Đười ươi biết dùng cây thuốc để tự điều trị vết thương

Một con đười ươi biết tự nhai cây thuốc và đắp lên vết thương trên mặt, sau 2 tháng, vết thương hoàn toàn lành lặn như chưa có chuyện gì xảy ra.

Đười ươi Rakus với vết thương ở dưới mắt phải, được nhìn thấy tại khu nghiên cứu Suaq Balimbing ở Indonesia. Nguồn: AP.

Ngày 3/5, một nghiên cứu mới trên Scientific Reports cho biết, một con đười ươi đã chữa trị vết thương bằng thuốc từ một loại cây nhiệt đới. Đây là ví dụ mới nhất về cách một số loài động vật cố gắng chữa bệnh bằng các phương thuốc tìm thấy trong tự nhiên.

Các nhà khoa học đã quan sát Rakus, một con đười ươi hoang dã, nhổ và nhai lá của một loại cây thuốc được người dân khắp Đông Nam Á sử dụng để điều trị đau và viêm. Con đười ươi đực trưởng thành sau đó dùng ngón tay bôi nước ép cây lên vết thương ở má phải. Sau đó, nó ép cây đã nhai để che vết thương hở giống như một miếng băng tạm thời.

Nghiên cứu trước đây đã ghi nhận một số loài vượn lớn tìm kiếm thuốc trong rừng để tự chữa lành vết thương, nhưng các nhà khoa học chưa thấy một loài động vật nào tự chăm sóc bản thân theo cách này.

Đồng tác giả nghiên cứu Isabelle Laumer, nhà sinh vật học tại Viện Hành vi động vật Max Planck ở Konstanz, Đức, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát thấy một cá thể động vật hoang dã bôi trực tiếp một loại cây thuốc vào vết thương”.

Đười ươi Rakus với khuôn mặt lành lặn 2 tháng sau khi tự điều trị vết thương bằng cây thuốc. Nguồn: AP.

Hành vi của đười ươi Rakus được ghi lại vào năm 2022 bởi oogn Ulil Azhari, đồng tác giả và nhà nghiên cứu thực địa tại Dự án Suaq ở Medan, Indonesia. Các bức ảnh cho thấy, vết thương của con vật lành lại trong vòng một tháng mà không gặp vấn đề gì.

Trước đây, các nhà khoa học đã quan sát đười ươi ở Công viên Quốc gia Gunung Leuser của Indonesia từ năm 1994, nhưng họ chưa từng thấy hành vi này.

“Rất có thể đó là cách tự dùng thuốc. Con đười ươi chỉ bôi cây này vào vết thương chứ không bôi lên bộ phận nào khác của cơ thể”, nhà sinh vật học Jacobus de Roode của Đại học Emory de Roode cho biết.

Đồng tác giả Caroline Schuppli tại Max Planck cho biết, có thể Rakus đã học được kỹ thuật này từ những con đười ươi khác sống bên ngoài công viên và tránh xa sự giám sát hàng ngày của các nhà khoa học.

So sánh khuôn mặt của đười ươi Rakus trước và sau khi tự điều trị vết thương. Nguồn: AP.

Đười ươi Rakus sinh ra và sống bên ngoài khu vực nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu tin rằng, con đười ươi bị thương khi đánh nhau với một loài vật khác. Người ta không biết liệu trước đó Rakus có tự điều trị các vết thương khác theo cách trên hay không.

Các nhà khoa học trước đây đã ghi nhận các loài linh trưởng khác sử dụng thực vật để chữa bệnh cho bản thân. Đười ươi Bornean xoa mình bằng nước ép từ cây thuốc, có thể để giảm đau cơ thể hoặc xua đuổi ký sinh trùng.

Người ta đã quan sát thấy tinh tinh ở nhiều địa điểm nhai chồi của những loại cây có vị đắng để làm dịu dạ dày của chúng. Khỉ đột, tinh tinh và bonobo nuốt một số lá thô để loại bỏ ký sinh trùng trong dạ dày.

“Nếu hành vi này tồn tại ở một số họ hàng gần gũi nhất còn sống của chúng ta, nó có thể cho chúng ta biết về cách y học phát triển từ thời sơ khai?”, bà Tara Stoinski, Chủ tịch và Giám đốc khoa học của Quỹ khỉ đột Dian Fossey cho biết.

Mai Phương (theo AP)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duoi-uoi-biet-dung-cay-thuoc-de-tu-dieu-tri-vet-thuong-10278967.html