'Mẹo' để không sai lầm trong việc chọn ngành học

Làm sao để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh.

Nhiều sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các thí sinh có rất đa dạng sự lựa chọn về trường học, ngành học.

Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh lại có phần khó khăn hơn. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, các em băn khoăn làm thế nào chọn được những nguyện vọng phù hợp nhất với sở trường của mình, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và có cơ hội việc làm ở tương lai.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho học sinh, phụ huynh bị rối; thậm chí hiểu lệch, hiểu không đúng về ngành, nghề nào đó. "Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Ngoài ra, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin.

Lời khuyên cho các sĩ tử

Dành lời khuyên cho thí sinh chuẩn bị bước vào chặng đua tuyển sinh đại học năm 2024, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra một số sai lầm của thí sinh trong việc chọn ngành hiện nay.

Học sinh nghe các chuyên gia tư vấn chọn ngành, chọn nghề.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, một số sai lầm phổ biến của các bạn học sinh khi chọn ngành hiện nay là chọn ngành nghề theo phong trào, theo hot trend, theo các chuyên gia tư vấn trên tiktok mà nhiều khi không quan tâm đến việc nó có phù hợp với năng lực sở thích của bản thân hay không.

Nhiều học sinh cũng lựa chọn ngành học để mong được "nhàn", "dễ kiếm việc", "có nhiều tiền" theo định hướng của một số người mà không quan tâm đến xu hướng ngành nghề và nhu cầu nhân lực có thể thay đổi rất nhanh, cũng không quan tâm đến việc học nghề đó có bền vững và mang đến hạnh phúc nghề nghiệp sau này hay không.

Có em học sinh thậm chí hoang mang giữa biển thông tin về ngành nghề và các chuyên gia tư vấn, chọn đại một ngành vì không biết chọn gì. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các em thường bỏ học sau năm đầu tiên vì thấy không phù hợp. Điều này gây ra căng thẳng và lãng phí tiền bạc.

Ngoài ra, việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân khiến tình trạng sinh viên kêu than "ngồi nhầm chỗ" sau mỗi mùa tuyển sinh vẫn xảy ra. Khi đó, các em nghỉ học thì dở dang mà học tiếp cũng không xong vì không có động lực, không đủ điều kiện hoặc bản thân không đáp ứng được yêu cầu của ngành học.

Trường hợp thí sinh lựa chọn ngành học và cảm thấy không thích hợp, PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng: "Trước hết, các em cần phải xác định chính xác lý do khiến các em thấy không phù hợp (do tính cách, năng lực) hay chỉ là do bạn thiếu kiên nhẫn, ngại khó và né tránh những vấn đề tâm lý khác thì mới có hướng phù hợp.

Sau đó, các em phải xác định điều thực sự các em muốn là gì và năng lực thực sự đáp ứng cho nghề nghiệp sau này là gì? Cần trao đổi cụ thể với giáo viên, cha mẹ và cố vấn học tập để tìm ra những con đường chuyển đổi ngành học, học song bằng hay những giải pháp nào khác đỡ tốn kém và đảm bảo hiệu quả.

Nếu các em chưa thực sự chắc chắn về lựa chọn khác của mình, hãy tiếp tục đi theo những gì các em đã lựa chọn trước đây. Nhưng tranh thủ trau dồi những kỹ năng mềm, những năng lực sáng tạo đổi mới, năng lực lãnh đạo, thích ứng và công nghệ để có thể sẵn sàng làm được nhiều vị trí công việc. Cho đến khi chắc chắn về con đường phía trước thì các em mới chuyển sang ngành học khác phù hợp với sở thích và năng lực bản thân".

"Trong thời đại ngày nay, chúng ta chẳng thể nào hình dung được tương lai 10 năm 20 năm sau như thế nào. Có thể ngành nghề các em chọn hôm nay rất phù hợp nhưng sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai nữa. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ làm nhiều nghề và thay đổi nghề nghiệp sau mỗi chu kỳ 5-10 năm. Vì vậy, mỗi cá nhân đều phải có năng lực thích ứng linh hoạt với sự thay đổi nghề nghiệp, xác định việc học tập là suốt đời. Mỗi cá nhân phải tự rà soát, điều chỉnh mục tiêu của mình để cập nhật thêm những năng lực mới, kỹ năng sử dụng công nghệ mới nhằm tăng giá trị của bản thân để mình không bị lỗi thời và hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động", PGS.TS. Trần Thành Nam chia sẻ.

Lưu ý quan trọng trước khi chọn ngành học

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, 3 yếu tố cần đặc biệt lưu ý trong quá trình chọn ngành, chọn nghề.

Yếu tố đầu tiên là năng lực. Mỗi học sinh cần hiểu rõ năng lực của bản thân dựa vào quá trình tham vấn ý kiến giáo viên chủ nhiệm, chuyên gia. Khi khả năng và thế mạnh được áp dụng vào đúng lúc đúng chỗ sẽ tạo ra cơ hội phát triển và mức thu nhập hấp dẫn.

Yếu tố thứ 2 thí sinh cần quan tâm, tìm hiểu liên quan đến nguồn nhân lực.

Yếu tố thứ 3 là sở thích, đam mê. Theo cô Hiền, ngành nào cũng có những khó khăn nhất định. Vì vậy, cần phải có đam mê mới có thể đi đến cùng.

Ngoài ra, khi lựa chọn những ngành học có nhiều trường cùng đào tạo, thí sinh nên vào website của các trường để tìm hiểu thông tin, lựa chọn trường phù hợp với bản thân, xét cả trên định hướng đào tạo và chi phí học tập, cơ hội việc làm.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), việc học đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực; điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng. Mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời.

"Các em không phải chỉ học 4 năm, 5 năm hay 6 năm đại học là dừng mà phải học nữa, phải cập nhật để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, của khoa học kỹ thuật như vũ bão. Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/meo-de-khong-sai-lam-trong-viec-chon-nganh-hoc-169240429102710982.htm