Nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS - Bài cuối

PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

* Điểu Điều Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

Nhận diện giá trị văn hóa truyền thống

Theo Từ điển Văn hóa, Tín ngưỡng, Phong tục (2009): "Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác” (tr.1017). Tuy nhiên, truyền thống của mỗi dân tộc luôn có những mặt tốt đẹp và lạc hậu. Truyền thống tốt đẹp, có giá trị là những nét đẹp trong văn hóa tộc người, phù hợp với chuẩn mực xã hội, có tác động thúc đẩy xã hội phát triển. Truyền thống xấu là những gì lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tộc người.

Một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nêu rằng: “Sự phát triển của văn hóa cũng giống như dòng nước chảy, có đỉnh sóng và hõm sóng, có đỉnh thịnh và có đỉnh suy. Nhưng văn hóa truyền thống không đơn thuần là dòng nước chảy, mà còn có hàm ý phức tạp hơn. Văn hóa truyền thống là một loại lịch sử, văn hóa truyền thống là phương thức và trình độ của con người đạt được trong lịch sử về lực lượng vật chất và tinh thần” (Trần Chí Lương 1999, tr.14-17). Tác giả Phan Hữu Dật và các tác giả (1998) cho rằng, có 2 khuynh hướng tiếp cận về văn hóa truyền thống: “Một là phủ nhận quá khứ, phủ nhận mọi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; hai là đề cao, tuyệt đối hóa mọi truyền thống văn hóa dân tộc, xoay lưng, cự tuyệt với hiện đại. Cả hai khuynh hướng nêu trên đều cực đoan và không mang lại kết quả trong sự phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đi theo con đường kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại” (tr.75). Vì vậy, khi xem xét giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người trong sự phát triển của xã hội phải xem xét trong sự vận động, bởi vì nó có cả những giá trị tốt đẹp và lạc hậu.

Những ché cổ quý hiếm (kết quả lao động cần cù) của già làng Điểu Đố tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng

Những ché cổ quý hiếm (kết quả lao động cần cù) của già làng Điểu Đố tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng

Hiểu văn hóa, lịch sử các DTTS

Mỗi tộc người đều có quá trình, lịch sử phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong một không gian văn hóa nhất định; điều kiện tự nhiên khác nhau nên nhận thức, văn hóa mưu sinh và tổ chức xã hội truyền thống của các tộc người khác nhau. Vì vậy, người làm công tác tuyên truyền phải hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) một cách đầy đủ. Trong đó, yếu tố môi trường tự nhiên (không gian văn hóa), văn hóa mưu sinh (phương thức sản xuất truyền thống) và yếu tố xã hội (lịch sử tộc người) là rất quan trọng. Nghiên cứu sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước, các nhà nghiên cứu cho rằng: "Văn hóa luôn gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử" (Phan Hữu Dật và các tác giả 1998, tr.87). Đây là nhiệm vụ mà người làm công tác tuyên truyền cần phải hiểu, là một trong những tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nêu rõ: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mỗi tộc người có văn hóa truyền thống khác nhau, tính cần cù lao động là giá trị văn hóa truyền thống của tộc người. Trong văn hóa truyền thống của người Việt (Kinh), một đêm gồm 5 canh, canh 1 bắt đầu từ 7 giờ tối và canh 5 kết thúc lúc 5 giờ sáng hôm sau, nhưng người lao động đã không sử dụng hết 5 canh ấy để ngủ: “Năm canh thì ngủ lấy ba, hai canh lo lắng việc nhà làm ăn” (Nguyễn Nghĩa Dân 2001, tr.135). Hoặc “Canh tư chưa nằm canh năm đã dậy” (tr.98); hoặc “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt; Đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng” (tr.115); “Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo ngon một hạt, đắng cay muôn phần” (tr.235). Trong bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, chúng ta thấy rõ hơn tinh thần cần cù lao động của cư dân đồng bằng Bắc Bộ giữa mùa hè oi bức “Giọt mồ hôi sa/Giữa trưa tháng sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy”.

Trong xã hội truyền thống, người S’tiêng quan niệm: lười biếng, không lao động, nhất là người vừa lười (jrot) vừa dốt (pơl) là thói hư, tật xấu, những người thường dễ bị mắc nợ, đi làm nô lệ (dic) cho gia đình khác. Để dạy bảo con trai, người S’tiêng có câu: “Pi sau ting jâng yau, kon klau tinh jâng bơp", nghĩa là con chó thì phải theo chủ (để biết săn mồi), con trai thì phải theo chân cha (để học tập được kinh nghiệm làm rẫy, săn bắt… của người cha). Hoặc để dạy bảo con cái, người S’tiêng có câu: “Kon ur iêr ndau, kon klau bơl ring krac”, nghĩa là con gái phải dậy sớm từ khi gà gáy giữa canh 5 (khoảng 4 giờ sáng) để giã gạo, nấu cơm; con trai thì phải dậy sớm khi tiếng chim chèo bẻo kêu (đầu canh 5) để đi canh bẫy thú (kâp bon). Hay để dạy cộng đồng muốn có của cải thì phải làm, người S’tiêng có câu: “Unh a bôk quak, dak a pang jâng” (nghĩa đen: lửa trong nách, nước dưới bàn chân; nghĩa bóng: muốn có lửa thì phải tạo ra lửa, muốn có nước thì chân phải bước). Trong văn hóa mưu sinh, người S'tiêng thường dùng lồ ô khô chẻ làm đôi, sau đó khoét một lỗ và dùng một sợi dây lồ ô khô kéo để tạo ra lửa. Quá trình kéo lửa, nách của người kéo lắc qua lắc lại nên gọi là lửa ở nách. Còn “dak a pang jâng” (nước dưới bàn chân) nghĩa là muốn có nước thì chân phải bước đi. Vì trong sinh hoạt truyền thống, người S’tiêng không có giếng đào sát gần nhà, họ thường đi lấy nước ở sông, suối, nước mạch để sinh hoạt.

