đơn vị có thẩm quyền để xem xét, có thể bổ sung, điều chỉnh các quy định, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC - CNCH phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mai Anh - Đức Nam

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ban-chuyen-de-cong-an-tphcm-to-chuc-thanh-cong-toa-dam-pccc-nha-cao-tang-khu-cong-nghiep_156257.html