Kinh tế Pháp: Tin vui đến với người lao động, bỏ lạm phát ở lại phía sau, tiết lộ ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp

Bước sang năm 2024, tin vui sẽ đến người lao động Pháp - những người đã phải trải qua những năm tháng khó khăn sau cuộc khủng hoảng Covid-19 - tiền lương sẽ tăng nhiều hơn lạm phát.

Tiền lương tại Pháp sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024.(Nguồn: OMFIF)

Sáu tháng trước cuộc bầu cử ở châu Âu, người đã đặt vấn đề tiền lương lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Trong vài tháng qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa bao giờ ngừng khuyến khích những ông chủ hỗ trợ thu nhập cho nhân viên, đồng thời lên tiếng phản đối các ngành chuyên môn chưa cập nhật thang lương tối thiểu. Đồng thời, các công đoàn đã huy động những nhân viên có mức lương liên tục bị cắt giảm do lạm phát phi mã và tổ chức một cuộc tuần hành thống nhất về chủ đề này vào giữa tháng 10/2023.

Trong bài phát biểu vào ngày 16/1, Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ “mang lại sự năng động hơn trong vấn đề việc làm”.

Tiền lương sẽ tăng nhiều hơn lạm phát

Tất cả các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy, chắc chắn là lương sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.

Nghiên cứu của ngân hàng trung ương Pháp Banque de France hồi cuối tháng 12/2023 cho thấy, dự kiến mức tăng lương trung bình là 3,5% vào năm 2024.

Một báo cáo khác do công ty WTW công bố vào giữa tháng 1/2024 cho biết mức tăng là 4%. Chắc chắn, những con số này liên quan tới tình hình năm 2023, khi lãnh đạo các doanh nghiệp có thể đã đặt ra yêu cầu cao trong công việc đối với người lao động, khiến việc kiếm sống trở nên phức tạp hơn.

Để so sánh, mức tăng trưởng của chỉ số lương cơ bản hàng tháng (SMB) không vượt quá 1,5% vào năm 2020 và 1,7% vào năm 2021.

Quan trọng hơn, sự phát triển này sẽ diễn ra trong bối cảnh giá cả ổn định.

Chuyên gia Bruno Ducoudré thuộc Bộ phận Dự báo và Nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Banque de France phân tích: “Tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức 2,5% vào năm 2024 so với 5,7% của năm 2023”. Điều này đủ để cho phép người lao động cuối cùng thấy lợi ích mà họ được hưởng chính là sự gia tăng mức sống.

Vào năm 2024, Cơ quan cố vấn chính sách kinh tế nổi tiếng của Pháp ở Paris OFCE ước tính thu nhập thực tế của hộ gia đình sẽ cao hơn 2,5% so với mức năm 2019.

Ngược lại, một số lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cắt giảm tỷ suất lợi nhuận để hỗ trợ nhiều hơn cho nhân viên. Chính xác hơn là mọi người sẽ làm theo khả năng của mình.

Pierre Burban, Tổng thư ký Liên minh các doanh nghiệp địa phương, đảm bảo: “Các công ty được huy động để duy trì sức mua của nhân viên”.

Éric Cheveé, Phó Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CPME) phụ trách các vấn đề xã hội cho biết thêm, các nhà tuyển dụng luôn có suy nghĩ giống nhau khi nói đến việc tăng lương, rằng các công ty có thể tăng lương cho nhân viên của họ.

Audrey Louail, Chủ tịch mạng lưới doanh nhân Croissance Plus, cho biết: “Việc tăng số lượng nhân viên sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu cho năm 2024”.

Tuy nhiên, vào năm 2024, tiền lương sẽ tăng nhiều hơn lạm phát. Đây là tin vui cho người lao động, những người đã phải trải qua những năm tháng khó khăn sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo cơ quan nghiên cứu INSEE, mức lương ròng trung bình tính theo đồng Euro cố định giảm 1% vào năm 2022, mức giảm mạnh nhất được quan sát thấy trong 25 năm qua”. Một số lao động hưởng mức lương thấp hơn những người khác.

Mức lương tối thiểu sau 7 lần tăng lương trong giai đoạn từ 1/1/2021-1/5/2023 tăng trung bình 13,5%. Điều này giúp bảo vệ sức mua của người lao động nhưng làm giảm tỷ lệ lao động kiếm được mức lương tối thiểu từ 12% lên 17,3%. Những người sống ở vùng nông thôn bị thiệt hại nhiều hơn do giá nhiên liệu tăng hoặc phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn do giá lương thực tăng.

Lao động có tay nghề cao sẽ là người chiến thắng

Nghiệp đoàn các doanh nghiệp giới chủ (MEDEF) cho rằng, các công ty tiến hành tăng lương vào năm 2023 với mức tăng trung bình đã thành công trong việc bù đắp lạm phát. MEDEF dự đoán năm 2024, việc tăng lương sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, bất chấp bối cảnh tình hình căng thẳng hơn.

Tổng thư ký công đoàn CFDT Marylise Léon chỉ ra rằng, bên cạnh vấn đề hưu trí, vấn đề tiền lương chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công vào năm 2023.

CPME chia sẻ: “Khi không có lạm phát, thành tích và hiệu suất của người lao động sẽ tăng lên. Nhưng khi có sự tăng giá dẫn đến lạm phát, chúng tôi nhất thiết phải tính đến thông số này để điều chỉnh mức tăng lương. Các lãnh đạo doanh nghiệp biết rất rõ thực tế và những khó khăn của cuộc sống hàng ngày”.

Vào tháng 12/2023, nghiệp đoàn trên cho rằng, 20% lãnh đạo doanh nghiệp kiếm được ít hơn 1.400 Euro mỗi tháng. Theo CPME, việc tăng lương sẽ cố gắng theo kịp hoặc vượt lên trên tốc độ tăng giá.

Ngân hàng trung ương Pháp đánh giá, đối với những người lao động tích cực, năm nay chắc chắn sẽ được nhận những phần thưởng có giá trị, ngay cả khi năm 2024 gặp nhiều điều kiện kém thuận lợi, đặc biệt là do việc đánh thuế phí bảo hiểm.

Đối với công ty WTW, những lao động có tay nghề cao sẽ là người chiến thắng. Cuộc khảo sát của họ cho thấy, “62% các công ty đã bắt đầu xem xét lại chính sách thù lao của mình đối với phân khúc những lao động có trình độ cao đang gặp khó khăn”. Nguyên nhân là do thị trường lao động kém năng động hơn, nơi tình trạng tuyển dụng đang thiếu hụt một cách rõ rệt.

Chủ tịch CCI Pháp Alain Di Crescenzo cho biết, một số cuộc đàm phán sẽ “khó khăn hơn trong năm nay”. Cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ có tác động dây chuyền sẽ khiến các cuộc đàm phán lương trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản trở nên phức tạp hơn nhiều so với năm 2023. Điều này hoàn toàn không phải do sự thiếu ý chí của các công ty mà chỉ đơn giản là do thị trường đang bị thu hẹp.

(theo Le Figaro)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-phap-tin-vui-den-voi-nguoi-lao-dong-bo-lam-phat-o-lai-phia-sau-tiet-lo-uu-tien-hang-dau-cua-doanh-nghiep-258711.html