Chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số: Cần chung tay hành động quyết liệt hơn nữa!

Chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu đó.

1.Thời gian qua, trên báo chí cũng như mạng xã hội, tên tuổi của Lê Quang Long, chàng trai xứ Quảng được nhắc đến nhiều, trước hết là bởi những bức ảnh đầy xúc cảm của anh về cuộc sống thường ngày của trẻ em vùng cao tại những vùng đất mà anh đã đi qua. Trong đó, có những hình ảnh Long ghi lại, về những bữa ăn của các em. Xúc động hơn nữa là những chia sẻ của Long phía sau những bức ảnh ấy.

Lê Quang Long- tác giả của nhiều bức ảnh và dự án thiện nguyện chăm lo tới bữa ăn của các em nhỏ vùng cao.

"Các bé ở đây sẽ mang theo cặp lồng cơm mà ba mẹ chuẩn bị trước để ăn trưa tại trường (toàn cơm trắng và ít rau cải). Có bạn phải đem theo cái ly nhựa để xin cơm của các bạn khác mới có ăn, mỗi bạn một ít để ăn qua buổi trưa, có những hoàn cảnh mà đến tận nơi mình cũng không cầm được lòng. Một gia đình có đông con, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều khi bữa ăn của các em chỉ là sáng trưa đều ăn bột ngô (còn gọi là mèn mén) để tạm lắp đi cơn đói, đến tối bố mẹ đi nương về thì may ra được thêm chút thịt và cơm trắng. Những bữa ăn thật sự không đáp ứng đủ dinh dưỡng cho các em khi còn đang tuổi ăn tuổi lớn", Long cho biết.

2. Điều đau đáu là những câu chuyện đầy xúc cảm như Lê Quang Long vẫn còn hiện hữu khá phổ biến tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước hết phải khẳng định rằng, nhiều năm qua, công tác chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số đã được Đảng Nhà nước ta hết sức quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có yếu tố nghèo đói, thiếu kiến thức... đã khiến những kết quả đạt được còn hạn chế.

Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Việt Nam là 1 trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) có khoảng 1/3 trẻ em DTTS thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao như dân tộc Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ-đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.

Chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số: Cần chung tay hành động quyết liệt hơn nữa!

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 230 nghìn trẻ em Việt Nam bị bệnh SDD cấp tính nặng, trong đó có khoảng 50 nghìn ca là người DTTS. Trẻ bị SDD cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ bị SDD cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này.

SDD nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Đa số trẻ em bị SDD cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không có khả năng chi trả cho việc điều trị nếu thiếu nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, tình trạng SDD ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang rất báo động xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì kiến thức về dinh dưỡng cũng như những hạn chế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tình trạng SDD ở địa bàn này.

"Tôi cho rằng, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp; tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở vùng dân tộc thiểu số thấp hơn so với vùng đồng bằng. Nguyên nhân là do học vấn của các bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa (dân tộc Thái, Mường); tình trạng cai sữa sớm (dân tộc Tày, Nùng); vấn đề an toàn thực phẩm cũng là mối lo với đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện khí hậu và công nghệ chế biến sau thu hoạch nghèo nàn.

Theo tìm hiểu của tôi, những lý do khiến nhiều trẻ em vùng cao bị suy dinh dưỡng thấp còi là vì không đủ lương thực thực phẩm, sản lượng lương thực nhỏ nên không đủ nuôi sống gia đình cả năm và không đảm bảo được chế độ dinh dưỡng đa dạng cần thiết cho trẻ em. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tại những nơi này rất nghèo nàn, với thực phẩm truyền thống chỉ có cơm. Có những gia đình, mẹ hoặc bà của trẻ nhá cơm cho nát rồi cho trẻ ăn. Vấn đề an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh cá nhân cũng rất kém, chính điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi…."- Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc lý giải.

3. Thực trạng đó đã khiến việc chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số trở thành một trong những vấn đề câp bách cần được giải quyết.

Thực tế, để khắc phục thực trạng này, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Với chương trình này, đối tượng là trẻ em DTTS sẽ chiếm một phần không nhỏ. Tuy do nguồn lực và nguồn ngân sách thực hiện vẫn là lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan, mà chưa có giải pháp riêng, nhất là đối với vùng DTTS và miền núi, nên mục tiêu “giải quyết căn bản gánh nặng kép về dinh dưỡng”, xem ra không đơn giản.

Đặc biệt. Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã xây dựng Dự án số 7 - “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em”; trong đó chú trọng vào chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Chủ trương, chính sách đã có… Vấn đề còn lại chỉ là sự chung tay quyết liệt hơn nữa từ các bộ ngành liên quan, để giải quyết căn cơ những bất cập còn tồn tại trước đây, cải thiện hiệu quả tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi…Bởi giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm, là tiếng gọi của lương tâm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thư Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cham-soc-phat-trien-the-trang-tre-em-dan-toc-thieu-so-can-chung-tay-hanh-dong-quyet-liet-hon-nua-post275173.html