Gỡ vướng danh mục phân loại xanh

Tuy rất có tiềm năng, nhưng tín dụng xanh đang tắc vì pháp luật hiện chưa quy định rõ danh mục phân loại xanh cũng như tổ chức nào có chức năng xác nhận đạt tiêu chí 'xanh'.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) phối hợp với tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 3-4, tại Hà Nội, các ý kiến chỉ ra nhiều khuyết thiếu trong khung khổ pháp lý về tín dụng “xanh”.

Theo đó, pháp luật hiện chưa quy định rõ danh mục phân loại xanh cũng như tổ chức nào có chức năng xác nhận đạt tiêu chí “xanh”.

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 7 năm qua (2017 - 2023), dư nợ tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Đến 31-12-2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn là hiện chưa có danh mục phân loại xanh (danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường – PV) làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ TN-MT làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng danh mục phân loại xanh, trình Chính phủ ban hành trước 31-12-2022. Tuy nhiên, tới nay bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN-MT cho biết, một cơ quan nhà nước có thể đứng ra xác nhận xanh nhưng lại làm tăng thủ tục hành chính. Phương án khác là để đơn vị kiểm toán đứng ra xác nhận, tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì việc giao đơn vị kiểm toán cấp phép chưa đạt độ tin tưởng.

Phương án mà Bộ TN-MT đang đề xuất là để trực tiếp các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ căn cứ vào bộ chỉ số, danh mục phân loại xanh của Bộ TN-MT xây dựng để xác định dự án có đạt yêu cầu về “xanh” hay không.

Tham gia ý kiến, bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách chương trình ngân hàng bền vững, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đề xuất giao cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý) xác nhận các khía cạnh về môi trường, quản lý môi trường và xã hội và xác nhận dự án xanh. Tuy nhiên, để các tổ chức này cung cấp các đánh giá độc lập thì cần bổ sung các yếu tố năng lực liên quan đến tài chính, chuyên môn.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để đạt tiêu chí này, ước tính, Việt Nam cần 368 - 380 tỷ USD cho cả giai đoạn, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-vuong-danh-muc-phan-loai-xanh-post733630.html