Đằng sau đà tăng của đồng bạc xanh

Một diễn biến khó lường và không được báo trước cho năm 2024 đang làm đau đầu các nền kinh tế và các thị trường tài chính thế giới: đồng USD tăng giá.

Chỉ số USD của Bloomberg (BBDXY), một chỉ số được dùng để theo dõi hiệu suất của nhóm 10 đồng tiền chủ chốt (gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh và Mỹ) so với USD, đã tăng 4,6% trong năm nay, một thực tế đồng nghĩa với việc đồng bạc xanh đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường mới nổi. Con số này gần mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023 và trung tuần tháng 4 đã tăng 1,7%, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022.

Đồng USD mạnh lên khó lường kéo theo nhiều nguy cơ.

Nhiều tổ chức và doanh nghiệp trước đó dự báo Mỹ sẽ hạ lãi suất trong năm nay và sức mạnh của đồng USD sẽ được điều chỉnh đều đã “quay xe”, trong đó có Viện Đầu tư Wells Fargo khi thậm chí nhận định đồng tiền này sẽ nới rộng đà tăng đến hết năm 2025. Công ty quản lý tài sản UBS Asset Management dự đoán đồng USD có thể còn tăng hơn nữa dù đồng tiền này hiện đã cao hơn 20% so với giá trị thông thường.

Đồng USD tăng giá khi các nhà giao dịch ngày càng tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện nay để tránh nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Thời điểm Fed hạ lãi suất đang ngày càng xa dần, làm gia tăng nguy cơ đồng USD càng mạnh hơn nữa, từ đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, cả mới nổi và ở các nước công nghiệp phát triển tiên tiến.

Các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều chứng kiến đồng nội tệ suy yếu với tốc độ ngày càng nhanh, với đồng đôla Australia, đôla Canada và đồng euro giảm lần lượt 4,4%, 3,3% và 2,8%.

Đồng tiền của nhóm G20 các nền kinh tế lớn gần như đều mất giá so với đồng USD. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu mức giảm kể từ đầu năm ở mức 8,8%; đồng yen Nhật đã giảm 8% và đồng won Hàn Quốc mất 5,5%.

Ấn Độ và Nigeria nằm trong số những nước có tỷ giá giảm về các mức thấp kỷ lục. Những nước có nhiều nợ nước ngoài, như Maldives và Bolivia, cũng như những nước phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, được dự báo nằm trong số chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Các nền kinh tế mới nổi đặc biệt nhạy cảm với việc đồng USD mạnh lên bởi gánh nặng từ các khoản nợ bằng đồng USD sẽ gia tăng cùng với chi phí lãi vay cao hơn do lãi suất tăng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng USD tăng 10% trên thị trường tiền tệ sẽ đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở các nền kinh tế mới nổi giảm 1,9% sau một năm, với những tác động kinh tế bất lợi có thể kéo dài tới hơn 2 năm.

Vào năm 2022, khi đồng USD tăng giá tương tự, Sri Lanka đã rơi vào tình trạng vỡ nợ do đồng tiền của nước này mất giá trầm trọng. Các nền kinh tế mới nổi khác cũng đã cố gắng ngăn đồng nội tệ mất giá bằng cách tăng lãi suất trước khi Fed hành động vào năm 2021 và 2022.

Theo một số dự đoán, đà tăng trưởng và tình hình lạm phát tại Mỹ khiến nhiều nền kinh tế gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ và do đó họ hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua vào đồng USD. Đồng USD mạnh lên nhờ một loạt các chỉ dấu cho thấy kinh tế Mỹ không giảm tốc như nhiều dự đoán bi quan. Trong khi nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới có mức tăng trưởng vừa phải, các chỉ số kinh tế của Mỹ, từ số liệu việc làm đến doanh số bán lẻ, thậm chí đều liên tục vượt xa kỳ vọng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, được công bố hôm 10/4 tăng cao hơn kỳ vọng của thị trường, đồng nghĩa với việc nước này có thể trở lại chu kỳ lạm phát cao hơn. Trong bối cảnh này, người ta càng ít đặt cược vào khả năng Mỹ hạ lãi suất và thực tế là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng muốn trì hoãn thời điểm hạ lãi suất lâu hơn nữa. Thậm chí, với tình hình hiện tại, người ta còn nhắc đến khả năng Fed tăng lãi suất.

Các thị trường đều đồng loạt hạ dự báo về khả năng Fed nới lỏng chính sách, và trong bối cảnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây, lên gần 5%. Điều này, đổi lại càng thúc đẩy sức hút của đồng USD. Ngoài ra, “đồng bạc xanh” cũng được hưởng lợi từ dòng tiền đổ vào cổ phiếu của Mỹ giữa cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.

Thực tế là tình hình thế giới bất ổn về chính trị và tài chính càng cho thấy vai trò trú ẩn an toàn của đồng bạc xanh. Nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại nền kinh tế chững lại khi lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát. Việc Mỹ trì hoãn cắt giảm lãi suất khiến nhiều khả năng các nền kinh tế mới nổi sẽ buộc phải quay lại việc tăng lãi suất để bình ổn tình hình. Nguy cơ lạm phát trở lại càng gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi do tỷ giá hối đoái và giá dầu tăng.

Một số thị trường đã nhanh chóng hành động trước những cơn gió ngược. Trước mắt, nếu muốn kìm đà tăng lãi suất, một số nền kinh tế được cho là đang cố tìm cách phản ứng trước sự mất giá của đồng tiền thông qua các biện pháp can thiệp để “câu giờ”.

Thực tế việc đồng USD mạnh lên không phải lúc nào cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác, bởi đồng tiền yếu hơn sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của các nước, và đó cũng là cách vận hành cân bằng cho nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Mỹ diễn biến khả quan hơn phần còn lại của thế giới vì lẽ đó được xem là yếu tố củng cố mạnh mẽ nhất xu hướng hiện nay.

Nói một cách đơn giản, để đảo chiều xu hướng này, giữa Mỹ và các nền kinh tế còn lại trên thế giới cần có một sự cân bằng về cả tốc độ tăng trưởng và chính sách tiền tệ. Đáng tiếc, đây là khả năng khó có thể xảy ra khi xét đến những diễn biến hiện tại. Thêm vào đó, những căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới chưa thấy hồi kết hay mùa bầu cử sôi động tại nước Mỹ cũng đều là những nhân tố đang góp phần đẩy thêm sức hút cho đồng bạc xanh.

Thái Hân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dang-sau-da-tang-cua-dong-bac-xanh-i729730/