Hoằng Hóa: Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025

Trong 2 năm (2021-2022) và 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Hoằng Lộc, Hoằng Thái); 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hoằng Lộc, Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Xuân, Hoằng Tiến, Hoằng Giang, Hoằng Tân); 56 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 5 tổ dân phố kiểu mẫu.

Toàn cảnh hội nghị.

Sáng 16-8, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện Hoằng Hóa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2023; triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo huyện Hoằng Hóa; thành viên ban chỉ đạo các Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2021-2025; lãnh đạo 37 xã, thị trấn cùng đông đảo các bí thư chi bộ, trưởng các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Chuyển biến cả chất và lượng

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, song bằng sự quyết tâm và nỗ lực lớn, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM tại Hoằng Hóa đã được cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng và tích cực.

Trong 2 năm (2021-2022) và 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Hoằng Lộc, Hoằng Thái); 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hoằng Lộc, Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Xuân, Hoằng Tiến, Hoằng Giang, Hoằng Tân); 56 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 5 tổ dân phố kiểu mẫu.

Một góc xã NTM kiểu mẫu Hoằng Lộc.

Nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, từng bước cải thiện không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường đô thị, nông thôn sáng xanh sạch đẹp. Nổi bật, huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng mới 21,2km đường 4 làn xe; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 317,8km đường giao thông nông thôn; thảm nhựa bê tông 174,6km; 100% khu dân cư mới, được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đồng bộ theo tiêu chí đô thị với tổng diện tích khoảng 158ha. Ngoài ra, phong trào xây dựng rãnh thoát nước có tấm đan, lát đá vỉa hè, xây dựng đường điện chiếu sáng… góp phần chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn.

Thu hoạch khoai tây ở xã Hoằng Tiến.

Nhiều mô hình sản xuất được triển khai, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Giai đoạn 2021-2023, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ước đạt 673 ha.

Ở lĩnh vực trồng trọt, các xã, thị trấn đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng. Tổng diện cây trồng liên kết trong gần 3 năm qua là 1.716,33 ha. Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất khoai tây vụ Đông xuân ở các xã Hoằng Đông, Hoằng Tiến, Hoằng Lưu, Hoằng Ngọc; liên kết sản xuất ngô ngọt ở các xã Hoằng Trung, Hoằng Xuân…. Đặc biệt huyện đã kêu gọi thu hút được một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện thuê đất, đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện là 304,5 ha (xếp thứ nhất toàn tỉnh), năng suất đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ.

... Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện là 304,5 ha (xếp thứ nhất toàn tỉnh), năng suất đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện đạt chuẩn theo quy định, gắn xây dựng NTM với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, văn hóa đặc trưng của các địa phương trong huyện, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư.

Việc thực hiện Chương trình OCOP được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng khi toàn huyện đã có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm 3 sao trở lên, xếp thứ 2 toàn tỉnh.

Công viên trung tâm xã NTM kiểu mẫu Hoằng Thái.

Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, toàn huyện đã huy động được 3.905 tỷ đồng từ các nguồn vốn để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí NTM, xây dựng các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, người dân tích cực tham gia đóng góp 265.178 ngày công lao động, hiến 60.469,1 m2 đất ở, đất sản xuất nông nghiệp thực hiện chương trình xây dựng NTM.

... người dân tích cực tham gia đóng góp 265.178 ngày công lao động, hiến 60.469,1 m2 đất ở, đất sản xuất nông nghiệp thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Nếu như tỷ lệ rà soát hộ nghèo cuối năm 2021 là 5,56% thì đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,26% và dự kiến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,67%.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đạt tỷ lệ cao. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT; 99,79% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 65% hộ nghèo, 89% hộ cận nghèo đảm bảo chất lượng về nhà ở; 87% hộ nghèo, 97% hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Đường giao thông ở tổ dân phố Phú Vinh Tây, thị trấn Bút Sơn.

Còn nhiều việc phải làm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa Lê Xuân Thu nhấn mạnh: “Bước sang giai đoạn mới thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững với các yêu cầu về tiêu chí cao hơn và trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, những thành quả đạt được trong 3 năm qua mới chỉ là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Do đó vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tư tưởng thông, hành động quyết liệt và hiệu quả phải cụ thể từ đó tạo những đột phá và bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện các chương trình, tạo tiền đề quan trọng góp phần để huyện Hoằng Hóa trở thành thị xã trước năm 2030, mà trước mắt là trở thành đô thị loại IV vào năm 2025”.

