Hải Phòng đổi mới và hiện đại hóa đô thị

'Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị' là nhiệm vụ được Hải Phòng đưa vào chủ đề công tác năm kể từ năm 2021 đến nay. Hạ tầng giao thông, không gian đô thị được đầu tư, mở rộng làm diện mạo Thành phố ngày càng hiện đại, văn minh.

Vài năm trở lại đây, nhiều khu vực, tuyến phố của Hải Phòng có sự thay đổi chóng mặt Ảnh: Quang Thanh

Thay đổi rõ nét từ hạ tầng giao thông

“Với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, Hải Phòng phát triển không chỉ cho địa phương mình, mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Những nỗ lực của Thành phố cũng là hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, việc nỗ lực phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông là điều kiện để Hải Phòng bứt tốc trong phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết.

Đến nay, những công trình ngàn tỷ như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Hoàng Văn Thụ, tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đường World Bank… đã trở thành biểu tượng mới cho sự phát triển của Thành phố. Bên cạnh đó, nhiều dự án về hạ tầng giao thông nội đô được đưa vào hoạt động như cầu Bính, cầu Võ Nguyên Giáp, cầu Đăng, cầu Hàn, cầu Hoàng Văn Thụ..., góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của Thành phố, giảm ùn tắc giao thông.

Năm 2021, cầu Quang Thanh kết nối huyện An Lão (Hải Phòng) và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) hoàn thành cùng lúc đã mở ra một liên kết vùng rộng lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong khu vực này.

Định hướng phát triển không gian đô thị mới rộng mở, đa chiều, đa trung tâm sẽ là tiền đề để Hải Phòng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay và trong tương lai.

- Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

Giai đoạn 2020 - 2025, Hải Phòng lên kế hoạch xây dựng 100 cây cầu với tổng mức đầu tư gần 38.000 tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều cây cầu đảm nhiệm vai trò kết nối vùng với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình.

Được khởi công từ tháng 5/2022, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, cầu Bến Rừng khi hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, thúc đẩy kinh tế giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Đây là cây cầu thứ ba kết nối địa bàn tỉnh Quảng Ninh với TP. Hải Phòng, sau cầu Đá Bạc và cầu Bạch Đằng.

Và trong năm nay, dự kiến cầu Nguyễn Trãi tiếp tục được khởi công sẽ là trục kết nối và tạo thuận lợi lớn về đi lại từ khu vực Trung tâm Hành chính - Chính trị cũ tại quận Hồng Bàng với Trung tâm Hành chính - Chính trị mới đang được xây dựng tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Nâng tầm đô thị

Vài năm trở lại đây, nhiều khu vực, tuyến phố của Hải Phòng có sự thay đổi chóng mặt. Những bến xe cũ được cải tạo, chỉnh trang đã trở thành các công viên như vườn hoa Tam Kỳ, Tố Hữu. Hải Phòng đã phá dỡ 25 chung cư cũ và xây dựng được 7 chung cư mới với tổng số 2.654 căn hộ. Thành phố cũng đang tiếp tục hoàn thiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ ngày càng xuống cấp, nguy hiểm.

Nhiều khu đô thị mới được hình thành như Khu đô thị Vinhomes Imperia, Marina của Tập đoàn Vingroup, các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, Trung tâm thương mại AeonMall; một số khách sạn 5 sao như Sheraton Hải Phòng, Mercure, Pullman... Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư, như mở rộng, xây dựng mới một số bệnh viện, trường học; cải tạo, mở rộng sông Tam Bạc, đã mang lại diện mạo mới cho Hải Phòng.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025 Hải Phòng sẽ mở rộng quận Hồng Bàng, thành lập quận An Dương và thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên. Đến năm 2030, hệ thống đô thị của Hải Phòng gồm: Khu vực nội thị (9 quận, trong đó có 7 quận hiện hữu và thành lập 2 quận mới gồm An Dương và Kiến Thụy; 1 đô thị loại III (thành phố Thủy Nguyên, bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên); 4 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V. Sau năm 2030, phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng trở thành thị xã, huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo…

Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh” gồm: trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh; đô thị sân bay Tiên Lãng. Đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Có thể thấy, việc chỉnh trang, quy hoạch đô thị bài bản đã tạo nên một TP. Hải Phòng ngày càng văn minh và hiện đại.

Quỳnh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-doi-moi-va-hien-dai-hoa-do-thi-d214767.html