Khát vọng rồng bay từ nền văn hiến nghìn đời

Rồng được nhắc đến nhiều nhất trong truyền thuyết và đứng đầu của bộ tứ linh 'Long - Lân - Quy - Phượng'. Linh vật này vừa gần gũi, vừa ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống và văn hóa Việt Nam. Rồng cũng là biểu tượng vương quyền của các triều đại phong kiến, vì thế được khắc họa trong nhiều công trình kiến trúc cung đình, đình, đền, chùa, phục trang của các bậc vua, chúa. Tuy nhiên, mỗi một triều đại, rồng lại mang một hình dáng khác nhau đặc trưng của triều đại đó…

Rồng trong đời sống người Việt

Hình tượng rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, gắn liền với hình ảnh Thần, Phật trong tín ngưỡng tâm linh qua bao đời. Rồng không còn là xa lạ với người Việt bởi sự linh thiêng, uy quyền, hiện hữu trong cả đời sống, địa danh, ngôn ngữ, giai thoại và hội họa. Rồng mang trên mình sức mạnh thiên nhiên, xuất hiện nhiều trong các câu chuyện, tích truyện... Dân tộc ta cũng được nhận thức với hình tượng rồng từ rất sớm bởi nó gắn liền với truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”. Do đó, hình ảnh rồng đã dần ǎn sâu vào tâm thức của người Việt và trở nên sống động, thân quen hơn qua các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống hay các sự kiện trọng đại trên khắp cả nước.

Rồng thời Trần toát lên vẻ khỏe khoắn, giản dị, phóng khoáng

Rồng qua các thời kỳ lịch sử

Mùa Xuân năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ cho dời Kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra Đại La. Tới đất Đại La, vua thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, nên đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long. Thăng Long chính thức trở thành Kinh đô của một nhà nước độc lập, thống nhất. Từ đó, rồng cũng đã được là biểu tượng cho sự thiêng liêng và hiện thân cho sức mạnh, uy quyền tuyệt đối của đấng thiên tử. Giai đoạn này, đất nước phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, mở đầu thời kỳ thế nước vươn cao, lòng dân đồng thuận, thể hiện cao độ ý chí độc lập, tự cường dân tộc.

Qua các vương triều Đại Việt, hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, chứa đựng những sắc thái, nét đặc trưng riêng thể hiện qua trang phục, gốm sứ hay kiến trúc với những họa tiết và trang trí độc đáo, rồng được đưa vào các tục, nghi lễ với mong ước hạnh phúc, bình an và sự thịnh vượng. Rồng thời này thích hợp với chính sách nhà Lý lúc bấy giờ, có đầu nhỏ, mềm mại, uyển chuyển, thậm chí hồn nhiên, giữ nguyên khởi hình là con rắn. Hình tượng rồng có kiểu dáng nhất quán, đơn giản trong tạo hình. Cũng từ thời Lý, rồng hiển hiện khắp mọi nơi, trong tâm thức không chỉ ở bậc đế vương, quan lại mà còn ở trong lòng dân. Tuy nhiên, hình tượng rồng vua - rồng dân cũng có nét phân biệt khi rồng vua có 5 móng, còn rồng dân chỉ có 4 móng. “Nhiều người cho rằng rồng chỉ gắn với vua chúa. Rồng là vua với các từ như long nhan, long thể, long sàng..., nhưng đó là một suy nghĩ hạn chế bởi rồng không chỉ gắn bó mà còn đồng nhất, đùa cợt, chơi đùa với dân” - trích lời nhà sử học Lê Văn Lan nói trong “Rồng Việt Nam từ khởi nguồn đến hiện đại”.

