Kết nối dẫn lối cho doanh nghiệp vượt khó

Việc kết nối trực tuyến giữa gần 130 startup Việt với hơn 1.000 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các tập đoàn hàng đầu… hay 'mối duyên' giữa chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) với nông sản thực phẩm Việt là những bằng chứng điển hình cho thấy việc kết nối hiệu quả sẽ dẫn lối cho các doanh nghiệp vượt khó sau 'cú sốc' Covid-19.

Mới đây, tại Tp.HCM, trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Startup Day 2021 - nền tảng kết nối đầu tư khởi nghiệp trực tuyến đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, đã kết nối hàng ngàn cơ hội hợp tác kinh doanh giữa gần 130 startup (công ty khởi nghiệp) với hơn 1.000 nhà đầu tư, quỹ đầu tư và tập đoàn hàng đầu Việt Nam cũng như khu vực và hơn 6.000 khách theo dõi chương trình trên kênh mạng xã hội.

Tận dụng thế mạnh của nhau

Theo đó, các nhà đầu tư đã được nghe các startup Việt nói về dự án, kết nối trực tiếp với startup bằng tin nhắn chat hoặc gọi video, thỏa thuận và chốt deal (thỏa thuận giao dịch) đầu tư để tăng giá trị danh mục đầu tư.

Các hoạt động kết nối hiệu quả sẽ dẫn lối cho DN Việt vượt khó vươn lên trong thời điểm “sống chung” với đại dịch Covid-19.

Các hoạt động kết nối hiệu quả sẽ dẫn lối cho DN Việt vượt khó vươn lên trong thời điểm “sống chung” với đại dịch Covid-19.

Đây được xem là cơ hội để những doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, mới gia nhập thị trường vươn lên trong cuộc đua “bình thường mới” sau những tháng ngày chịu đựng tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 đợt 4.

Điểm đáng ghi nhận lần này là tất cả hoạt động kết nối đầu tư được diễn ra hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến (online), phá bỏ mọi giới hạn về khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau khi trải nghiệm nền tảng kết nối trực tuyến này, anh Phạm Đức Tiến, Giám đốc marketing của dự án Hệ sinh thái đấu thầu thuộc Top 60 Startup Wheel 2021, đánh giá rất cao tính năng thanh toán online, phòng họp trực tuyến, hệ thống đầu tư thông minh, bảng xếp hạng trực quan việc chốt deal đầu tư của startup và nhà đầu tư…

Còn anh Đoàn Văn Minh Nhựt, đồng sáng lập thương hiệu Bánh mì Má Hải, đưa ra đề xuất sau khi “bình thường mới” có thể kết hợp cả hai hình thức ngoại tuyến (offline) và online cho Vietnam Startup Day để phá bỏ rào cản địa lý, tăng cơ hội cho các startup kết nối không biên giới với nhà đầu tư, đối tác.

Có thể nói những sự kiện kết nối như vậy được ví như dẫn lối vượt khó cho các DN mới gia nhập thị trường, các DN vừa và nhỏ trong thời điểm này sau những khó khăn do đại dịch mà họ vừa trải qua. Nhất là việc kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác sẽ giúp các DN có thể tận dụng được các thế mạnh của nhau trên chặng đường đầy thách thức sắp tới.

Trong hoạt động kết nối của các DN những ngày gần đây có thể kể thêm việc một số DN Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm (như rau má Quảng Thanh, sản phẩm trái cây sấy của Vinamit, các sản phẩm bí của Danny Green, các sản phẩm mắm xứ Gò Công, công ty Song Nga với các sản phẩm từ trái tầm bóp, điều Bình Phước, các loại trái cây Đà Lạt của Tâm Ngọc…) đã đưa sản phẩm vào không gian trưng bày của chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo (của Nhật Bản) tại Tp.HCM thông qua cầu nối của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bàn đạp để đột phá

Rõ ràng, “mối duyên” giữa nông sản thực phẩm với ngành hàng thời trang là hướng đi đầy lạ lẫm nhưng cũng đầy sức sáng tạo và triển vọng. Như chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, thông qua cầu nối như vậy hoàn toàn giúp cho phía DN có thể tiếp cận được với những khách hàng không chỉ ở trong nước, mà còn khách hàng của Uniqlo ở nước ngoài.

Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đã bày tỏ niềm tin thông qua cầu nối với Uniqlo biết đâu những sản phẩm của những người nông dân ngày hôm nay có thể bay ra khỏi Việt Nam đến Nhật Bản, như là cách mà Nhật Bản vừa giúp đỡ cho người nông dân Việt Nam khi trao cho hai chứng nhận chỉ dẫn địa lý là vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long Bình Thuận.

Chung niềm lạc quan như vậy, ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, khẳng định sự hợp tác này là một trong những hoạt động quan trọng của Uniqlo. Điều đó nhằm hỗ trợ cho DN và nông dân địa phương khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.

“Bởi chúng tôi hiểu rõ những thách thức của DN trong hoàn cảnh này. Chúng tôi mong muốn trở thành cầu nối giúp DN và nông dân địa phương giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng, cũng như khách hàng riêng của Uniqlo”, ông Osamu Ikezoe nói.

Quan sát nhiều hoạt động kết nối DN trong thời gian qua, và đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần này, giới chuyên gia cho rằng đó là hướng đi đúng nhằm giúp cho các DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt và cả lâu dài.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế như hiện tại, việc kết nối giữa các DN với phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống được xem là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu. Điều này được xem là giải pháp để đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp đầu ra sản phẩm của DN được tốt hơn.

Còn riêng với với kết nối trực tuyến giữa các startup (công ty khởi nghiệp) với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư như cách thức mà Vietnam Startup Day đã và đang làm thì tin rằng các DN mới gia nhập thị trường sẽ có thêm động lực để vươn lên trong thời gian tới.

Đặc biệt, nhìn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng đòi hỏi các DN khởi nghiệp phải luôn đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn để chinh phục những đường đua mới. Họ cần phải chấp nhận sự biến động và thay đổi trên đường đua, đồng thời coi sự kết nối là bàn đạp để đột phá.

Thế Vinh

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//he-sinh-thai/ket-noi-dan-loi-cho-doanh-nghiep-vuot-kho-1081918.html