Người phụ nữ hoàn lương: 'Nếu không có anh ấy, tôi không thể vượt qua quãng đường tăm tối đó'

Nhớ lại những năm tháng trong tù, chị chị Trần Huỳnh Kim Cẩm (ngụ tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) không khỏi rơi nước mắt. Trong suốt câu chuyện của mình, chị luôn nhắc đến gia đình, đặc biệt là người chồng đã dành nhiều yêu thương, thay vợ chăm sóc 3 đứa con, động viên vợ cải tạo tốt để sớm trở về.

Để các con không quên mặt mẹ

Ngày còn trẻ, Kim Cẩm là một cô gái chân chất và khá nhanh nhẹn. Đang là cô giáo dạy mẫu giáo trong xã, Cẩm được điều động sang làm thủ quỹ tại UBND xã. Do những sai sót trong nghiệp vụ thu-chi, Cẩm làm thất thoát 206 triệu đồng và bị kết án 15 năm tù. Lúc nghe Tòa tuyên án, Cẩm đã khóc ngất đi.

Lúc đó, nghĩ đến 3 đứa con "trứng gà, trứng vịt", người làm mẹ như Cẩm quặn thắt vì thương con. Quãng thời gian ở phòng biệt giam, Cẩm chỉ biết khóc và không thiết ăn uống. Cứ nghĩ đến 3 đứa con ở nhà, người làm mẹ như Cẩm không khỏi lo lắng cho các con.

Những ngày chấp hành án, tháng nào, Cẩm cũng có người thân đến thăm. "Không ít tù nhân suốt những năm chấp hành án không có người thân đến thăm, họ tủi thân vô cùng. Cũng có người được người thân đến thăm nhưng càng về sau, số lần đến thăm càng thưa dần.

Thậm chí có nữ phạm nhân nhận được đơn ly hôn trong thời gian cải tạo. Còn tôi, tháng nào chồng tôi cũng đưa các con vượt gần trăm cây số đến thăm mẹ để các con, đặc biệt là con gái 3 tuổi không quên mặt mẹ", chị Cẩm trải lòng.

Suốt những năm Cẩm chấp hành án, người thân, đặc biệt là bố mẹ chồng và chồng Cẩm đã chạy vay khắp nơi để có 206 triệu đồng khắc phục số tiền chị đã làm thất thoát.

Chị Cẩm tâm sự: "Tôi biết ơn những người thân của mình rất nhiều. Số tiền hơn 200 triệu đồng ở thời điểm chục năm trước là rất lớn. Gia đình tôi, gia đình bố mẹ chồng tôi đều không khá giả. Thế nhưng, không ai bỏ rơi tôi. Bố mẹ chồng tôi gom góp, vay mượn để lo cho tôi.

Chồng tôi làm đủ nghề như lái xe thuê, chở củi, đốt gạch, nấu cỗ thuê… để kiếm tiền vừa nuôi 3 đứa con vừa lo tiền nộp khắc phục hậu quả cho tôi. Vất vả nhưng anh không bao giờ kêu ca hay đổ lỗi cho vợ. Lần nào đưa con vào thăm tôi, anh cũng động viên, nói những lời tích cực.

Trong suốt câu chuyện của mình, chị Cẩm luôn nhắc đến gia đình, đặc biệt là người chồng đã dành nhiều yêu thương, thay vợ chăm sóc 3 đứa con, động viên vợ cải tạo tốt để sớm trở về.

Nhận được tình cảm của chồng con, của gia đình nội, ngoại, những người đã ở bên tôi lúc tôi khó khăn nhất, đó là nguồn động lực rất lớn để tôi không gục ngã. Những người thân đã tiếp sức mạnh để tôi có niềm tin vào cuộc sống, cải tạo tốt nên tôi được giảm án. Sau 8 năm chấp hành án, tôi đã được ra tù".

