Tai bị ngứa nhưng không đau là bệnh gì?

Nếu bạn cảm thấy mình thường xuyên phải lấy ngón út hay tăm bông để ngoáy tai, hãy thận trong bởi đây có thể là triệu chứng ngứa tai cảnh báo một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt nếu ngứa tai kèm theo chảy dịch hoặc đau đớn.

Tai là một bộ phận rất nhạy cảm và có thể bị ngứa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi một người bị ngứa tai chỉ vì tai họ nhạy cảm hơn so với người khác.

1. Các triệu chứng khi bị ngứa tai

Một người có thể bị ngứa tai kèm theo các triệu chứng như ngứa họng, phát ban, đỏ da vùng tai, bị ù tai hoặc cảm thấy tai bị bít lại.

Trong trường hợp nguyên nhân là do nhiễm trùng, ngứa tai sẽ kèm theo sốt, sưng tấy tai, đau ở tai, tai chảy dịch (hoặc mủ có mùi hôi).

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa tai (Ảnh: Internet)

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa tai (Ảnh: Internet)

2. Tai bị ngứa là bệnh gì?

Dù bất kể nguyên nhân gây ngứa tai là gì thì bạn cũng không nên cố gắng nhét một thứ gì đó vào tai và ấn hay ngoáy liên tục bởi điều này có thể khiến tai bị tổn thương, đặc biệt nếu tổn thương là do nhiễm trùng hoặc dị vật.

Dưới đây là những nguyên nhân khiến tai bị ngứa bao gồm cả tai bị ngứa có gây đau và không đau mà bạn có thể tham khảo.

- Ráy tai

Khi ráy tai tích tụ quá nhiều có thể khiến tai bị ngứa. Dù hầu hết tai của mọi người đều có khả năng tự làm sạch nhưng với những trường hợp có xu hướng sản xuất ráy tai nhiều hơn bình thường hoặc không thể tự đẩy ráy tai ra ngoài tai thì có thể bị ngứa tai thường xuyên khi ráy tai không được làm sạch đúng cách.

Các triệu chứng khác của việc ráy tai tích tụ quá nhiều có thể kể đến như đau tai, cảm giác như tai bị bít lại, mất thính lực tạm thời, ù tai, ho, dịch tiết có mùi chảy ra từ tai.

Việc lấy ráy tai nên được thực hiện bằng cách dụng cụ chuyên dụng hoặc tại các cơ sở tai - mũi - họng. Theo Health, có đến 2 - 5% người dùng tăm bông để lấy ráy tai không đúng cách khiến tai bị chấn thương, bao gồm bầm tím và chảy máu ống tai ngoài.

- Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài hay còn gọi là bệnh tai ở người bơi lội. Bệnh phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn theo 3 mức độ viêm khác nhau:

+ Mức độ nhẹ: Viêm tai ngoài ở mức độ nhẹ hay còn gọi là viêm tai ngoài sớm với các triệu chứng ban đầu như ngứa trong ống tai; quan sát thấy ống tai hơi đỏ và kéo nhẹ vành tai sẽ thấy đau. Ở một vài trường hợp, trong tai có thể có một ít dịch.

Bệnh viêm tai ngoài phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn (Ảnh: Internet)

Bệnh viêm tai ngoài phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn (Ảnh: Internet)

+ Mức độ trung bình:Lúc này mức độ ngứa sẽ tăng lên, ống tai có cảm giác nóng đỏ, đau nhiều hơn. Một số bệnh nhân phàn nàn rằng họ cảm thấy ống tai như bị "tắc nghẽn" và khả năng nghe bị suy giảm.

+ Mức độ nặng: Bị viêm tai ngoài mức độ nặng có thể dẫn tới các đơn đau kéo từ tai đến cổ, mặt và hai bên đầu. Quan sát thấy ống tai bị sưng nề và gần như bị tắc nghẽn hoàn toàn. Người bệnh có thể bị sốt và lên hạch ở cổ.

