Gỡ 'nút thắt' PPP để kéo vốn tư nhân

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ở Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt, dẫn đến số lượng dự án thành công thấp, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân.

Dự án Metro tại TPHCM đang thu hút vốn theo hình thức PPP.

Dù có luật nhưng còn nhiều “nút thắt”

Luật sư Ngô Thanh Tùng, trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng PPP đang đối mặt với nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam, bởi thể chế, khung pháp lý và thị trường tài chính còn hạn chế. Ông Tùng chỉ ra những thách thức.

Thứ nhất, thiếu khung pháp lý nên không nhất quán khi xác định vai trò, trách nhiệm và quyền của các đối tác nhà nước và tư nhân; không rõ ràng các thủ tục, tiêu chí và cơ chế lựa chọn, thẩm định, phê duyệt, mua sắm, quản lý hợp đồng, giám sát và đánh giá dự án.

Thứ hai, nguồn nhân lực của khu vực công còn hạn chế trong thiết kế, đàm phán, thực hiện và giám sát các dự án PPP; việc quản lý rủi ro tài chính và các trách nhiệm pháp lý còn tiềm ẩn liên quan đến hợp đồng PPP. Thứ ba, thị trường tài chính kém phát triển làm chi phí vốn cao cho các dự án PPP, đặc biệt là bằng nội tệ và ngoại tệ.

Đi sâu hơn vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư Pháp), Trọng tài viên VIAC, thẳng thắn đánh giá số lượng các dự án đầu tư PPP sau ngày Luật PPP có hiệu lực (1-1-2021), không những không tăng mà còn giảm đi một cách đáng kể.

Thực tế này buộc chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc để tìm ra lý do của nó. Theo ông Huệ, có sự bất tương xứng giữa các vấn đề phát sinh trong thực tiễn đầu tư PPP với sự nghèo nàn, đơn giản của Luật PPP. Đó là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PPP còn nhiều quy định không cụ thể, rõ ràng, đã và đang gây ra không ít khó khăn cho NĐT, doanh nghiệp (DN) dự án trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án trên thực tế.

Ngoài ra, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn diễn ra khá phổ biến. Một số quy định trong pháp Luật PPP không đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, gây bất lợi cho NĐT. Đáng chú ý, tình trạng cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép DN dự án, NĐT chấp nhận yêu sách, kể cả những yêu sách không đúng quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Ngô Thanh Tùng, để PPP hấp dẫn khối tư nhân, phía cơ quan nhà nước cần thể hiện ý chí và tầm nhìn rõ ràng, nhất quán mới thúc đẩy PPP như một lựa chọn chiến lược để phát triển cơ sở hạ tầng. Đó là cung cấp một môi trường chính sách ổn định để NĐT có thể dự đoán được PPP; thiết lập và thực hiện một khung pháp lý có quy định toàn diện và chặt chẽ, cơ sở rõ ràng và nhất quán cho PPP.

Xây dựng hợp đồng mẫu cho PPP

Nhắc đến vấn đề hợp đồng mẫu, luật sư Nirmalan Amirthanesan, Công ty Luật Mori Hamada & Matsumoto, cho rằng các vấn đề về cơ chế chia sẻ rủi ro nói riêng và các quy định khác nói chung trong dự án PPP, cần chuẩn hóa bằng cách đưa vào hợp đồng. Ở một số quốc gia trên thế giới, các quy định này thậm chí còn được đưa vào hợp đồng mẫu và quy định chi tiết.

Luật sư Nirmalan Amirthanesan nói thêm, để cân bằng lợi ích nhà nước và NĐT, cần có những cam kết trong hợp đồng và cùng chịu trách nhiệm trong việc quản lý hợp đồng. Cùng với đó, để giảm thiểu rủi ro cho NĐT, tăng cường hơn vai trò của họ, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng cần lưu tâm hơn đến việc cải thiện hệ thống quy định pháp luật, đặc biệt là chú tâm hơn đến việc xây dựng hợp đồng mẫu.

Thực tế câu chuyện hợp đồng mẫu cũng được cơ quan chức năng Việt Nam rất quan tâm. Bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), khẳng định cần có hợp đồng mẫu nhằm hướng tới hài hòa mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng hợp đồng mẫu như thế nào để phù hợp với từng lĩnh vực, tương ứng với nhu cầu của từng ngành, có như vậy hợp đồng mẫu mới phát huy tác dụng triệt để là một công cụ để làm rõ quyền, lợi ích, nghĩa vụ, tạo căn cứ để phòng ngừa những rủi ro, xây dựng phương án xử lý hiệu quả cho từng trường hợp.

Tại cuộc họp hồi đầu tháng 4 ở TPHCM, đại diện Hiệp hội DN và NĐT đã góp ý về hợp đồng mẫu PPP. Theo đó, tùy vào lĩnh vực, hợp đồng mẫu PPP cũng sẽ được xây dựng theo một cách khác nhau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hợp đồng mẫu nên được quy định chi tiết, rõ ràng các cấu phần, đương nhiên vẫn phải đảm bảo tuân thủ luật quốc gia, nhưng cũng theo thông lệ quốc tế.

Cụ thể, cấu phần trong hợp đồng mẫu có thể chia thành 2 nhóm gồm: nhóm quy định “cứng” theo quy định pháp luật quốc gia, và nhóm quy định mà NĐT và cơ quan nhà nước có thể tự đàm phán, tùy theo tình hình dự án.

Các NĐT cũng nhận định rằng, cần có cơ chế điều chỉnh trong hợp đồng PPP, đặc biệt trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách, rủi ro chính trị để NĐT có sự tin tưởng và thuận lợi hơn trong việc đàm phán.

Điều này tạo tiền đề cho sự tin tưởng và công bằng giữa các bên tham gia hợp đồng, đặc biệt là vai trò của khối tư nhân trong dự án PPP. Theo đó, nên cân nhắc làm thế nào để thiết lập tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận nhằm tránh làm nản lòng các NĐT, tạo thêm doanh thu và cung cấp các ưu đãi bổ sung cho NĐT, có thể phân chia cổ tức từ hiệu ứng lan tỏa của dự án.

Trở lại với Luật PPP, PGS.TS Dương Đăng Huệ cho biết, sắp tới đây Chính phủ sẽ tổng kết 3 năm thi hành Luật PPP. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên Chính phủ phải làm đối với bất cứ đạo luật nào.

Tuy nhiên, đối với Luật PPP việc làm này của Chính phủ lại càng có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay, khi mà hình như mục đích ban hành luật này trên thực tế đã không mấy thành công.

Số lượng các dự án đầu tư PPP sau ngày Luật PPP có hiệu lực (1-1-2021) đã giảm đi một cách đáng kể. Thực tế này buộc chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc để tìm ra lý do của nó. Đó là sự bất tương xứng giữa các vấn đề phát sinh trong thực tiễn đầu tư PPP với sự nghèo nàn, đơn giản của Luật PPP.

THANH DUNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/go-nut-that-ppp-de-keo-von-tu-nhan-post113768.html