Biến yêu thương thành sức mạnh

Năm 2021, mãn hạn tù, chị Cẩm trở về nhà đúng thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng. "Tôi được xe công an đưa về xã. Một số bà con ra đón, ôm chầm lấy tôi. Mọi người đều thương cảm cho hoàn cảnh của tôi. Điều khiến tôi được an ủi là mọi người không kỳ thị mình", chị Cẩm nhớ lại.

Được trở về nhà, được sống bên cạnh chồng con, người thân, có hàng xóm láng giềng sẻ chia, chị Cẩm luôn tự nhủ, chỉ cần được ở bên những người thân yêu thì cuộc sống dù có vất vả, khó khăn thế nào cũng vượt qua được. "Ban đầu, tôi xác định đi nấu cỗ thuê cùng chồng.

Thế nhưng, nếu chỉ làm việc đó thì số tiền kiếm được không đủ nuôi các con ăn học. Con gái lớn của tôi học đại học ở TPHCM cũng khá tốn kém, chưa kể phải trả nợ khoản tiền khắc phục hậu quả cho tôi. Tôi và chồng quyết định cho thuê rạp và nhận nấu cỗ cưới.

Để khởi nghiệp, chúng tôi phải đầu tư sắm bàn ghế, bát đĩa, rạp… cho 40 bàn. Thời điểm năm 2022, tôi may mắn được Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi vay thêm họ hàng, bạn bè để khởi nghiệp.

Dù còn nặng gánh nợ nần nhưng vợ chồng tôi đã thấy hướng đi cho cuộc đời mình. Chúng tôi luôn động viên nhau phải cố gắng, nỗ lực hơn những người khác rất nhiều. Chúng tôi không ngại vất vả, mệt nhọc. Dậy từ 1-2 giờ sáng, làm quần quật, mướt mải mồ hôi suốt cả ngày, chúng tôi vẫn thấy hạnh phúc.

Giờ đây, sau 2 năm khởi nghiệp, chúng tôi đã phục vụ được 80-90 bàn. Làm được đồng nào, chúng tôi lại đầu tư phát triển kinh doanh. Hiện nay, dù còn nợ hơn 300 triệu đồng nhưng chúng tôi không ngừng hy vọng vào tương lai", chị Cẩm chia sẻ.

Chỉ vào ngôi nhà đang chồng chất bàn ghế, xoong nồi, chị Cẩm cho biết, đây là nhà vợ chồng chị thuê vừa để kinh doanh vừa để ở. Hiện tại, gia đình chị chưa có nhà riêng. Cứ đến bữa ăn, các con ra ngôi nhà thuê này để ăn cơm cùng bố mẹ, đến tối các cháu lại về nhà ông bà ngủ.

"Anh nhà tôi thường nói: Em ơi, chắc chục năm nữa vợ chồng mình sẽ sướng. Lúc đó, các con đã học xong đại học. Chúng tôi luôn nghĩ đến lúc các con khôn lớn, trưởng thành để lấy đó làm động lực phấn đấu".

Nhớ lại những ngày ở tù, chị Cẩm cho biết: "Ở trong đấy, chúng tôi thèm được biết tin tức bên ngoài. Thế nên, những ngày trại giam được phát Báo Phụ nữ Việt Nam số mới, chúng tôi tranh nhau đọc.

Qua Báo Phụ nữ Việt Nam, tôi muốn nhắn gửi đến những người bạn vẫn đang chấp hành án tù, đó là khi được trở về nhà, chị em hãy cố gắng, vượt lên chính mình. Dù thế nào, chị em cũng phải tự tin, sống cho bản thân và cho những người thân của mình. Chăm chỉ, nỗ lực làm lại từ đầu, chị em sẽ có một cuộc sống tốt đẹp".

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-hoan-luong-neu-khong-co-anh-ay-toi-khong-the-vuot-qua-quang-duong-tam-toi-do-2024050914022251.htm