Dưới bóng nhà Gươl

Làng Phú Túc ở phía Đông dãy Trường Sơn. Làng toàn nhà xây như mọi ngôi làng ở miền xuôi. Nếu không có mái nhà Gươl sừng sững sẽ khó nhận ra đây là nơi hội tụ của hàng trăm hộ đồng bào Cơ Tu xã miền núi Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Nhà Gươl là nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Trần Lê Tâm.

Đổi thay ở ngôi làng của người Cơ Tu

Ngày mới của già làng Phú Túc Đinh Văn Trí bắt đầu bằng việc chăm chút các vật dụng ở khoảng sân rộng trước nhà Gươl. Theo lời già Đinh Văn Trí thì Phú Túc dựng nhà Gươl sớm hơn các làng Cơ Tu trên dãy Trường Sơn kể từ năm 1975 khi đất nước vừa thống nhất. Nếu như ở miền xuôi, người Kinh có ngôi Đình làng; ở Tây Nguyên, người Ba Na, người Gia Rai, có mái nhà Rông thì trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Tu tự hào với nhà Gươl của dân tộc mình. Bao đời nay, nhà Gươl không chỉ là nơi lưu giữ, trao truyền giá trị văn hóa, tinh thần, nuôi dưỡng, hun đúc khát vọng của người Cơ Tu mà còn là không gian để đồng bào Cơ Tu xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, thủy chung trong cộng đồng và với các dân tộc anh em, một lòng theo Đảng cùng xây dựng đời sống mới ấm no.

Đã gần 80 tuổi nhưng già Đinh Văn Trí vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn lắm. Già kể với tôi những ngày tháng khó khăn của làng Phú Túc. Ngôi làng ở đầu ngọn suối Lỗ Đông, dưới chân Dốc Kiền cao ngất nối Đà Nẵng với huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam). Từ năm 2000 trở về trước, Phú Túc không có nhà xây mà chỉ có những ngôi nhà sàn nhỏ, chông chênh bên dòng suối. Từ Phú Túc, muốn lên thị trấn Prao của huyện Hiên, nơi già Đinh Văn Trí làm Phó Phòng giáo dục huyện, “xe đò” phải mất cả ngày ì ạch vượt những địa danh không thể nào quên như Ngầm Đôi, Dốc Kiền, Sông Kôn, Sông Voi… Từ Phú Túc nhìn về phía Đông là Đà Nẵng, cán bộ xuống dưới đó họp hành, cũng phải mất nửa ngày đi, nửa ngày về.

Làng Phú Túc nguyên là nơi đóng trụ sở của Huyện ủy Hòa Vang thời chiến tranh. Ảnh: Thanh Tùng.

Giao thông cách trở nhưng già Đinh Văn Trí vẫn lặn lội đi về, cùng người cao tuổi trong làng đến từng bếp lửa chung men rượu cần, “nói lý”, “hát lý” (mượn hình ảnh thiên nhiên vạn vật chuyển tải suy nghĩ của mình), vận động bà con chung sức chung lòng dựng nhà Gươl. Hũ gạo chưa đầy nhưng nhà Gươl thì không thể thiếu. Thông điệp giản đơn nhưng đầy ý nghĩa bên bếp lửa của già Đinh Văn Trí làm ấm lòng người Cơ Tu làng Phú Túc. Người góp của, người góp công, chẳng bao lâu nhà Gươl được dựng xong. Sân nhà Gươl âm vang tiếng chiêng ngân trong những mùa cúng cơm mới; rộn ràng vũ điệu “Tung Tung”, “Da Dá” của trai gái Cơ Tu vào những đêm trăng sáng; tưng bừng sôi động trong Ngày hội Đại Đoàn Kết toàn dân tộc hàng năm…

Bí thư chi bộ, Trưởng làng Phú Túc Đinh Văn Nghĩa cho biết, làng có 167 hộ với 657 khẩu. Từ đầu năm 2000 đến nay các hộ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà xây, ổn định cuộc sống. 100% hộ dân có điện, nước sinh hoạt, sử dụng bếp gas, trên 80% hộ có xe máy, trên 70% người dân sử dụng điện thoại thông minh kết nối với dịch vụ hành chính công. 8 thôn của xã Hòa Phú có 3 điểm trường tiểu học thì 1 điểm trường được đặt ở Phú Túc (gia đình ông Đinh Văn Nghĩa đã hiến 1.000 m2 đất khai hoang để xây dựng điểm trường này). Con em các hộ Cơ Tu ở Phú Túc được Nhà nước hỗ trợ kinh phí học hành từ mầm non cho đến hết THPT…Đời sống, sinh hoạt của người dân làng Phú Túc thay đổi nhanh chóng nhờ chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Ông Đinh Văn Nghĩa, Trưởng làng Hòa Phú với sản phẩm rượu cần truyền thống. Ảnh: Thanh Tùng.

Giữ ấm men rượu cần

Từ một ngôi làng heo hút, cách trở giao thông, Phú Túc đã trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách muốn thưởng ngoạn, trải nghiệm tại các khu du lịch nổi tiếng dưới chân Dốc Kiền, phía Tây Đà Nẵng.

Có chút ưu tư trên khuôn mặt Trưởng làng Đinh Văn Nghĩa khi nhắc đến đặc sản truyền thống rượu cần của Phú Túc. Dù ở cạnh các khu du lịch nổi tiếng nhưng rượu cần thủ công do người Phú Túc làm ra không tiêu thụ nhiều như trước đây do khó cạnh tranh về giá thành với các loại nước uống có cồn sản xuất bằng dây chuyền công nghệ. Tổ hợp tác rượu cần từ 9 thành viên là các hộ trong thôn nay chỉ còn duy nhất hộ ông Đinh Văn Nghĩa trụ lại bằng hình thức lấy công làm lãi. Ông Nghĩa tin rằng đến một lúc nào đó, rượu cần Phú Túc sẽ có vị trí xứng đáng tại các khu du lịch lớn và trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu của du khách khi đến Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu cho biết, năm 2024, địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng Đề án phát phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng theo các Nghị quyết của thành phố và huyện Hòa Vang. Một trong những nội dung của Đề án là tiếp tục phát triển nghề truyền thống nấu rượu cần Phú Túc, tăng cường quảng bá sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Về văn hóa, xã sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng để dạy đánh cồng chiêng và múa “Tung tung”, “Da dá” cho thanh, thiếu niên; hỗ trợ trang phục truyền thống cho 100% học sinh và giáo viên người Cơ Tu.

Phú Túc cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể của huyện Hòa Vang. Theo ông Bùi Nam Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, cùng với hơn 300 suất quà thăm hỏi đồng bào vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Mặt trận và xã còn hỗ trợ đồng bào phát triển làng nghề truyền thống như sản xuất rượu cần Phú Túc.

Mặt trận huyện cùng với chính quyền xã Hòa Phú cũng đã làm việc với các khu du lịch thu hút lượng du khách lớn (đặc biệt là vào các thời điểm được nghỉ lễ nhiều ngày như 30/4 và 1/5) như Núi Thần Tài, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, Lái Thiêu để ưu tiên giải quyết việc làm cho 30 đến 40 lao động là con em làng Phú Túc. Dẫu còn những khó khăn trước mắt nhưng làng Phú Túc đã trở thành ngôi làng đẹp trên tuyến Quốc lộ 14 G với mái nhà Gươl sừng sững và các ngôi nhà xây khang trang giữa vườn cây trái.

Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duoi-bong-nha-guol-10278681.html