Gò Cỏ ẩn tích thành làng du lịch nổi danh

Làng Gò Cỏ nằm bên mép biển gắn với di tích Quốc gia đặc biệt Sa Huỳnh, ẩn mình bên chân sóng nghìn năm qua.

Giờ đây, làng Gò Cỏ (thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã trở thành một điểm đến trong con đường di sản, trở thành làng du lịch hút khách trong và ngoài nước.

Khi nông dân làm du lịch

Làng Gò Cỏ hoang sơ, mộc mạc được đánh thức từ sự nỗ lực của người dân và đặc biệt là cô gái Nguyễn Thị Diễm Kiều (Trong ảnh: Diễm Kiều đi hàng đầu bên phải giới thiệu với du khách về từng điểm đến của làng du lịch 3 sao)

Theo con đường bê tông nhỏ từ QL1 về làng Gò Cỏ, PV Báo Giao thông chạy xe quanh co bên đầm An Khê và đồng muối Sa Huỳnh. Con đường được bao bọc bởi những hàng cây gốc trơ trọi, lộ bộ rễ cũng đã trăm năm tuổi và những đồi cát vàng óng dưới nắng.

Không như những ngôi làng khác đang trở mình vươn lên bằng những dãy nhà san sát đầy hiện đại, Gò Cỏ vẫn có nét hoang sơ hiện diện ở những ngôi nhà vách đất, những mảng tường đá xếp chồng lên nhau và những con người mộc mạc, hiền hòa đậm chất dân miền biển.

Xen lẫn những ngôi nhà vách đất dân dã ấy là những homestay nhỏ xinh đang ngày ngày đón khách đến với làng Gò Cỏ. Homestay ở đây cũng chỉ là những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ được xây dựng cách đây hàng chục năm, mái nhà lợp bằng cỏ tranh, rồi đặt vào đó giường đệm, điều hòa, quạt điện… đón khách.

Tận dụng ngôi nhà rộng chưa đến 20m2, bà Bùi Thị Vân, 69 tuổi, làm homestay đón khách. Homestay nhỏ xinh của bà đông khách đến nỗi, nhiều lần bà phải từ chối đón đoàn: “Bao đời nay, chúng tôi sống giữa di sản mà chẳng biết. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Vậy mà giờ đây, trở thành làng du lịch, chúng tôi có công ăn việc làm ngay trên quê hương mình”.

Homestay của bà Vân có tên “Nhà tranh”, bà nói đặt tên như thế để lưu giữ kỷ niệm căn nhà bà sống hàng chục năm qua. Trong homestay có 3 giường ngủ, với giá 240.000 đồng/ngày đêm/du khách.

Không chỉ có nguồn thu từ cho thuê nơi nghỉ, bà Vân còn kiêm luôn nhiệm vụ làm đầu bếp khi du khách có nhu cầu. Mỗi bữa ăn của du khách có giá 60.000 đồng. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cuộc sống của vùng đất này, ăn những món ăn dân dã ở đây, như canh lưỡi long (một loại xương rồng) hay bánh ít...

Bà Huỳnh Thị Thương (69 tuổi) cũng tự hào nhìn về căn nhà tranh, vách đất theo kiến trúc cổ xưa giờ đã trở thành homestay xinh xắn thường xuyên đông khách. Bà Thương bảo, những năm 2017 trở về trước, làng Gò Cỏ sống khép mình, rất ít giao thiệp với bên ngoài, nên người bên ngoài gán cho cái tên là xứ “khỉ ho, cò gáy”, bao đời vẫn kham khổ.

Nhưng những năm gần đây, Gò Cỏ ngày càng hút khách du lịch, bà con trở thành hướng dẫn viên du lịch. “Ai hiểu gì về làng mình thì kể nấy, ban đầu cũng “nhát”, nhưng riết thành quen, mình kể chuyện dân dã, giới thiệu những điều đơn sơ của làng mà hút người nghe lắm”, bà Thương chia sẻ.

Ở làng Gò Cỏ có 13 ngôi nhà dân trở thành homestay với những cái tên thú vị như: Tám sương gió, Nhà tranh, Gành, Bánh ít... Chủ homestay là những nông dân chân chất ở Gò Cỏ, giờ kiêm cả đầu bếp, phục vụ, hướng dẫn viên du lịch và cả… bồi bàn, dọn phòng đến người cung cấp thực phẩm cho du khách.

“Gò Cỏ có cảnh sắc, văn hóa tuyệt đẹp, độc đáo. Đến đây chúng tôi không chỉ được ngắm, mà còn được trải nghiệm văn hóa. Người dân ở đây rất mến khách, sau vài câu chào hỏi nhau, bạn sẽ trở thành người làng. Muốn đi biển đánh cá, đi lên rẫy trồng khoai hay ngồi đan lưới, làm bánh ít... người dân đều tận tình hướng dẫn”, chị Thùy, một du khách đến từ Quảng Nam cho hay.

Ký ức làng ẩn danh

Vẻ đẹp của làng Gò Cỏ từ trên cao

Nhộn nhịp làm du lịch nhưng những người dân Gò Cỏ như bà Vân, bà Thương không bao giờ quên được, Gò Cỏ như “ốc đảo” bao đời qua.

