Hà Nội: Định vị tiềm năng du lịch huyện Sóc Sơn

Là vùng đất có bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều di tích văn hóa, huyện Sóc Sơn có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác thế mạnh này, đòi hỏi Sóc Sơn nâng cấp cơ sở hạ tầng, liên kết với doanh nghiệp, địa phương xây dựng các tour đặc trưng.

Thiên nhiên đa dạng, giàu tài nguyên văn hóa

Là một huyện nằm ở phía Bắc Thủ đô, có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng xen kẽ tạo thành cảnh quan thiên nhiên phong phú. Trên địa bàn huyện có nhiều điểm đến thu hút khách du lịch tìm đến trong những kỳ nghỉ lễ như núi Sóc, núi Đôi, hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn.

Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng là nơi giàu tài nguyên văn hóa với hệ thống các di tích văn hóa, thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng. Trên địa bàn huyện có 341 di tích lịch sử văn hóa và 174 lễ hội được tổ chức hàng năm. Trong đó, có 1 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích xếp hạng di tích quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Lễ hội Gióng - đền Sóc)...

Du khách thăm quan di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc. Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch tại địa phương, Phó phòng Văn hóa, Thể thao huyện Sóc Sơn Trần Kiên cho biết, trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội định hướng đến năm 2030, cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan, được xác định là một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của TP Hà Nội với các sản phẩm du lịch tâm linh gắn với hội Gióng; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò...; du lịch thể thao, vui chơi giải trí, trường đua ngựa Sóc Sơn.

Hiện, huyện Sóc Sơn có 204 cơ sở lưu trú với tổng số 1.454 phòng. Dự kiến, quy mô buồng phòng đến năm 2030 sẽ đạt 5.000 buồng phòng. Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến Sóc Sơn đạt khoảng 1 triệu lượt du khách.

Đánh giá tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch của huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Hoàng Thị Điệp nêu rõ, bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, thể thao, nghỉ dưỡng cuối tuần... huyện Sóc Sơn còn có lợi thế phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe. “Với lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài, Sóc Sơn có thể trở thành điểm lưu trú và trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế” - bà Điệp đánh giá.

Du khách thăm quan Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn). Ảnh: Hoài Nam

Đầu tư khai thác du lịch vẫn chủ yếu tự phát

Mặc dù Sóc Sơn có nhiều tiềm năng để thu hút du khách, tuy nhiên du lịch Sóc Sơn vẫn chưa phát triển tương xứng với thế mạnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn thừa nhận, hiện việc đầu tư khai thác du lịch chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, trên địa bàn chưa có khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Sóc Sơn cũng chưa có nhiều điểm vui chơi, giải trí, thiếu hệ thống nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ những đoàn khách số lượng lớn, nhân lực phục vụ du lịch chưa được đào tạo bài bản.

Theo các chuyên gia, địa phương cần có quy hoạch phát triển vùng du lịch bài bản, đồng thời phải có chính sách thu hút đầu tư những dự án quy mô lớn. “Khi đã có những dự án du lịch quy mô lớn đầu tư tại Sóc Sơn, sẽ tạo ra sức hút du khách đến với địa phương. Sau khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp du lịch giải trí Vinpearl Phú Quốc đã thu hút một lượng lớn du khách đến hòn đảo này nghỉ dưỡng”- Giám đốc Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa nêu ví dụ.

Du khách thăm quan chùa Non Nước trong quần thể di tích đền Sóc. Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh du lịch, Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy Vũ Văn Tuyên cho biết, Sóc Sơn hội tụ mọi lợi thế về du lịch của Hà Nội nhưng vẫn chưa thu hút khách, một trong những lý do là chưa định vị tiềm năng du lịch phù hợp. Để khắc phục điểm yếu này thời gian tới bên cạnh phát triển du lịch tâm linh, Sóc Sơn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch chữa lành, du lịch sinh thái, hình thành sản phẩm “từ nông trại đến bàn ăn”.

Hiến kế cho huyện Sóc Sơn thu hút du khách, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, huyện cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để du khách biết đến du lịch địa phương, đồng thời thu hút nhà đầu tư lớn quan tâm đến tiềm năng thế mạnh địa phương. “Trong quá trình quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ, địa phương nên tận dụng lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài để quảng bá dịch vụ tại sân bay” - ông Tuấn Anh gợi ý.

Du khách thăm quan di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc . Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ chuyên gia, Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng và tư vấn du lịch (Đại học Kinh tế Quốc dân) Phùng Thị Hằng cho rằng, là địa phương có thế mạnh về di tích văn hóa, lễ hội thời gian tới Sóc Sơn nên đẩy mạnh liên kết với các quận, huyện và tỉnh lân cận xây dựng những sản phẩm du lịch theo chuyên đề. Đồng thời liên kết với Phú Thọ xây dựng tour du lịch tâm linh, đưa du khách thăm quan đền quần thể di tích thờ thánh Gióng, đến Hùng, Hoàng thành Thăng Long.

Để “chắp cánh" cho du lịch huyện Sóc Sơn, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Sóc Sơn trong công tác xây dựng hoàn thiện đề án kêu gọi, thu hút hoạt động đầu tư vào khu vực quy hoạch phát triển du lịch. Đồng thời quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn, vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour, tuyến kết nối các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dinh-vi-tiem-nang-du-lich-huyen-soc-son.html