Chương trình khuyến nông: Tập trung mô hình nông nghiệp chất lượng cao

Năm nay, chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ưu tiên tập trung nguồn lực cho các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, đạt chuẩn an toàn, có minh chứng, truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là một trong những yêu cầu, đòi hỏi của đời sống sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trồng trọt theo chuẩn VietGAP

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm nay, chương trình khuyến nông đi sâu vào triển khai các mô hình trồng trọt đạt chuẩn VietGAP hoặc tuân thủ các yếu tố an toàn, thân thiện với môi trường. Có 6 mô hình trồng trọt được triển khai trong năm nay, bao gồm: Lúa giống, mãng cầu, bưởi da xanh, sầu riêng, rau xanh và cây tre điền trúc (để lấy măng).

Với mô hình trình diễn lúa giống chất lượng cao trên diện tích 12ha, đội ngũ khuyến nông viên đặt mục tiêu đạt năng suất lúa bình quân bằng hoặc hơn 60 tạ/ha, đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa từ 20 triệu đồng/ha/vụ trở lên, tăng 10% về hiệu quả kinh tế. Mô hình còn tập trung định hướng người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng để tạo sản phẩm an toàn trong quá trình sản xuất.

Đối với cây ăn quả, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục chăm sóc (năm thứ 3) 2,7ha trồng năm 2022 và hỗ trợ xây dựng trồng mới 3ha trong mô hình thâm canh mãng cầu Thái đạt chuẩn VietGAP, với mục tiêu hiệu quả kinh tế tăng hơn 10% so với giống mãng cầu thường. Với bưởi VietGAP, đội ngũ khuyến nông viên tập trung hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch 2ha bưởi đảm bảo năng suất tăng 20%, thu nhập tăng 25% so với thông thường. Tương tự, 7,5ha sầu riêng cũng sẽ được hỗ trợ quy trình chăm sóc, chứng nhận VietGAP nhằm cho ra sản phẩm sầu riêng có chất lượng tốt, năng suất mô hình tăng từ 10% trở lên so với thông thường. Cả mô hình bưởi và sầu riêng, ngoài các đợt tập huấn nhân rộng, sản phẩm của mô hình cũng được tổ chức liên kết sản xuất kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho loại trái cây này. Ngoài ra, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai mô hình rau VietGAP trên diện tích 0,6ha.

Ngư dân Cam Ranh nuôi cá trong lồng tròn HDPE công nghệ cao có khả năng nuôi ở vùng biển hở.

Chăn nuôi theo hướng an toàn

Bên cạnh trồng trọt, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 4 mô hình chăn nuôi. Trong đó, có mô hình chăn nuôi 6.000 con gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học, với giống gà lông màu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mô hình còn hướng cơ sở chăn nuôi theo VietGAP nhằm đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung tâm cũng triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản và ủ chua thức ăn xanh với quy mô 8 con. Mô hình còn kết hợp với trồng bắp sinh khối và ủ chua tạo nguồn thức ăn xanh đạt 300 - 400 tấn/ha. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực kỹ thuật cho nông dân trong công tác lai tạo, chăm sóc nuôi dưỡng, dự trữ, bảo quản thức ăn xanh để nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao.

Với chăn nuôi heo, mô hình chăn nuôi heo thương phẩm được triển khai với 20 con giống heo đen bản địa. Mô hình nuôi dê sinh sản chất lượng cao cũng hỗ trợ 55 con giống dê đực và giống dê cái cho hộ tham gia mô hình, hoàn thiện quy trình chăm sóc, nuôi dê.

Triển khai mô hình thủy sản công nghệ cao

Năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi cá biển bằng lồng HDPE có khả năng chịu lực, chống chịu tốt với gió bão để nuôi cá trên vùng biển hở. Với quy mô lồng tròn thể tích 500m3, mô hình đặt mục tiêu cho năng suất khoảng 8kg/m3, tỷ lệ cá sống đạt hơn 80%, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với lồng gỗ truyền thống. Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá dìa, cá dò được triển khai trên diện tích 33.000m2, mục tiêu đạt năng suất 1,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 25% so với nuôi đơn 1 đối tượng tôm sú. Đây là hình thức nuôi kết hợp, các đối tượng nuôi cộng sinh với nhau cùng phát triển, đồng thời còn giúp giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong ao nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, để giúp ngư dân đánh bắt xa bờ bảo quản hải sản tươi lâu hơn, việc ứng dụng hầm bảo quản hải sản trên tàu cá bằng công nghệ CPF (Composite Polyurethane foam) trên tàu khai thác hải sản xa bờ sẽ được triển khai. Việc sử dụng vật liệu PU Foam (nhựa tổng hợp dạng bọt cứng), vật liệu có đặc tính cách nhiệt, chống thấm, chịu va đập… tối ưu hơn nhiều so với các hầm bảo quản truyền thống. Mô hình đặt mục tiêu tăng hiệu suất sử dụng đá để bảo quản hải sản khai thác được đạt trên 95% so với tàu chưa được trang bị hầm bảo quản bằng công nghệ CPF

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trên cơ sở kế hoạch được duyệt, các địa phương thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia. Dựa vào danh sách đăng ký, đơn vị khuyến nông tiến hành khảo sát, lựa chọn triển khai mô hình ở những địa phương phù hợp, có khả năng nhân rộng. Toàn bộ quy trình, kỹ thuật, kết quả... đối với từng mô hình sẽ được tập huấn chuyển giao cho người dân nhằm đạt được kết quả cao nhất của mô hình.

Năm 2024, trung tâm khuyến nông triển khai 15 mô hình. Trong đó, có 6 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi và 5 mô hình nuôi, bảo quản thủy sản. Tổng kinh phí triển khai hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó hơn 4,6 tỷ đồng dùng để đầu tư trực tiếp vào việc thực hiện mô hình. Số tiền còn lại là chi phí bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202405/chuongtrinh-khuyen-nong-tap-trung-mo-hinh-nong-nghiep-chat-luong-cao-bb376e6/