Làng bao bọc bởi những ngọn núi cát, muốn ra ngoài bán nông sản hoặc hải sản, đôi chân bám vào cát nóng, đi vài bước lại ném tấm nan xuống đứng cho đỡ bỏng. Cuộc sống khó khăn khiến chừng 20 năm trở lại đây, làng Gò Cỏ chứng kiến một cuộc di cư rầm rộ của những người trẻ, họ lần lượt rời làng vào Nam mưu sinh.

Chỉ đến khi những nhà nghiên cứu đặt chân đến, họ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ở nơi này, thì đích thân ông Gui Martini - Tổng thư ký Công viên địa chất toàn cầu (UNESCO) chấp bút thảo dự án kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn di sản làng Gò Cỏ.

Lời kêu gọi ấy được tổ chức môi trường Thái Bình Dương hưởng ứng, hỗ trợ 10.000 USD giúp người dân bảo vệ môi trường. “Gò Cỏ là báu vật của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh”, ông Gui Martini đánh giá.

Từ một ẩn tích không mấy người biết đến, giờ làng Gò Cỏ bắt đầu mở cửa đón du khách.

Theo PGS. TS. Ngô Văn Doanh, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu văn hóa Chăm Pa, 3.000 năm trước, nơi đây là cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh, chừng 1.000 năm trước nơi đây là một làng mạc của nền văn hóa Chăm Pa. Người Chăm Pa từng sinh sống ở đây rất phồn thịnh.

“Những con đường đá xuyên núi nối các làng, hay hệ thống thủy lợi được xếp đá công phu từ trên núi xuống ruộng là minh chứng cho sự phồn thịnh đó. Chắc chắn người Chăm Pa đã sống rất lâu ở nơi này, nên mới kỳ công làm những con đường đá và hệ thống thủy lợi kiên cố đến vậy”, ông Doanh cho hay.

Ở mảnh đất rộng chưa đầy 100ha còn nguyên vẹn 13 giếng Chăm, một bia ký Chăm Pa khắc trên đá được đánh giá lớn nhất Việt Nam, những khu rừng hoang dại bám đá, bám biển nghe sóng vỗ mà sinh sôi. Dưới tán rừng dứa dại, bàng, bời lời là những con đường đá tuyệt đẹp của người Chăm Pa để lại.

Người truyền cảm hứng

Du khách tham quan làng Gò Cỏ, nền đường được lát đá từ hàng trăm năm trước

Nhưng để có Gò Cỏ hôm nay, còn có cả một quá trình vun đắp, xây dựng từ bàn tay, công sức, giấc mơ của những con người ở làng cổ đầy dân dã này. Đặc biệt là từ cống hiến của cô gái trẻ Nguyễn Thị Diễm Kiều.

Hơn 7 năm trước, trong một chuyến đi thuyền dọc ven biển khảo sát xây dựng hồ sơ không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản thế giới với chuyên gia UNESCO, Diễm Kiều lần đầu tiên đặt chân lên Gò Cỏ. Từ đó, cô gái trẻ 31 tuổi vốn yêu thích du lịch cộng đồng đã mê mẩn với tầng lớp di sản và văn hóa ở đây và quyết định trở lại sau chuyến đi.

Kiều đến từng nhà, mời tham gia làm du lịch cộng đồng. Ban đầu, ai nấy đều lắc đầu. Bởi ở nơi “khỉ ho, cò gáy” chỉ toàn đá với đá xếp chồng lên nhau vây lấy bao thế hệ, thì làm du lịch bằng cách nào?

“Tôi thuyết phục, mời người dân đi đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) tham quan. Sau chuyến đi, một số người bắt đầu thay đổi quan điểm. Những manh nha của làng du lịch dần hiện diện. Đó là một hành trình đầy may mắn và tôi vui vì người dân đã mở lòng để xây dựng làng”, Diễm Kiều hạnh phúc.

Năm 2019, Diễm Kiều vận động người dân thành lập HTX Du lịch cộng đồng. Cô đứng ra làm giám đốc, gánh tất cả những công việc lập web, trang Facebook, làm việc với các đơn vị lữ hành, đặt tour, phân chia các đội nhóm dịch vụ như hướng dẫn viên, nấu ăn, hát bài chòi, dẫn khách đi đánh cá... Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.

Nhiều người dân ở đây giờ trở thành chủ nhân của làng du lịch Gò Cỏ bảo rằng: Họ may mắn khi được cô gái ấy truyền thứ cảm hứng lớn lao để biến quê nhà heo hút thành điểm đến của những đoàn du khách trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, với giá trị mà làng du lịch Gò Cỏ mang lại, địa phương luôn ủng hộ và có những hỗ trợ để làng du lịch phát triển “nâng hạng” thành làng du lịch 4 sao, thậm chí là 5 sao trong tương lai.

“Địa phương rất mừng khi điểm du lịch được phát triển, được du khách biết đến và đời sống người dân ngày càng nâng lên. Tới đây, ngoài hỗ trợ về cơ chế, nguồn lực để làng du lịch phát triển thì chúng tôi sẽ tổ chức các đợt quảng bá, xúc tiến giới thiệu làng Gò Cỏ đến với du khách nhiều hơn nữa thông qua các diễn đàn trong và ngoài tỉnh”, ông Hiển cho biết.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/go-co-an-tich-thanh-lang-du-lich-noi-danh-d587284.html