Hồi sinh vùng đất Trà Leng

Gần 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng tại làng Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cướp đi mạng sống của nhiều người, số người mất tích vẫn chưa tìm thấy, nhiều nhà cửa, tài sản bị vùi lấp trong đất đá. Dù vậy, với sự nỗ lực không ngừng, vùng đất Trà Leng đang đổi thay từng ngày.

Một góc khu dân cư Bằng La hiện nay.

Một góc khu dân cư Bằng La hiện nay.

Đổi thay ở vùng sạt lở

Chúng tôi trở lại Trà Leng vào một ngày đầu tháng 3, con đường dẫn vào trung tâm xã được đổ bê tông bằng phẳng, hai bên đường núi rừng, vườn tược cây cối xanh ngát, tiếng chim rừng líu lo, người lớn lên nương rẫy, trẻ em đến trường học, không khí nơi đây bình yên đến lạ.

Chúng tôi dừng chân ở khu dân cư (KDC) Bằng La, với diện tích hơn 6ha. Bằng La đã xây dựng 39 căn nhà sàn bê tông cấp 4, mái lợp tôn màu đỏ nằm sát nhau thành một dãy dài, cùng với đó là các công trình trường học mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang. Đây chính là KDC mới cho bà con ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Leng bị mất nhà cửa trong vụ sạt lở núi từ cuối tháng 10/2020.

Chị Hồ Thị Nở - người dân Bằng La cho hay, sau khi xảy ra vụ sạt núi kinh hoàng, gia đình chị được các cấp chính quyền, nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng, bố trí chỗ ở mới nên đã giúp gia đình chị có nơi ăn chốn ở ổn định, vì thế mọi người yên tâm hơn mỗi khi vào mùa mưa bão. “Nơi đây đường sá được đầu tư nên việc đi lại của người dân dễ dàng hơn. Trường học mẫu giáo, trạm y tế được đầu tư xây dựng, do đó việc học hành của con em tốt hơn, người dân đau ốm được các thầy thuốc khám, chữa bệnh kịp thời”, chị Nở vui mừng nói.

Chị Hồ Thị Tiên trồng cau.

Chị Hồ Thị Tiên trồng cau.

Đang tất bật trồng những cây cau trên rẫy, chị Hồ Thị Tiên, cư dân của Bằng La chia sẻ, giờ đây cuộc sống của gia đình chị đã ổn định, chị đã trồng được vài sào cây quế, cây cau ở đồi núi gần nhà, dự kiến vài thời gian ngắn nữa là đã có thể đến kỳ thu hoạch để có thêm nguồn thu nhập.

Theo nhiều người dân KDC Bằng La, sau khi xảy ra vụ sạt lở núi, bà con đã được các cấp chính quyền, cộng đồng quan tâm hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng nên bộ mặt địa phương đã dần thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Chị Hồ Thị Mai nhớ lại, ngày làng Ông Đề xảy ra vụ sạt lở núi, ngôi nhà gỗ cấp 4 cùng nhiều tài sản của gia đình chị đã bị lũ quét cuốn trôi hết khiến gia đình chị lâm vào tình cảnh trắng tay, nhưng may mắn mọi người đã kịp chạy thoát nên giữ được tính mạng. Nhưng nỗi đau thương thì khó có thể quên được.

Về xã Trà Leng những ngày này, núi rừng đã xanh trở lại, còn trên các triền đồi người dân không chỉ trồng cây keo, mà nhiều hộ đã mạnh dạn trồng các loại cây mới như: măng cụt, quế, sầu riêng…; và đầu tư chăn nuôi bò, dê, heo để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế của xã.

Theo anh Cao Tuấn Kiệt, người ươm cây giống ở Trà Leng, hiện trên địa bàn xã Trà Leng có một số hộ dân bắt đầu ươm giống cây quế, cây cau để bán cho người dân, nhờ đó bà con có thể mua cây giống tại chỗ, với giá thành thấp như: cây quế giá 3.000 đồng/cây, cây cau hơn 5.000 đồng/cây... giúp cho bà con phát triển kinh tế vườn. Nếu như trước đây người dân muốn có cây giống phải đi hơn 16km xuống trung tâm các huyện mới mua được, giờ thì cây giống được cung cấp ngay tại chỗ. Việc ươm cây giống ở đất Trà Leng rất thuận lợi, phù hợp với khí hậu. “Hằng tháng làm công việc ươm cây tôi được trả tiền công 3,5 triệu đồng”, anh Kiệt chia sẻ.

