Đắk R'lấp phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch' (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai với những hoạt động thiết thực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trên địa bàn huyện Đắk R'lấp.

Tiếp sức cho các đội văn nghệ truyền thống

Mới đây, 37 thành viên Đội văn nghệ truyền thống bon Pi Nao, xã Nhân Đạo và Ol Bu Tung, xã Quảng Tín vui mừng nhận được những bộ trang phục truyền thống M’nông. Đây là chương trình thuộc Dự án 6 được huyện Đắk R’lấp hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các bon làng vùng đồng bào DTTS.

“Mọi người trong đội đều có niềm tự hào, say mê với văn nghệ và văn hóa dân tộc mình. Các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, sự kiện văn hóa…, đồng bào mang lời ca, điệu múa tích cực tham gia biểu diễn. Được các cấp quan tâm hỗ trợ trang phục, nhạc cụ, kinh phí hoạt động… em cảm thấy rất mừng và có thêm động lực đóng góp tích cực hơn nữa cho đội văn nghệ hoạt động ngày càng tốt hơn”, em Thị Năm, thành viên Đội văn nghệ truyền thống bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín chia sẻ.

Ngoài trang phục, đội văn nghệ truyền thống của 2 bon này cũng được trao tặng 2 bộ chiêng. Trước khi thực hiện hỗ trợ, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan, UBND các xã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại một số thôn, bon trên địa bàn các xã. Thông qua đó, năm 2022 - 2023 xây dựng phương án hỗ trợ hoạt động cho 2 đội văn nghệ truyền thống tiêu biểu và trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại các bon trên với kinh phí 280 triệu đồng.

Các Đội văn nghệ truyền thống huyện Đắk R'lấp tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương

Các Đội văn nghệ truyền thống huyện Đắk R'lấp tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương

Là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại cơ sở, đội văn nghệ truyền thống và phong trào văn nghệ quần chúng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm duy trì và nhân rộng. Việc hỗ trợ trên “tiếp sức” thêm cho các đội văn nghệ truyền thống hoạt động hiệu quả hơn.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Trong những năm qua, huyện Đắk R’lấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Dự án 6 tiếp thêm nguồn lực hỗ trợ đồng bào thành lập những mô hình hoạt động thiết thực. Cụ thể như thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống; tổ hợp tác dệt thổ cẩm, đan lát; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn truyền dạy nghề truyền thống;…

Các hoạt động của tổ hợp tác, câu lạc bộ, đội văn nghệ không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của người M’nông, mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Địa phương chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghề dệt thổ cẩm M’nông, lớp tập huấn giúp các học viên tạo ra các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc nhằm thu hút khách du lịch, tạo ưu thế cạnh tranh khi phát triển các mô hình du lịch trên địa bàn huyện

Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghề dệt thổ cẩm M’nông, lớp tập huấn giúp các học viên tạo ra các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc nhằm thu hút khách du lịch, tạo ưu thế cạnh tranh khi phát triển các mô hình du lịch trên địa bàn huyện

Đơn cử như đầu tháng 5 vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mở lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới cho phụ nữ trong huyện. Trong 5 ngày, trên 80% học viên tham gia đã biết dệt hoặc ứng dụng kỹ thuật dệt mới. Qua đó, các nghệ nhân, người dệt thổ cẩm học hỏi, phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh khi đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Chị Thị Thanh, bon Đắk Blao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn dệt thổ cẩm, bên cạnh việc được học dệt các mẫu hoa văn đặc trưng của người M’nông, em còn được hướng dẫn, tiếp cận, cải tiến cách dệt để rút ngắn thời gian và hiệu quả hơn. Ví dụ như việc dùng chỉ thay sợi để dệt một số sản phẩm mang lại sự tiện lợi, cách giăng chỉ nhanh hay sự phối màu sắc trên vải hợp với thị hiếu và nhu cầu thị trường hơn”.

Một số sản phẩm thổ cẩm bằng sợi chỉ do các học viên Lớp tập huấn dệt được sau 5 ngày học

Một số sản phẩm thổ cẩm bằng sợi chỉ do các học viên Lớp tập huấn dệt được sau 5 ngày học

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, các nội dung, hoạt động triển khai còn thúc đẩy công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiền đề như việc hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2022 – 2023, huyện Đắk R’lấp tiến hành sửa chữa, nâng cấp 4 nhà văn hóa cộng đồng ở các bon: Châu Mạ, xã Hưng Bình; bon Bu Sê Rê II, xã Đắk Ru; bon Đăng K’liêng, xã Quảng Tín; bon Bu N’đóh, xã Đắk Wer.

Giai đoạn 2021 - 2025, với nguồn vốn được phân bổ hơn 10 tỷ đồng, huyện Đắk R’lấp đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND xã Nhân Đạo tiến hành họp dân nhằm triển khai, lấy ý kiến cộng đồng dân cư về xây dựng Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của bon Pi Nao. Theo đó, bon Pi Nao cũng là 1 trong 12 mô hình trên cả nước được lựa chọn làm mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn của cả nước.

Với phương án xây dựng các hạng mục nhà truyền thống, cổng, nhà vệ sinh, sân lễ hội, khu nhà dịch vụ kết hợp sân trò chơi dân gian… tại địa điểm trảng cỏ bon Pi Nao rộng hơn 39.000m2. Địa điểm này gắn với các yếu tố về nguồn gốc, văn hóa, lịch sử... của đồng bào nơi đây. Toàn bộ mặt bằng kiến trúc tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống của người M’nông. Vị trí khu đất xây dựng kết nối tốt với làng dân tộc gần kề và là một bình địa rộng hội tụ các yếu tố cảnh quan đồi núi, mặt nước ở xung quanh; cảnh quan thiên nhiên đẹp thích hợp để làm du lịch.

Bản đồ Google Map khu vực thực hiện dự án Bảo tồn Làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp

Bản đồ Google Map khu vực thực hiện dự án Bảo tồn Làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk R’lấp, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đã thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng ở bon làng. Vì vậy, chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch là hướng đi đang được địa phương quan tâm thực hiện. Nhiều câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm của người M’nông đã hợp tác với các công ty du lịch tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm du lịch mới góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo động lực cho hộ gia đình giữ gìn truyền thống của dân tộc.

Lễ hội góp phần quan trọng trong việc quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Đắk R'lấp

Lễ hội góp phần quan trọng trong việc quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Đắk R'lấp

Bà Ngọc cũng cho biết, theo kế hoạch, sắp tới địa phương sẽ tổ chức Lễ hội sum họp cộng đồng của đồng bào M’nông. Các nghệ nhân và người dân đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội. Việc tổ chức lễ hội cũng gắn với các hoạt động quảng bá du lịch của huyện. Đây là một trong những bước quan trọng, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn tài nguyên văn hóa. Cũng qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia kinh doanh du lịch để được hưởng lợi từ du lịch.

Mẫn Doanh

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-r-lap-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-211819.html