Tuyến dân cư không rác thải nhựa

Thời gian qua, với cách làm hay trong việc bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa ở khu dân cư nông thôn.

Chị Huỳnh Hồng Chấm, Phó chủ tịch Hội LHPN xã, chia sẻ: “Nhằm góp phần trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, Hội đã phát động các phong trào: “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Tuyến dân cư không rác thải nhựa”... Trong đó, mô hình “Tuyến dân cư không rác thải nhựa” gắn với công tác bảo vệ môi trường đã phát huy hiệu quả ở địa phương. Cùng với việc thu gom phế liệu bán lấy tiền đóng góp vào quỹ chi hội để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, Hội còn khuyến khích hội viên dùng giỏ xách đi chợ thay thế túi ni lông, hạn chế rác thải nhựa”.

Mô hình tuyến dân cư không rác thải nhựa được Hội LHPN xã thành lập năm 2023 tại ấp Tân Phong, duy trì sinh hoạt 1 lần/tháng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Ðiểm nhấn của mô hình là tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại bể chứa gia đình, nhờ vậy tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn.

Tuyến lộ sạch đẹp ở ấp Tân Phong.

Tuyến lộ sạch đẹp ở ấp Tân Phong.

Người dân địa phương chủ yếu làm nông, vì vậy lưu lượng rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất sau sử dụng vứt bỏ bừa bãi tại ruộng. Từ khi được Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động thì tình trạng ô nhiễm trên đồng ruộng giảm hẳn, người dân hăng hái tham gia thu gom, tập kết tại chỗ, góp phần tích cực chung tay xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Chị Phan Thị Loan, hội viên ấp Tân Phong, chia sẻ: "Sau khi được Hội LHPN xã tập huấn, hướng dẫn phân loại rác, gia đình tôi thực hiện phân loại mỗi ngày. Ðối với rác hữu cơ từ nhà bếp, như các loại vỏ trái cây và củ, bã trà, bã cà phê, phần bỏ đi của rau... được xử lý bằng men vi sinh, giúp gia đình có nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Gia đình tôi luôn yên tâm với bữa ăn gia đình vì đã có rau quả sạch nhà trồng”.

 Vườn cây ăn trái bón phân hữu cơ của gia đình chị Phan Thị Loan.

Vườn cây ăn trái bón phân hữu cơ của gia đình chị Phan Thị Loan.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng tích cực góp sức vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Cán bộ hội thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với hội viên nghèo tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của hội viên để có giải pháp hỗ trợ, động viên họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong ngôi nhà tình thương, chị Lê Thị Sự, ấp Tân Phong, vui mừng bởi trước kia cả gia đình chị ở trong căn nhà trống trước hở sau. Chị Sự chia sẻ: “Hiện tại có nhà rồi, không sợ cảnh mưa gió nữa. Gia đình không chỉ được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà, mà còn được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 60 triệu đồng để phát triển kinh tế”.

Quầy hàng tạp hóa của gia đình chị Lê Thị Sự.

Quầy hàng tạp hóa của gia đình chị Lê Thị Sự.

Gia đình chị Sự không đất sản xuất, nên khi có được vốn, chị mở tiệm tạp hóa, đầu tư máy móc, thiết bị làm chả cá để kinh doanh lấy công làm lời. Nhờ chịu khó cần cù trong lao động sản xuất, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, gia đình chị đã thoát nghèo năm 2023; các con chị cũng được học đến nơi đến chốn./.

Tiểu Ái

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tuyen-dan-cu-khong-rac-thai-nhua-a32578.html