Cô Trần Thị Hoàng Oanh - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trà Leng cho biết: Điểm trường mới hiện có 212 học sinh. Nơi đây có đủ cơ sở vật chất, thuận lợi trong việc dạy và học. Nhà trường có các khu vui chơi, phòng ăn dành cho học sinh bán trú và có phòng ở cho giáo viên. Nhà nước cũng hỗ trợ học sinh ăn trưa mỗi tháng với mức 160 ngàn đồng/học sinh.

Người dân chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế.

Người dân chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế.

Chăm lo đời sống nhân dân

Chia sẻ về cuộc sống của người dân nơi đây, ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, xã cách trung tâm huyện 34km về phía bắc, có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện với 11.653,9ha, có 632 hộ, 2.898 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc M’Nông chiếm tỷ lệ 98%. Toàn xã có 3 thôn với 13 KDC. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, làm ruộng, trồng quế và chăn nuôi.

Theo ông Phan Quốc Cường, trước đây cuộc sống của người dân Trà Leng vất vả lắm, vậy nên khi xảy ra vụ sạt lở núi lại càng khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền, Mặt trận các cấp, các nhà hảo tâm đã giúp cho vùng đất này sớm hồi sinh. Chỉ tính trong năm 2022 nhân dân trên địa bàn xã đã gieo lúa, ngô được 134 ha, sản lượng thu về đạt 414 tấn. Về chăn nuôi hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã là hơn 2.000 con. Trong đó trâu là 152 con, bò là 75 con, heo hơn 360 con, còn đàn gia súc, gia cầm khác là 1.415 con. Ngoài ra, tổng sản lượng quế hàng năm trên địa bàn xã đạt khoảng 140 tấn, thu về khoảng 8,4 tỷ đồng.

“Cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt. Chính quyền luôn tìm cách để vùng đất này ngày càng phát triển, để người dân không chỉ thoát nghèo, no ấm mà còn có cơ hội để vươn lên làm giàu”, ông Phan Quốc Cường nói.

Một vườn ươm cây giống của người Trà Leng.

Một vườn ươm cây giống của người Trà Leng.

Ông Cường cũng cho biết, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị thi công khắc phục các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị hư hỏng do bão lũ năm 2021 gồm công trình nước sinh hoạt tổ ông Vương và thủy lợi Sông Cheng. Ngoài ra, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, hội đoàn thể và nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động học sinh ra lớp đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng dạy và học.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, cuộc sống của người dân vùng sạt lở Trà Leng được bố trí tại KDC Bằng La giờ đã ổn định. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang để phục vụ sinh hoạt của bà con. UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng tuyến đường ĐH1 từ Trà Dơn vào Trà Leng để bà con đi lại thuận lợi. Cùng với đó UBND huyện đã phối hợp với chính quyền xã Trà Leng tổ chức tuyên truyền tập huấn cho bà con cách chăm sóc và bảo vệ các loại cây trồng và tiếp tục phát triển trồng cây quế, cây dổi rừng, cây cau và các loại cây ăn quả. Qua đó góp phần cải thiện đời sống, nâng cao kinh tế cho người dân.

Ngày 28/10/2020 tại làng Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp 15 ngôi nhà, có đến 55 người chết, bị thương và mất tích, lực lượng chức năng đã cứu sống 33 người, tìm thấy 10 người chết, đến nay vẫn còn 12 người mất tích. Nhờ sự vào cuộc sớm của chính quyền, Mặt trận các cấp, các nhà hảo tâm, sự nỗ lực không ngừng vươn lên của người dân, giờ đây cuộc sống của bà con nơi này đã ổn định và từng ngày đổi thay.

TẤN THÀNH - CHÍ ĐẠI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoi-sinh-vung-dat-tra-leng-5711409.html