Gỡ khó cho doanh nghiệp để đưa nền kinh tế tăng tốc

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/5/2024. Một trong những nội dung đầu tiên các đại biểu Quốc hội sẽ nghe và thảo luận tại kỳ họp này là về tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024. Trước thềm kỳ họp, một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội kỳ vọng vấn đề phục hồi sức khỏe cho doanh nghiệp, thúc đẩy nhu cầu đầu tư tư nhân sẽ được phân tích, thảo luận sâu tại kỳ họp này để tạo đà cho nền kinh tế đạt những mục tiêu đề ra.

Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp trong vài năm qua đã phát huy tác dụng tích cực. Ảnh tư liệu

Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp trong vài năm qua đã phát huy tác dụng tích cực. Ảnh tư liệu

Kinh tế cải thiện nhưng chưa có đột phá

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2024 đến nay, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, ngày càng khó lường hơn. Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nợ công, nợ quốc gia được bảo đảm. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.

Chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng tích cực

Tại kỳ họp này, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một vấn đề được quan tâm. Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giãn, giảm nhiều loại thuế, phí… trong vài năm qua đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, không thể dựa mãi vào những chính sách như vậy mà đã đến lúc cần bàn đến những chính sách dài hơi hơn.

“Mặc dù tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhưng các biện pháp kích thích tài khóa không nên kỳ vọng duy trì dài hạn. Việc sử dụng các chính sách tài khóa như những năm qua lâu dần sẽ làm giảm dư địa tài khóa quốc gia" - Ông Vũ Sỹ Cường nhận định.

Những kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng khi năm 2024 là năm “nước rút” trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng 15% trong 4 tháng đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế…

Nhìn nhận về bức tranh kinh tế đầu năm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, tăng trưởng quý 1/2024 vẫn tiếp tục giữ được đà phục hồi của quý 4/2023 là xu hướng tốt đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu hàng hóa 4 tháng tăng 15%, nhập khẩu cũng tăng 15,4%, xuất siêu 8,4 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi của sản xuất kinh doanh. Đối với đầu tư công, thông thường quý 1 các năm có mức giải ngân thấp, song năm nay cả tỷ lệ giải ngân và số tiền giải ngân đều đạt khá cao. Đây là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng.

Ở chiều ngược lại, thách thức của nền kinh tế hiện nay là tình hình thế giới khó đoán định, bất ổn địa chính trị gia tăng. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng dần, nhu cầu nội địa yếu… đang là vấn đề cần chú ý.

“Giai đoạn trước kinh tế thế giới lao đao thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ được là nhờ cầu nội địa khá tốt. Nhưng quý I năm nay chưa nhìn thấy sự phục hồi của nhu cầu nội địa, hiện đang thấp nhất vài năm gần đây. Yếu tố này rất đáng suy nghĩ” - GS.TS Hoàng Văn Cường bình luận trước thềm kỳ họp.

Cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là giải pháp căn cơ

Đặc biệt, vị đại biểu đoàn Hà Nội lo ngại khi con số về đầu tư tư nhân thấp đáng báo động. Cũng trong giai đoạn này, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khá lớn, cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, thể hiện sức sống của doanh nghiệp có thể đang “héo mòn”.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng thấp dù lãi suất cũng rất thấp đã cho thấy nhiều doanh nghiệp đang khó khăn. Họ không có nhu cầu sử dụng vốn hoặc không thể tiếp cận vốn. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép kéo dài Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn, đồng thời cũng thể hiện rằng thời kỳ khó khăn vẫn còn có thể kéo dài.

“Doanh nghiệp không phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo được việc làm thì làm gì có tăng trưởng, kể cả khi thế giới có phục hồi mà doanh nghiệp của ta yếu thì kinh tế cũng không thể đi lên” - ông Hoàng Văn Cường nhận xét. Do đó, tại kỳ họp này, một trong những vấn đề đại biểu quan tâm là bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đây cũng là vấn đề mà chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận sâu hơn tại Kỳ họp thứ 7. Theo vị chuyên gia này, trước hết phải tháo được nút thắt ở thị trường tín dụng, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Để khơi thông dòng tín dụng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, không còn cách nào khác vẫn là phải cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp mới có nhu cầu phát triển kinh doanh, nhu cầu vay vốn và trả nợ. Lúc này, ông cho rằng các biện pháp hỗ trợ về phía cung như giảm lãi suất không còn nhiều tác dụng bởi một khi doanh nghiệp không có nhu cầu phát triển kinh doanh thì lãi suất thấp họ cũng không vay.

"Có thể việc thảo luận chưa đưa chúng ta đến giải pháp cụ thể ngay, nhưng ít nhất sẽ là khơi mở các khía cạnh, làm rõ vấn đề để từ đó có hướng hành động phù hợp. Những giải pháp đột phá, những cải cách hiệu quả đều bắt đầu từ những thảo luận thẳng thắn, tâm huyết" - TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Tăng trưởng năm 2024 có thể ở mức 6%

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024, công bố ngày 17/5, kinh tế đã có khởi sắc trong 4 tháng đầu năm, khi động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VERP, xu thế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro bất định phía trước. VEPR nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức cận dưới mục tiêu là 6%. Thậm chí có những rủi ro, khó khăn đã vạch ra nhưng có diễn biến phức tạp hơn, có thể chỉ đạt 5,5% như dự báo của Ngân hàng Thế giới.

Cho rằng động lực tăng trưởng còn yếu và khó, VEPR đưa ra 5 kiến nghị chính sách bao gồm các giải pháp tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung vào dự án cơ sở hạ tầng vừa giúp đạt mục tiêu đầu tư nhưng cũng nhằm đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Cùng với đó là ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp; tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024. Đặc biệt, VERP tiếp tục đề xuất các giải pháp để nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.

"Doanh nghiệp mà khó khăn thì các chỉ tiêu vĩ mô khác khó đạt. Chúng tôi muốn nhắc đến bức tranh doanh nghiệp tương đối ảm đạm khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên đáng kể so với số doanh nghiệp đăng ký mới; quy mô vốn doanh nghiệp đang giảm đi. Đây là lý do cần tiếp tục các chính sách chỗ trợ doanh nghiệp" - TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-kho-cho-doanh-nghiep-de-dua-nen-kinh-te-tang-toc-151053-151053.html