Giải quyết khúc mắc để xác minh tài sản cán bộ hiệu quả

Cần phát huy tối đa tất cả cơ chế, công cụ để mọi cán bộ dù thuộc cơ quan nào quản lý, đều được kiểm soát tài sản, thu nhập một cách chặt chẽ, công bằng.

Việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ có mục tiêu cao nhất là phòng chống tham nhũng. Nhằm thực hiện mục tiêu ấy, cần có những giải pháp đồng bộ để việc xác minh TSTN của cán bộ đi vào thực chất.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, có tám quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN). Trong đó Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN từ giám đốc sở và tương đương trở lên; cấp dưới thuộc thẩm quyền của thanh tra tỉnh. Những quan khác: TAND, VKSND, Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát TSTN của người thuộc quyền quản lý.

Tuy vậy, tháng 2-2022, Bộ Chính trị có Quyết định 56-QĐ/TW, ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Theo quy chế này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm soát TSTN của những người thuộc diện ban thường vụ cùng cấp quản lý và những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan này. Trong số cán bộ này có bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương ở các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc kê khai và xác minh TSTN đối với những cán bộ này như thế nào là vấn đề cần được quan tâm giải quyết thấu triệt.

Ngoài ra, có những vấn đề phát sinh trên thực tế. Hiện chưa có quy định cụ thể về công tác này đối với cán bộ tương đương giám đốc sở tại bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước... Do đó, một số người thuộc diện khai có thể không biết do Thanh tra Chính phủ hay do bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát, dẫn tới lúng túng khi thực hiện.

Hiện nay có những người vừa giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữ chức vụ trong tổ chức Đảng. Theo Luật PCTN, Thanh tra tỉnh và cơ quan có chức năng của Đảng đều chịu trách nhiệm kiểm soát TSTN của cán bộ này. Từ đó có thể dẫn tới sự chồng chéo trong hoạt động kiểm soát.

Cũng theo Luật PCTN, phải kê khai tổng thu nhập giữa hai lần kê khai. Trên thực tế, một số trường hợp sau khi kê khai lần đầu nhiều năm sau mới kê khai lần hai. Đây là căn nguyên của việc khó kê khai đầy đủ, chính xác. Mặt khác, việc kê khai tài sản từng được thực hiện trước đây. Những bản kê khai cũ được xử lý ra sao, có mối liên hệ gì với bản kê khai mới cũng là bài toán.

Theo quy định, trong 20 ngày kể từ khi nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức người kê khai cần kiểm tra và giao một bản cho cơ quan kiểm soát TSTN thẩm quyền. Với số lượng người kê khai lớn và rộng khắp, điều này có thể dẫn tới quá tải, chậm tiến độ.

Những vấn đề trên cùng nhiều vướng mắc khác trong quá trình triển khai kê khai, xác minh tài sản của cán bộ cần được phân tích kỹ lưỡng, hướng dẫn đầy đủ, giải quyết kịp thời.

Một công cụ để việc kiểm soát TSTN được thông suốt, thuận lợi, chính xác đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN”. Theo kế hoạch, sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát TSTN bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTNđược xâydựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ.

Trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác chống tham nhũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra, cần phát huy tối đa tất cả cơ chế, công cụ để mọi cán bộ dù thuộc cơ quan nào quản lý, đều được kiểm soát TSTN một cách chặt chẽ, công bằng.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-quyet-khuc-mac-de-xac-minh-tai-san-can-bo-hieu-qua-post702005.html