Sang thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), khi quyền lực về tay các vua thời Trần cũng cho xây dựng thêm rất nhiều công trình mới. Dù có quy mô hoành tráng, có trình độ kỹ thuật cao thì hình tượng rồng vẫn được kế thừa phong cách từ thời Lý nhưng có những thay đổi dễ dàng nhận ra như đầu lớn hơn, không còn nhiều chi tiết phức tạp như trước. Rồng thời này cũng được đánh giá là mập mạp hơn và toát lên vẻ khỏe mạnh, lực lưỡng. Điều này được thể hiện qua những kiến trúc, bảo vật được khai quật và nhận xét của các nhà nghiên cứu lịch sử như tổng thể nghệ thuật về cơ bản tiếp nối truyền thống thời Lý nhưng dần chuyển đổi với phong cách khỏe khoắn, giản dị, phóng khoáng hơn nhưng cũng biến động tự do, đa dạng hơn so với thời Lý. Điều đó phản ánh rõ tư tưởng của một vương triều thượng võ, gần dân, thân dân, luôn luôn đề cao tư tưởng lấy dân làm gốc phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn của lịch sử đất nước.

Thời Lê sơ (thế kỷ XV) chịu tác động và là thời kỳ cực thịnh của Nho giáo, rồng Việt Nam đã chuyển hóa, ảnh hưởng mạnh của rồng phương Bắc. Nếu rồng thời Lý với chân chim ưng xòe ra rất hồn nhiên thì rồng thời này có thêm tay đang vuốt râu. Vì thế, rồng thời Lê đã trở thành một con rồng vừa dữ tợn, uy quyền vừa ung dung tự tại, nghênh ngang...

Đến thời Nguyễn (thế kỷ XVIII - XIX) thì hoàn toàn khác so với các thời kỳ trước, rồng không còn hồn nhiên như thời Lý, khỏe mạnh như thời Trần, ung dung như thời Lê mà trở nên cứng nhắc, giống như rồng thời Minh, Thanh bên Trung Hoa, thể hiện rõ bước thoái trào của chế độ phong kiến xưa. Dù vậy, rồng thời Nguyễn lại có những nét đẹp tinh tế với sự sáng tạo một cách phóng khoáng, phong phú, đa dạng và tinh xảo. Chính vì thế, thời kỳ này đã để lại một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ được lưu giữ cho đến ngày nay.

Rồng thời Nguyễn lại chịu nhiều ảnh hưởng từ rồng thời Minh, Thanh

Khát vọng rồng bay

Theo các nhà nghiên cứu sử học, hình tượng rồng Việt Nam mỗi thời đều mang dáng dấp, phong thái đặc trưng riêng. Dù hồn nhiên, mạnh mẽ, ung dung hay cứng nhắc, thì rồng Việt Nam vẫn toát lên nét đặc trưng, đặc thù dân tộc của thời đại đó một cách rõ ràng. Rồng vẫn là biểu trưng cho sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Bởi như nhà sử học Lê Văn Lan từng nói, rồng có nguồn gốc tượng hình của con sông, rồng uốn lượn tượng trưng như các khúc uốn của con sông. Các biểu tượng rồng qua hàng nghìn năm đến nay cũng chính là hình ảnh dòng sông. Từ xa xưa, khi cần nước thì người dân cầu khấn rồng. Rồng sẽ phun nước cung cấp nguồn sống cho mùa màng. Rồng là một vị phúc thần. Rồng cũng thể hiện tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng với nét mặt thông thái, vui vẻ, đạo mạo. Từ đó, góp phần vươn lên chinh phục các giá trị văn minh nhất cho đất nước, cho dân tộc.

Ngày nay, bước vào thời đại công nghiệp, kỹ thuật số, người Việt Nam vẫn không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng rồng vẫn được ngưỡng mộ đưa vào các lĩnh vực của đời sống, xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với hàng loạt sự thay đổi cùng chịu tác động mạnh mẽ về văn hóa thời kỳ, rồng vẫn mang số mệnh Kinh đô của một quốc gia, vẫn là loài vật linh thiêng, tôn quý. Thăng Long - Hà Nội luôn ôm trọn khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến nghìn đời.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khat-vong-rong-bay-tu-nen-van-hien-nghin-doi-post565787.antd