Để phê phán những người lười biếng, không muốn làm việc, người S’tiêng có câu: “Hăn a bri n’hông kla” (đi rừng sợ cọp); “Hăn a ya (bri) n’hông cak-chak” (đi rừng sợ ma); “Hăn a dak n’hông kơrbơ” (xuống nước sợ cá sấu). Hoặc phê phán những người lười biếng, trời đã sáng nhưng vẫn ngủ: “bic ang khang ôi”; hoặc trời đã sáng nhưng vẫn ngủ co ro, hai tay thò vào trong đùi: “bic đuk suk blu”; hay mặt trời đã lên nhưng vẫn sưởi ấm, ngủ gật bên bếp lửa: “bic rôi kôi năk. Tác giả Mạc Đường (1985) đã nhận xét rất sâu sắc về xã hội truyền thống của người S’tiêng: "Ở người S’tiêng, những người chồng vô trách nhiệm với vợ con, theo luật tục sẽ bị trừng phạt nặng, kể cả việc đuổi ra khỏi cộng đồng làng và người vợ có thể tái giá với người khác" (tr.31).

Luật tục của một số DTTS ở Tây Nguyên quy định rất cụ thể đối với những người lười lao động. Nói về “Tội lười biếng không chịu làm rẫy”, luật tục người M'nông viết: "Bu jă jik gũ nde tơm tâng: đang làm cỏ đến núp bụi tre”; “Bu jă jâng gu
de tơm pông: đi đánh nhau ẩn núp cánh cửa”; “Bu jă sông ja sa n'tap blap: mời đi ăn đi nhanh như chớp”; “Bu ja ngêt jă yô ntok gơk: mời uống rượu nó lại đến trước" (Ngô Đức Thịnh 1998, tr.259). Luật tục khuyên: “Mir lô ba rho ding geh: muốn có rẫy phải chịu khó làm”; “Proh lô kraih jan na ding geh: muốn ăn thịt sóc thì phải làm ná”; “Kit lô ka khăt yu ding geh: muốn ăn cá thì phải đan rớ”; “Su lô đe lôk dung ding geh: muốn ăn chuột thì làm bẫy ống” (tr.474-477). Khi nói về kẻ lười biếng, không lo nuôi vợ con, không làm chòi, làm rẫy, chỉ nghĩ đến chuyện lang thang, lêu lổng, luật tục Êđê đã chỉ ra rằng: "Chòi hắn không thăm, rẫy hắn không làm, không có công việc nào được hắn nghĩ đến. Canh hắn ăn ở nhà này, cơm hắn ăn ở nhà khác, hắn đến nhà ai là hắn ngủ đêm lại ở nhà đó. Hắn ăn ở đâu là hắn ngủ ở đó, uống ở đâu là nằm lăn ra ở đó, hắn đi đâu là ở đó cả tháng, cả năm" (Ngô Đức Thịnh 2001, tr.272). Đây là các giá trị văn hóa cần được tuyên truyền để đồng bào dân tộc hiểu.

Như vậy, truyền thống lao động cần cù, phê phán thói lười biếng có từ lâu đời trong văn hóa các tộc người. Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền cho đồng bào DTTS, trước hết người làm công tác tuyên truyền phải nắm vững các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận và hiểu giá trị, ý nghĩa chính sách có hệ thống. Thứ hai là phải hiểu văn hóa, lịch sử của đồng bào để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vận động đồng bào loại bỏ tập tục lạc hậu. Thứ ba là phải có tâm huyết với công tác dân tộc, kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Thứ tư là tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa để phát triển văn hóa tộc người. Giao lưu văn hóa là tiền đề để tiếp biến văn hóa, là sự tiếp thu, biến đổi các yếu tố văn hóa ngoại tộc, sau đó biến đổi các yếu tố văn hóa truyền thống cả về lượng và chất để thích nghi trong xu hướng phát triển. Có 4 trường hợp chấp nhận hoặc từ chối các nền văn hóa chiếm ưu thế: một là sự đồng hóa xảy ra khi các cá nhân chấp nhận các chuẩn mực văn hóa của nền văn hóa chiếm ưu thế; hai là sự chia tách xảy ra khi các cá nhân từ chối nền văn hóa chiếm ưu thế, chỉ muốn bảo tồn văn hóa gốc của mình; ba là sự hòa nhập xảy ra khi các cá nhân chấp nhận các chuẩn mực văn hóa của nền văn hóa chiếm ưu thế nhưng vẫn duy trì văn hóa gốc của mình; bốn là sự cô lập xảy ra khi các cá nhân từ chối nền văn hóa gốc của họ và cả nền văn hóa chiếm ưu thế.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/0/134637/nang-cao-hieu-qua-tuyen-truyen-trong-vung-dong-bao-dtts-bai-cuoi