Trong giai đoạn 2023-2025, huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 55 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn kiểu mẫu; có 29 sản OCOP đạt 3 sao trở lên; xây dựng được 3 mô hình “thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu”.

... giai đoạn 2023-2025, huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 55 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn kiểu mẫu; có 29 sản OCOP đạt 3 sao trở lên...

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đề ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 1,5%; 100% các mô hình, dự án giảm nghèo triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Hoằng Hóa chủ trì hội nghị.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023-2025.

... phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ được sự ủng hộ của con em thành đạt xa quê, huy động Nhân dân ủng hộ ngày công

Ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái cho rằng: “Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu của Hoằng Thái là bước tiến đột phá để tạo bước đà xây dựng đô thị. Khi thực hiện chương trình phải đề cao tính dân chủ, các bước tiến hành phải trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của thôn, xã, trong đó xác định được khâu đột phá để tập trung chỉ đạo. Quá trình huy động nguồn lực phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ được sự ủng hộ của con em thành đạt xa quê, huy động Nhân dân ủng hộ ngày công trong xây dựng nhà sạch, vườn mẫu, trồng hoa…”

Các đại biểu dự hội nghị.

Chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trên quê hương sau công cuộc xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, ông Nguyễn Ngọc Đô, Bí thư Chi bộ thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc phấn khởi khi Hoằng Lộc trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện.

... mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người tham gia dọn vệ sinh tại các nơi công cộng vào chiều chủ nhật hàng tuần và có sự kiểm tra, giám sát của Ban cán sự thôn

Tham luận trực tiếp tại hội nghị về kinh nghiệm thực hiện mô hình phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn ở thôn Thành Nam, ông Đô chia sẻ thêm: “Thôn tổ chức họp Nhân dân triển khai kế hoạch phân loại rác thải hữu cơ và duy trì công tác vệ sinh môi trường, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người tham gia dọn vệ sinh tại các nơi công cộng vào chiều chủ nhật hàng tuần và có sự kiểm tra, giám sát của Ban cán sự thôn. Việc phân loại rác thải được các gia đình phân loại riêng rác hữu cơ, vô cơ và toàn thôn thống nhất người đi thu gom rác thải không thu gom đối với các gia đình không phân loại. Ban đầu cũng nhận phải ý kiến phản ứng, tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở và thực hiện thống nhất trong toàn thôn, đến nay hoạt động phân loại rác thải tại nguồn của thôn được thực hiện nghiêm túc”.

Bà Cao Thị Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong phát biểu tham luận tại hội nghị.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, bà Cao Thị Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong nhấn mạnh: “Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu thì tiêu chí khó khăn nhất có lẽ là tiêu chí giao thông, làm rãnh thoát nước có nắp đậy trong khu dân cư bởi đây là tiêu chí cần nhiều kinh phí, cần sự chia sẻ của Nhân dân trong việc hiến đất, hiến công trình để GPMB. Càng vận động ủng hộ càng giảm mức đóng góp cho Nhân dân. Khi thực hiện thì tiến hành từ các hộ có con em là cán bộ, đảng viên để gương mẫu thực hiện trước, sau đó đến các hộ dễ vận động rồi lan tỏa dần đến các khu dân cư. Các hộ hiến đất được thôn tuyên dương trên loa của thôn và lấy đó để nhân rộng điển hình”.

... Càng vận động ủng hộ càng giảm mức đóng góp cho Nhân dân. Khi thực hiện thì tiến hành từ các hộ có con em là cán bộ, đảng viên để gương mẫu thực hiện trước, sau đó đến các hộ dễ vận động rồi lan tỏa dần đến các khu dân cư.

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân tham luận tại hội nghị.

Tham luận về chương trình giảm nghèo bền vững, ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân cho rằng: “Hạn chế tái nghèo cần phải đa dạng hóa sinh kế phát triển các mô hình giảm nghèo, thay đổi cách suy nghĩ, cách làm, thói quen của người nghèo, hướng dẫn áp dụng các mô hình sinh kế về cách thức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả theo chuỗi giá trị, giúp người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.

Các đại biểu đã đề xuất, “hiến kế” nhiều giải pháp phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong huy động sử dụng nguồn lực để tập trung xây dựng NTM, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa trao giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM.

Nhân dịp này, có 62 tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng NTM, công tác giảm nghèo bền vững vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa tặng giấy khen.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/hoang-hoa-so-ket-3-nam-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-xay-dung-ntm-va-giam-ngheo-ben-vung-giai-doan-2021-2025/192978.htm