Huyện Sơn Động tập trung mọi nguồn lực tham gia phát triển sản phẩm OCOP

Với sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của cấp Ủy, chính quyền và sự đồng lòng, tư duy sáng tạo, đổi mới của người dân huyện Sơn Động, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đã đạt kết quả, hình thành được các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Đến hết năm 2023, toàn huyện Sơn Động có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm mật ong Tây Yên Tử đạt 4 sao. Huyện có 6 sản phẩm đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu là Mật Ong Rừng Sơn Động, Rượu Men lá Như Bảo, Rượu Men lá Tây Yên Tử, Nấm Lim xanh Sơn Động, Miến dong Sơn Động, Cam Xoàn và 01 sản phẩm đang chờ quyết định công nhận là Hương Bồng Am. Mục tiêu hướng đến mỗi năm ít nhất có 05 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, có 03 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và đánh giá lại các sản phẩm đã hết hiệu lực công nhận.

Mật ong Tây Yên Tử - sản phẩm Ocop 4 sao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thảo Mộc Linh

Mật ong Tây Yên Tử - sản phẩm Ocop 4 sao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thảo Mộc Linh

Được hỗ trợ tối đa về điều kiện chính sách

Xác định công tác chỉ đạo là bước đệm vững chắc trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện Sơn Động đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, có lợi thế và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025. Song song với đó UBND huyện cũng theo sát chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc định hướng phát triển các sản phẩm OCOP. Các cơ quan, ban, ngành của huyện chủ động tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ và thực hiện hiệu quả nội dung do ngành phụ trách, góp phần giúp các chủ thể hoàn thiện sản phẩm OCOP một cách sớm nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

HĐND huyện Sơn Động thông qua và ban hành Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ cho các sản phẩm đạt OCOP. Theo đó, hàng năm huyện trích ngân sách nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh như sau: sản phẩm đạt 3 sao được hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm đạt 4 sao được hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm đạt 5 sao được hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/sản phẩm.

Chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt OCOP nhận hỗ trợ, thưởng của UBND huyện Sơn Động

Chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt OCOP nhận hỗ trợ, thưởng của UBND huyện Sơn Động

Tuy nhiên, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, huyện vẫn đối mặt với thách thức trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư và tạo ra các liên kết sản xuất để tiếp thị sản phẩm. Điều này dẫn đến việc các hợp tác xã và hộ kinh doanh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, từ đó không thể mở rộng quy mô sản xuất hoặc nâng cấp thiết bị. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng và giá trị của các sản phẩm vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Giai đoạn 2021-2025, 17/17 xã, thị trấn trong huyện xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về lãnh đạo xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, có lợi thế và sản phẩm OCOP trên địa bàn. Dựa theo kết quả khảo sát, các cơ quan chuyên môn đang tập trung ưu tiên thúc 10 sản phẩm có tiềm năng gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phượng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP như: Mô hình Nho hạ đen, hệ thống tưới tiết kiệm nước cho nhà lưới đối với cây Dưa lê Kim Hoàng Hậu, Dưa lê Kim Thiên Vương, Cam Xoàn.

Từng bước khẳng định vị thế của nông sản địa phương

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ các cơ quan, sở, ngành trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều nông sản, sản phẩm đặc trưng của huyện đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Trong quá trình tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể luôn đổi mới tư duy làm nghề, sáng tạo ra nhiều cách làm mới, làm hay, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ để tăng sản lượng và chất lượng nông sản địa phương.

Năm 2023, huyện đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm và nông sản thông qua phóng sự, tin bài giới thiệu các sản phẩm OCOP cùng những ưu điểm và tiềm năng của địa phương trên các phương tiện truyền thông. Các sản phẩm OCOP được tham gia trưng bày và bày bán tại Hội nghị sở hữu trí tuệ tại thành phố Bắc Giang, Hội chợ Nông sản tỉnh Sơn La, Hội chợ OCOP Hà Nội, Hội chợ thương mại Hạ Long, Quảng Ninh… Hướng dẫn các chủ thể mở rộng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và trên trang thương mại điện tử 24h Bắc Giang.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ việc áp dụng nhãn, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng 02 trang web cho các Hợp tác xã. Công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 60 ha cây Vải thiều, 20 ha cây Táo, 15 ha cây Cam Xoàn, 15 ha cây Bưởi da xanh tại các xã: Đại Sơn, Giáo Liêm, Cẩm Đàn, Yên Định, Tuấn Đạo, Vân Sơn. Đến nay, toàn huyện đã có 08 sản phẩm được chứng nhận thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng một điểm trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tại khu Du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử.

Gian trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực đặc trưng của Huyện Sơn Động

Gian trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực đặc trưng của Huyện Sơn Động

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn như các sản phẩm vẫn chưa được đầu tư để cải thiện bao bì, đảm bảo chất lượng khiến các sản phẩm bị hạn chế trong việc tiếp cận các thị trường lớn hơn và không thể tận dụng hết tiềm năng của sản phẩm; Các chủ thể thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh bán hàng, tìm kiếm thị trường, nhất là bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Các điểm trưng bày, bán sản phẩm còn hạn chế, chưa xây dựng được website về các sản phẩm OCOP, chưa có sản phẩm OCOP được xuất khẩu. UBND huyện khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư, nâng cấp bao bì, tem nhãn, chuẩn hóa sản phẩm, thiết kế nhỏ gọn, lịch sự, ưu tiên các vật liệu bảo vệ môi trường, đồng thời thường xuyên tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm, hội chợ triển lãm để tìm kiếm đối tác và thị trường tiêu thụ để có thể giúp sản phẩm tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng hơn và mở ra cơ hội phát triển kinh doanh rộng lớn hơn.

Việc triển khai Chương trình OCOP là một quá trình liên tục và lâu dài, cần được thực hiện theo lộ trình linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể và nguồn lực của từng địa phương. Chính vì vậy, sự chung tay của các cấp, các ngành và người dân với những giải pháp thiết thực, kịp thời cho chương trình OCOP trên địa bàn sẽ là tiền đề để huyện Sơn Động phát huy nội lực, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Qua đó, các sản phẩm OCOP của huyện có thể ngày càng củng cố vị thế trên thị trường và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Hà Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/son-dong-tap-trung-moi-nguon-luc-tham-gia-phat-trien-san-pham-ocop-a663998.html