Mối quan hệ gia đình rạn nứt vì... giá vàng vượt 90 triệu đồng/lượng

Việc giá vàng biến động quá mạnh và lập đỉnh cao chưa từng thấy khiến nhiều người vay vàng khó xử.

Trong những tuần gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng cao, có lúc vượt 92 triệu đồng/lượng khiến nhiều người từng vay vàng trước đây không khỏi khó khăn.

 Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến hết 2016, giá vàng trong xu thế giảm hoặc biến động không lớn, nên người vay vàng không thiệt hại, nhưng trong phần lớn các năm, giá vàng tăng rất mạnh nên người vay vàng phải vô cùng cẩn trọng

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến hết 2016, giá vàng trong xu thế giảm hoặc biến động không lớn, nên người vay vàng không thiệt hại, nhưng trong phần lớn các năm, giá vàng tăng rất mạnh nên người vay vàng phải vô cùng cẩn trọng

Mối quan hệ gia đình bất hòa vì giá vàng

Trên các trang mạng xã hội gần đây, nhiều trường hợp đã chia sẻ chuyện vay vàng, thu hút rất nhiều sự quan tâm và tranh cãi.

Một tài khoản mạng xã hội chia sẻ: "Năm 2010, vợ chồng tôi có vay của anh chị 10 lượng vàng, giá vàng khi đó là 36 triệu đồng mỗi lượng. Khi vay, anh chị có quy ra 360 triệu đồng, yêu cầu trả lãi mỗi tháng 2 triệu đồng, gốc bao giờ có thì trả.

Vừa rồi, tôi có bán miếng đất để gom tiền trả nợ, nhưng anh chị đòi phải trả bằng 10 lượng vàng chứ không phải 360 triệu đồng. Mong mọi người cho ý kiến để anh chị nhận bằng tiền (360 triệu đồng), chứ với giá vàng như hiện giờ thì tôi không thể trả bằng vàng được".

Câu chuyện trên hiện đang nhận được rất nhiều ý kiến. Một số người cho rằng vay vàng thì phải trả bằng vàng, số khác lại nghĩ chỉ cần trả bằng tiền (360 triệu đồng) vì khi người em vay thì anh chị đã quy đổi vàng ra tiền để tính lãi rồi.

Một người khác kể: “Em đi làm ở Nhật có gửi về nước 1,5 tỷ đồng nhờ người chị chồng mua vàng, chị chồng bảo đã mua vàng rồi, ở thời điểm đó giá vàng khoảng 78 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên thời điểm này khi giá vàng lên vượt 90 triệu đồng/lượng, em có hỏi xin chị chồng trả lại vàng để mang bán kiếm lời thì chị chồng bảo chưa mua vàng và chỉ trả lại 1,5 tỷ thôi. Thế nhưng những người hàng xóm lại nói với em là chị chồng khoe mới bán vàng lãi lắm. Xin hỏi em nên làm thế nào trong trường hợp này?”

Vay vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi vay bằng vàng, người dân đối diện với hai rủi ro. Đó là rủi ro về hoán đổi (convertibility), giá của vàng bây giờ khác và giá sau này khác; Kế đến là rủi ro về thị trường. Thị trường thời điểm vàng cách đây 10 năm ít biến động hơn so với hiện tại.

"Thị trường vàng hiện tại có thể gọi “biến động như tàu lượn”, giá thay đổi quá nhanh, mạnh"- Ông Hiếu ví von.

Ông Hiếu cho rằng người dân nên thay đổi thói quen, cần có văn bản chứng nhận của pháp luật với các giao dịch tiền bạc dân sự, bởi nếu không thiệt hại về tài chính rất lớn, chưa kể làm tổn hại nặng nề đến các mối quan hệ.

Theo đó, họ cần phải làm hợp đồng vay mượn rõ ràng, trong đó giải thích rõ về nguồn trả nợ bằng tiền hay bằng vàng. Nếu trả nợ bằng tiền thì tính theo giá trị nào, giá trị thời điểm người đó đi vay hay giá trị ở thời điểm trả nợ. Từ những điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xem xét cũng như quyền lợi các bên được bảo đảm.

 Diễn biến giá vàng từ năm 2010 đến năm 2022 - Nguồn: AFA Capital

Diễn biến giá vàng từ năm 2010 đến năm 2022 - Nguồn: AFA Capital

Theo nhiều chuyên gia am hiểu về thị trường vàng, dựa trên các dữ liệu lịch sử của biến động giá vàng trong khoảng 15 năm gần đây, không phải lúc nào giá vàng cũng tăng, nên việc vay vàng có thể có lợi ở thời điểm nào đó, tuy nhiên nhìn chung nhà đầu tư cần đặc biệt cẩn trọng.

Cụ thể, trong năm 2013, sau khi lập đỉnh 47 triệu đồng/lượng thì từ tháng 5-2013, giá vàng bắt đầu lao dốc xuống chỉ còn 34,7 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm đến 26%.

Như vậy nếu trước đó vào năm 2012 vay vàng và trả vào năm 2013, họ vô cùng có lợi. Giá vàng năm 2014, 2015 và 2016 cũng không biến động nhiều, vay vàng vào các năm này hoàn toàn không rủi ro.

Tuy vậy, trong phần lớn thời gian, giá vàng tăng rất mạnh. Ví dụ như năm 2019, giá vàng tăng 16% hoặc từ đầu năm 2023 đến nay giá vàng cũng đã tăng đến 25%, người vay vàng trả bằng vàng sẽ phải thiệt hại rất nhiều tiền.

Có thể thấy, khi giá vàng cao, rất nhiều các mối quan hệ trong xã hội, thậm chí gia đình cũng đã chịu ảnh hưởng. Vấn đề tiền bạc rất nhạy cảm và có thể gây đổ vỡ mối quan hệ. Sử dụng công cụ pháp lý thông qua giấy tờ có giá trị là cách tốt nhất để giúp cho việc vay mượn êm xuôi và không gây ảnh hưởng đến quan hệ.

Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, nghĩa vụ trả nợ của bên vay cũng được quy định rất rõ về. Cụ thể, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/moi-quan-he-gia-dinh-ran-nut-vi-gia-vang-vuot-90-trieu-dongluong-post790841.html