Tình trạng này cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhỏ tai. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm tai ngoài là luôn giữ cho tai khô ráo. Khi tắm hoặc bơi lội, đặc biệt ở các khu vực bể bơi công cộng, nên sử dụng nút bịt tai và lau khô tai sau khi bơi xong.

- Các vấn đề về da

Các vấn đề về da có thể ảnh hưởng đến ống tai của bạn và gây ra các triệu chứng như khô, chàm, bệnh vẩy nến hoặc viêm da tiết bã.

+ Dị ứng da: Vùng da bên trong tai có thể bị ngứa do phản ứng dị ứng do các sản phẩm xịt tóc hay dầu gội. Các sản phẩm có chứa niken như khuyên tai; nhựa, cao su, kim loại như tai nghe, máy trợ thính cũng có thể gây phát ban da gọi là viêm da tiếp xúc.

+ Bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến: Hai bệnh này có thể khiến ống tai người bệnh bị ngứa nghiêm trọng và rất khó chịu do da bong tróc.

- Nhiễm nấm

Nhiễm nấm như Aspergillus, Candida có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ngứa tai, cụ thể là ngứa ống tai ngoài. Nguy cơ nhiễm nấm tai cao hơn với người sống ở môi trường nóng ẩm (kể cả các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới); vệ sinh kém sạch sẽ; đang mắc một tình trạng ảnh hưởng tới hệ miễn dịch chẳng hạn như bệnh tiểu đường; lạm dụng thuốc nhỏ tai kháng sinh.

Không nên sử dụng tăm bông để ngoáy vệ sinh sâu trong tai (Ảnh: Internet)

Không nên sử dụng tăm bông để ngoáy vệ sinh sâu trong tai (Ảnh: Internet)

- Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra khi một người tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi hoặc lông động vật. Viêm mũi dị ứng có thể khiến bạn bị ngứa tai do nghẹt mũi, chảy nước mắt, sổ mũi, đau nhức đầu, hắt hơi nhiều lần,...

3. Khi nào ngứa tai cần thăm khám bác sĩ?

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ngứa tai là gì mà các biện pháp điều trị cũng có sự khác biệt.

- Sử dụng vài giọt dầu ô liu hoặc dầu em bé để giảm ngứa do da tai khô.

- Đảm bảo máy trợ thính vừa vặn với tai, vì máy trợ thính không vừa có thể gây kích ứng.

- Làm sạch tai bên ngoài bằng vải mà không cần đưa bất cứ thứ gì vào lỗ tai.

- Nếu tắc nghẽn do ráy tai, vài giọt dầu em bé hoặc thuốc nhỏ tai không kê đơn có thể giúp làm lỏng ráy tai.

- Nếu không hiệu quả, có thể cần đến bác sĩ để rửa tai bằng dung dịch nước muối hoặc dùng bộ dụng cụ vệ sinh tai chuyên dụng tại nhà.

- Nếu ngứa tai do điều kiện da liễu như bệnh vẩy nến, có thể cần sử dụng thuốc mỡ tại chỗ.

- Với ngứa tai do nhiễm trùng, thuốc kháng sinh nhỏ tai hoặc uống là cần thiết để loại bỏ vi khuẩn.

- Đối với tai ngứa do viêm mũi dị ứng, có thể cần dùng thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamine để quản lý tình trạng này.

- Nếu dị ứng thức ăn là nguyên nhân gây ngứa tai, người bệnh có thể theo dõi chế độ ăn và triệu chứng để xác định thức ăn nào gây ra triệu chứng.

Nếu các biện pháp tại nhà không mang lại kết quả hoặc nếu có triệu chứng nặng hơn như đau tai hoặc mất thính lực bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và can thiệp phù hợp.

Nguồn: WebMD, Healthline

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tai-bi-ngua-nhung-khong-dau-la-benh-gi-20240520164909092.htm