Chiến lược dùng hạt nhân khôi phục vị thế, gia tăng ảnh hưởng của Nga

Nga cấp vốn và tham gia xây dựng tới 80% các dự án điện hạt nhân trên thế giới, sử dụng nó để khôi phục vị thế và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới.

Một sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Ai Cập vào tuần trước. Các chuyên gia của Rosatom (Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước) đã lắp đặt một tổ hợp thiết bị cho tổ máy điện số 2 của nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa (DNPP), thuộc tỉnh Matrouh trên bờ biển Địa Trung Hải.

Nhà máy El-Dabaa nằm cách thành phố Alexandria 135 km về phía Tây Nam và cách thủ đô Cairo 320km về phía Tây Bắc.

Sau khi hoàn tất hạng mục này, việc đổ bê tông nền cho tổ máy số 4 sẽ bắt đầu và tiếp tục các hạng mục lắp đặt cho các tổ hợp số 3 và số 4.

Nga tài trợ chính cho nhà máy điện hạt nhân Ai Cập

Nếu như sự kiện này diễn ra ở Nga, với tư cách là một cường quốc hạt nhân (cả quân sự lẫn dân dụng) hàng đầu thế giới, việc thi công, lắp đặt các tổ máy phát điện hạt nhân này sẽ không có gì là quá ấn tượng, nhưng ở Ai Cập thì nó có một ý nghĩa đặc biệt.

Diện tích của nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa, bao gồm bốn tổ máy điện lên tới 57.000 mét vuông, trở thành dự án hạt nhân lớn nhất hành tinh. Ngoài ra, cơ sở này sẽ là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Châu Phi, mở ra triển vọng to lớn cho cả Ai Cập và toàn bộ lục địa này.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn bắt đầu vào năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 3 năm.

Cơ sở này sẽ bao gồm bốn tổ máy điện 1200 MW được trang bị lò phản ứng thế hệ III+ VVER-1200. Các thiết bị còn lại của trạm đương nhiên cũng sẽ là của Nga và Moscow cũng cam kết cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Nga cho toàn bộ vòng đời của nhà máy.

Thế nhưng, điều đặc biệt nhất là Moscow cũng là nhà cung cấp vốn cho dự án. Theo đó, Nga đã cung cấp tới 25 tỷ USD, tương đương với 85% giá trị dự án có tổng vốn đầu tư 30 tỷ USD này. 15% còn lại sẽ được chi bởi vốn đối ứng của Ai Cập, bao gồm cả đất đai và nhân lực.

Mô hình này đã được Nga áp dụng trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân BelNPP của Belarus; nhà máy Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 20 tỷ USD), nhà máy điện hạt nhân Ruppur của Bangladesh (cung cấp 12 tỷ USD); xây dựng 2 tổ máy mới của nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary (cho vay 10 tỷ euro, trong tổng số vốn 12,5 tỷ euro); chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Burkina Faso…

Moscow đang nhắm tới mục đích gì?

Tại sao Liên bang Nga lại làm điều này? Theo giới chuyên gia Nga, việc Điện Kremlin quyết định bỏ tiền, kỹ thuật, nhân lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới ở Ai Cập và nhiều nước khác xuất phát từ việc Moscow nhìn thấy có ít nhất hai lý do chứng minh lợi ích của dự án này.

Đầu tiên, đó là những lợi ích về mặt kinh tế mà Nga nhận được.Việc cấp tín dụng cho Ai Cập có nghĩa là khoản tiền bỏ ra sẽ được trả lại kèm theo lãi suất. Theo đó, Cairo sẽ bắt đầu hoàn trả khoản vay có thời hạn 22 năm cho Moscow vào năm 2029, với lãi suất 3% mỗi năm.

Ngoài ra, trong số 17.000 người sẽ tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay, một nửa là người Nga.

Cuối cùng, việc thực hiện một dự án quy mô lớn như vậy đã khiến các nhà máy trong ngành điện hạt nhân của Nga ổn định đơn đặt hàng trong nhiều năm tới. Đặc biệt là Cục Thiết kế Cơ khí Trung ương đã nhận được đơn đặt hàng kỷ lục trong toàn bộ lịch sử của mình cho 400 tổ máy bơm.

Điều đặc biệt hơn là những lợi ích vô hìnhmà Moscow sẽ nhận được từ các dự án này là “không giới hạn”. Có một thời, Liên Xô còn tài trợ cho các dự án xây dựng trên khắp thế giới nhằm đảm bảo ảnh hưởng chính trị. Điều đáng chú ý là giới lãnh đạo Liên Xô đã rất thành công trong việc này.

Sau sự tan rã đầy nuối tiếc của Liên bang Xô viết năm 1991, vào thời điểm bất ổn và hỗn loạn ở nước Nga non trẻ trong thập niên 90 của thế kỷ trước, một số quốc gia đã “quay sang phương Tây”.

Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đã trở lại bình thường, hiện các chuyên gia từ tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom đang xây dựng 22 tổ máy điện hạt nhân ở nước ngoài, tương đương 80% thị trường thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, điều cực kỳ quan trọng là Liên bang Nga đã bắt đầu khôi phục ảnh hưởng của mình ở Châu Phi. Các nước Lục địa Đen vẫn còn nghèo hiện nay sẽ trở thành nước sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chính của thế giới trong vòng 30-40 năm nữa.

Do đó, bằng cách tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình ở Nam bán cầu trong kế hoạch có tầm nhìn xa, Moscow đã “đặt nền móng” cho sự phát triển của mình trong nhiều thập kỷ tới.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-luoc-dung-hat-nhan-khoi-phuc-vi-the-gia-tang-anh-huong-cua-nga-post662098.html